Chỉ cần vỏ cây núc nác, một ít phèn nấu với đường trong chừng 20 phút là có ngay chai mật ong y như thật. Loại mật ong giả này đang được rao bán công khai.
Mật ong là thứ thức uống bổ dưỡng, được người dân sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, sự buông lỏng trong khâu kiểm soát, quản lý khiến cho một lượng lớn mật ong trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Nhiều sản phẩm bị pha trộn, thậm chí làm giả, làm nhái được rao bán công khai. Hậu quả là hàng nghìn người tiêu dùng rước họa vào thân.
“Mật ong giá nào cũng có, từ 100 - 300 nghìn đồng/chai, nhưng cô biết rồi đó, tiền nào của ấy. Rẻ tiền thì chỉ có đồ giả thôi” - câu nói của bà Nguyễn Thị Ngạt, chủ một cửa hiệu kinh doanh mật ong lâu năm, đã dẫn chúng tôi về xã Xuân Tín (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).
Nước đường sau khi đun có màu như mật ong
Quy trình "hô biến" đường thành mật ong
Xã Xuân Tín vốn được mệnh danh là “thủ phủ” của các loại hàng giả như cao hổ, nhung hươu, mì chính, mật ong… Những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà mật ong còn hiếm hoi thì người dân ở Xuân Tín đã biết “chế biến” món mật ong giả mang đi bán khắp vùng.
Gần đây, người tiêu dùng trong địa bàn đã cảnh giác hơn nên đội ngũ làm hàng giả này liền tỏa đi khắp nước để buôn bán những "sản vật quý hiếm" do chính họ tạo ra.
Các nguyên liệu như đường, phèn, muối được cho vào nồi nước đun sôi quấy đều
Trong vai người đi buôn mật ong, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn V., (trú tại thôn 22, xã Xuân Tín). Ông V. vốn có thâm niên hơn 30 năm trong nghề buôn bán, làm mật ong giả nhưng nay đã “rửa tay, gác kiếm”. Phải mất nhiều giờ tỉ tê, tâm sự, ông mới hé lộ bí quyết làm mật ong giả cho chúng tôi.
Theo ông V., mật ong giả được pha chế và đun từ 4 nguyên liệu chính là đường, vỏ cây núc nác, nước lọc và phèn (hoặc chanh tươi). Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi kỹ hơn quy trình chế biến thì ông V. tỏ ra rất cảnh giác: “Không đề phòng sao được, công an hoặc phóng viên, nhà báo tới quay hình, chụp ảnh thì chết”.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể nhận diện mật ong giả qua nhiều cách như cho mật vào cốc nước và quan sát, nếu là mật ong thật sẽ không bị tan ngay trong nước. Mật ong giả sẽ tan nhanh và có màu đục. Hoặc cũng có thể lấy sợi tóc, hoặc lá hành để thử mật ong.
Chỉ đến khi chúng tôi đưa ra lý do muốn đặt hàng với số lượng lớn, đặt vấn đề làm ăn lâu dài nên muốn được tận mắt chứng kiến quy trình làm mật ong giả, ông V. mới bùi tai mà đồng ý đưa chúng tôi đi xem quy trình sản xuất của cậu em họ tên H., hiện đang còn hành nghề. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn cẩn thận dặn dò chúng tôi không được quay phim, chụp ảnh nếu không muốn về bằng… xe cứu thương.
Chỉ một cuộc điện thoại ngắn gọn, 10 phút sau, người em họ của ông V. đã có mặt ngay để thực hiện màn ảo thuật hô biến đường thành mật ong.
Người đàn ông nhỏ con tay thoăn thoát đổ nước rồi hất luôn thìa phèn cùng vài hạt muối vào nồi nước đang đun nóng. Chừng 10 phút sau, ông thả cả 2kg đường vào nồi và khuấy đều.
Ông H. đang trổ tài biến đường thành mật ong
“Muốn mật đẹp thì khi cho đường vào nồi phải lấy đũa quấy đều liên tục không để đường bám dưới xoong. Sau khoảng 10 - 15 phút, khi dung dịch có màu vàng nhẹ, quánh lại là đã hoàn thành” - ông H. tiết lộ bí quyết gia truyền. Cũng theo ông H., thông thường khi nấu, thay vì dùng phèn người ta cũng có thể cho chanh tươi vào để chai mật không bị đóng đường lại.
