Ngày 19/5, anh Nguyễn Ngọc Khánh, đội trưởng Câu lạc bộ Bơi khám phá cho biết, hơn một nửa số phao cứu sinh lắp trên 6 cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội đã "không cánh mà bay".
Theo ghi nhận, trên cầu Chương Dương không còn phao cứu sinh nào. Tình trạng này cũng xuất hiện tại cầu Nhật Tân. Trong khi đó, những chiếc phao cứu sinh trên cầu Long Biên vẫn còn nguyên.
Anh Khánh cho hay, CLB đã tính đến việc phao bị mất cắp, nhưng luôn hướng đến những giá trị tích cực. Nhóm dự định đợi 2 - 3 tuần xem số lượng phao còn lại trên các cầu, rồi sẽ treo những chiếc mới.
"Mất lần 1 thì chúng tôi treo lần 2, mất lần 2 thì treo lần 3. Có thể đây là hoạt động mới nên nhiều người dân chưa ý thức được, hoặc nhiều người hiếu kỳ, dù trên mỗi chiếc phao đều ghi Phao cứu sinh, không lấy", anh Khánh nói.
Để không xảy ra tình trạng mất cắp, CLB sẽ giảm số lượng phao treo tại mỗi cầu. Nếu như ban đầu, mỗi cầu được trang bị 5 - 6 cái thì lần này nhóm sẽ chia ra, mỗi cầu treo chỉ 3 cái. Bên cạnh đó, nhóm sẽ in thêm biển đặt cạnh phao, với nội dung: "Đây là phao cứu sinh, vui lòng không đem về nhà".
"Giá trị mỗi chiếc phao không lớn, lại bị sơn chữ lên, nên dù bị trộm về bán lại cũng rất khó. Sang tuần, chúng tôi sẽ treo phao cứu sinh trên hai cây cầu mới là Đông Trù và Sông Đuống, đồng thời bổ sung phao trên những cầu bị mất", anh nói.
CLB Bơi khám phá hy vọng người dân nâng cao ý thức về phao cứu sinh dùng trong trường hợp khẩn cấp, quen với việc trên cầu có phao và hướng đến những giá trị tích cực.
Hoạt động treo phao cứu sinh trên những cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội là một phần nhỏ trong chương trình "Tình yêu sông Hồng" của CLB Bơi khám phá. Nhóm dự kiến treo hàng trăm phao cứu sinh trên các cây cầu chạy dọc sông Hồng ở 10 tỉnh, thành phố từ Lào Cai đến Thái Bình.
Tại Hà Nội, từ sáng 14/5, nhóm gồm 20 người, chủ yếu là phụ huynh của những em nhỏ trong các lớp dạy bơi miễn phí của anh Khánh, chia thành từng nhóm, đi từng cầu để treo phao cứu sinh. Các thành viên hoặc đi bộ hoặc đi xe máy, tùy theo kích thước từng cầu, làm việc từ sáng đến tối.
Để cố định phao, nhóm sử dụng dây thép rồi xoắn vào thành cầu, hướng phao ra ngoài sông Hồng.
"Chúng tôi đã treo tổng cộng 33 phao cứu sinh tại 6 cây cầu ở Hà Nội, trung bình mỗi cầu có 5 - 6 cái", anh Khánh nói.
Trước đó, từ ngày 6 đến 8/5, CLB Bơi khám phá đã treo phao cứu sinh và tổ chức các chương trình dạy bơi, kĩ năng làm quen sông nước, cứu hộ cứu nạn, tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang, nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng.
"Khi chúng tôi mang phao đến treo trên những cây cầu và tổ chức những lớp dạy bơi, người dân rất ngạc nhiên, nói rằng từ trước đến nay rất nhiều người tìm đến cái chết bằng cách nhảy cầu", anh Khánh nhớ lại.
Tại TP Yên Bái, nhóm trải nghiệm bơi 3 km giữa sông Hồng, từ cầu Yên Bái qua cầu Bách Lẫm. Khi anh đi dọc cầu Yên Bái để treo phao cứu sinh, vô tình nhìn thấy một cuốn sổ được xếp ngay ngắn, bên cạnh là một chiếc dép. Khi mở ra đọc, nhóm biết được đó là một cuốn sổ nợ.
"Con người khi bị áp lực cuộc sống, đến bước đường cùng và không có ai để chia sẻ, thường tìm đến cái chết và lãng phí cả cuộc đời dài phía trước", anh Khánh nói đó là lý do nhóm quyết định treo phao trên những cây cầu, có thể trong nhiều trường hợp là phương án cứu cánh cuối cùng để những người lầm lỡ có thể bấu víu, quay về với cuộc sống.
Bình luận