Tuy nhiên, dùng chanh tuy ít độc hơn nhưng mật lại hay bị loãng và không để được lâu như phèn. Tùy vào chất lượng, màu sắc của nước đường mà có thể đun vỏ của cây núc nác để tạo màu vàng đậm cho chai mật ong. Chưa đầy 20 phút, với những công đoạn không mấy phức tạp, đường đã được biến thành mật ong mà không cần đến sự nhọc nhằn của bất kỳ một con ong thợ nào.
Để ngụy trang cho hỗn hợp nước đường trở thành mật ong thứ thiệt, sau khi để nguội, rót vào chai, người đàn ông này còn cà một ít sáp ong lên cổ chai và đổ thêm vài giọt mật lên thành chai để chai mật có mùi thơm đặc trưng của mật ong.
Mùi thơm của hương mật ong, cộng với màu vàng trong của hỗn hợp nước đường và một chiếc nút lá chuối đã biến chai nước đường thành chai mật ong 100%.
Chỉ với 2 cân đường có giá chưa đầy 40.000 đồng, ông H. đã hô biến thành 2 chai mật ong hảo hạng mà theo ông H.: “Cô có bán rẻ thì 2 chai mật này của tôi cũng phải được gần 300.000 đồng”.
Tỏ ra là người kỹ tính, chúng tôi đặt 2 chai mật ong giả cạnh những chai mật ong thật để so sánh. Thật ngạc nhiên, 2 chai nước đường có màu sắc giống chai mật thật đến 99%. Nếu chỉ dùng phương pháp kiểm tra thông thường bằng mắt và mũi thì khó mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả.
Tràn lan mật ong kém chất lượng
Khảo sát tại một số nơi trên địa bàn TP.Hà Nội như chợ Long Biên, phố Lãn Ông… cho thấy giá mật ong hiện nay khá hữu nghị. Tại chợ đầu mối Long Biên, một chai mật ong dung tích 650ml có giá khoảng 150.000 - 250.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Giang, chủ cửa hàng mua bán mật ong rừng tại đây, cho biết: “Tùy từng loại mật ong, mật rừng hay mật nhà mà có giá bán khác nhau.
Cụ thể, mật ong rừng nguyên chất 100% nhập từ các tỉnh miền núi phía bắc có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/1 chai. Riêng mật ong nhà có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/1 chai. Ngoài ra còn có nhiều loại mật được quảng cáo là có giá khá hữu nghị chỉ ở mức 100.000 - 130.000 đồng/1 chai.
Khi thắc mắc tại sao giá mật ong lại có sự khác biệt lớn như vậy, vị chủ cửa hàng này lý giải: “Thông thường mật ong có rất nhiều loại. Ví như mật ong hoa bạc hà, mật ong hoa xoài, mật ong hoa vải… mỗi loại hoa có hàm lượng dinh dưỡng, bổ dưỡng khác nhau”.
Cầm trên tay một chai mật 650ml có màu nâu sẫm, chị Giang quảng cáo: “Muốn rẻ thì em lấy chai này, làm quà biếu đại trà là tốt nhất, giá chỉ hơn 100.000 đồng/1 chai. Lấy nhiều chị sẽ để giá hữu nghị hơn nữa”.
Nói rồi chị nháy mắt, tỉ tê: “Nhà tôi kinh doanh đa dạng, mật kiểu gì cũng có, loại này tuy không phải là hàng thật 100% nhưng dùng cũng được, mà giá lại rẻ nên bán chạy lắm".
Chị Nguyễn Thu Hương (chủ 1 cơ sở chế biến cà phê và nuôi ong lấy mật tại Gia Lai) cho biết có rất nhiều loại mật, mỗi loại có một mức giá khác nhau. Mật ong nhập cho các công ty xuất khẩu trên địa bàn có giá giao động từ 70.000 - 80.000 đồng/1lít.
Thông thường nếu mật ong ngon, đặc quánh thì 1 lít mật có thể cho tới 1,5kg mật. Mật có nhiều dạng, mật vải, mật cà phê, mật cao su, mật tràm… Trong đó, mật vải là loại mật ngon nhất.
Gia đình chị Hương nuôi gần 4.000 đàn ong (đầu tư mất khoảng 150 triệu đồng), mỗi năm cũng cho thu hoạch 20 - 30 tấn mật. Tuy nhiên, để mật ngon, chất lượng còn phải tùy thuộc vào thời điểm mùa, vụ hoa, hay thời tiết trong năm.
Thông thường, nếu nuôi bầy ong cỡ lớn, hoa ít thì các chủ hộ cũng sẽ cho ong ăn thêm đường để tạo mật, tuy nhiên nếu vậy mật ong này sẽ không được thơm ngon như mật được lấy từ ong đi hút nhụy. Để vắt được một lứa mật phải mất từ 6 - 7 tháng, nhưng nếu cho ong ăn đường thì khoảng cách vắt mật sẽ ngắn hơn chừng 3 - 4 tháng.
Hiện tại hầu hết các chủ hộ nuôi ong lấy mật tại Gia Lai đều cung cấp hàng cho các công ty xuất nhập khẩu mật ong. Tuy nhiên, hằng ngày có hàng chục gia đình bị công ty trả lại hàng do mật ong không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, hoặc bị phát hiện nồng độ hóa chất, thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. “Cũng chính vì vậy nên chủ hộ đành phải tự pha chế, hoặc đóng chai lẻ bán cho người dân hoặc bán ra chợ truyền thống” - chị Hương cho biết.
Không riêng gì Gia Lai, tại nhiều tỉnh thành phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… nhiều sản phẩm mật ong được bày bán tràn lan ven đường cũng không được kiểm chứng về chất lượng.
Theo ghi nhận của người dân quanh khu vực này thì đây chủ yếu là người dân từ địa phương khác mang mật về bán, đa số là mật ong chế từ đường ra.
Rắc sáp ong lên bề mặt chai đường để hoàn thiện "chu trình biến hóa"
Mật ong giả gây hại cho sức khoẻ
Ngay sau khi nhận được thông tin trên địa bàn xã Xuân Tín có hộ sản xuất, chế biến mật ong giả, chúng tôi đã liên lạc để làm việc với chính quyền xã và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa. đại diện chính quyền xã Xuân Tín từ chối tiếp chuyện PV với lý do bận.
“Không có trường hợp nào sản xuất mật ong giả cả. Tôi cũng chưa đọc bài viết nào cả. Báo thích tuyên truyền nói xấu thì cứ nói thôi” - vị lãnh đạo này trao đổi qua điện thoại.
Ông Trần Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa - nhận định: “Ở chừng mực nào đó vẫn có những hộ gia đình sản xuất mật ong giả mang đi tiêu thụ. Nhưng vì số lượng nhỏ lẻ nên rất khó thanh kiểm tra, xác minh, xử lý”.
Cũng theo lý giải của ông Tâm thì các hộ này không sản xuất tại nhà, đi tới đâu sản xuất, tiêu thụ tới đó. Quy mô sản xuất cũng không lớn, chủ yếu đi tiêu thụ ở các xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên càng khó kiểm soát. Thường thì những vùng nuôi ong lại là những vùng dễ bị trà trộn mật ong giả mang đi bán nhiều nhất".
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: "Mật ong tuy là loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng nếu vô tình mua và sử dụng phải mật ong giả thì bổ đâu chưa thấy mà nguy cơ mắc bệnh đã hiện hữu. Người tiêu dùng có thể bị tăng cân, gây béo phì và mất cân bằng hệ tiêu hóa.
Khoa học cấm sử dụng phèn chua để sản xuất, chế biến thức ăn vì nó gây nguy hiểm cho sức khỏe. Phèn chua là muối sun-fat nhôm, sắt hay còn gọi là “muối kép”, được dùng để lọc nước hoặc để sát trùng chứ không bao giờ đưa trực tiếp vào thực phẩm.
Hợp chất chứa sắt, nhôm có trong phèn khi vào cơ thể sẽ khiến cho chức năng dạ dày bị rối loạn và ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể”.
Trong khi đó, ông Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - cũng cho rằng sử dụng mật ong giả sẽ khiến người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ “tiền mất, tật mang”.
Đặc biệt, mật ong giả có lẫn tạp chất, hóa chất tạo màu, tạo mùi… có thể tạo thành hợp chất cực độc. Riêng đối với những loại mật ong pha trộn thì nguy cơ lẫn tạp chất, hóa chất độc hại lại càng nhiều hơn.
Theo Dòng đời
Bình luận