Theo CNN, ngày 5/11, những người biểu tình đổ về trung tâm thủ đô Tehran trong một cuộc vận động hàng năm, kỷ niệm cuộc đột kích năm 1979 của các sinh viên Iran vào đại sứ quán Mỹ.
Cuộc biểu tình diễn ra vào đúng thời điểm các lệnh trừng phạt Mỹ tái áp đặt lên Iran sau khi rút khỏi thoả thuận hạt nhân có hiệu lực. “Mọi người tập trung tại đây để đối đầu với nước Mỹ” – một người biểu tình cho biết. “Người Mỹ khác với nhà nước Mỹ. Đúng là các lệnh trừng phạt đã gây áp lực cho những người dân vô tội của chúng tôi, nhưng chúng tôi quá kiên cường và sẽ vượt qua những khó khăn này” – người biểu tình nói.
Ngày 5/11, Mỹ tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt chống Iran đã từng được dỡ bỏ trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với một số miễn trừ tạm thời. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/11 nói đó là những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng đưa ra.
Sau khi nhắm đến các ngành ô tô và hàng không vào tháng 8, các lệnh trừng phạt ngày 5/11 nhắm đến ngành dầu khí, ngành vận chuyển và ngân hàng của Iran. Mục đích cuối cùng của các lệnh trừng phạt, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, là khiến lượng xuất khẩu dầu của Iran trở về bằng con số không.
Tổng thống Trump nói ông hy vọng siết chặt trừng phạt sẽ buộc chính phủ Iran phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, thỏa thuận từng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế với Iran, đổi lại nước này phải ngừng làm giàu uranium.
Tháng 5/2018 ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, dù Bộ Ngoại giao Mỹ chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận. Tổng thống Mỹ cho rằng đây là một thỏa thuận “khủng khiếp, chỉ nghiêng về một phía và đáng nhẽ ra không bao giờ, không bao giờ nên được hình thành.”
Động thái của Mỹ khuấy động phản ứng mạnh mẽ từ các công ty quốc tế, bao gồm những công ty lớn châu Âu như Total và Airbus và từ Iran. Giá trị đồng Riyal của Iran giảm mạnh khoảng 70%, lạm phát tăng vọt sau quyết định của Tổng thống Mỹ
Video: Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên hàng loạt cá nhân và công ty Iran
Iran không xa lạ gì với các lệnh trừng phạt, nhưng lần này tuyên bố không muốn đàm phán với Mỹ. Tổng thống Donald Trump trong những tháng gần đây nói sẵn sàng tổ chức đối thoại với giới lãnh đạo Iran vào bất cứ lúc nào, song lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei công khai cấm “bất cứ cuộc đối thoại nào” với Mỹ.
Theo một số nhà phân tích, đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân sẽ là sự thừa nhận thất bại của thỏa thuận trước, dù Iran vẫn tiếp tục tuân thủ phần của mình.
“Tôi nghĩ nhiều người hiểu rằng chính phủ Rouhani hoặc không chịu trách nhiệm cho các lệnh trừng phạt hoặc chỉ chịu phần nhỏ trách nhiệm” – nhà phân tích Iran Hamid Mousavi nói. “Iran đã ở trong thỏa thuận hạt nhân ngay cả khi Mỹ quyết định rút, nên nhiều người Iran không thực sự hiểu họ phải thay đổi điều này như thế nào và cho rằng ông Donald Trump mới là người cần chịu trách nhiệm.”
Chưa có phản ứng rõ ràng nào với các lệnh trừng phạt, Iran dường như sẵn sàng đối đầu với cơn bão, tin vào sự thay đổi sắp xảy ra trong giới lãnh đạo Mỹ - Mohammed Ali Shabani, biên tập viên của Iran Pulse nhận định. “Rất khó để những người Iran bình thường cũng như giới lãnh đạo sẵn sàng từ bỏ toàn bộ chính sách ngoại giao vì Tổng thống Mỹ hiện tại có thể sẽ ra đi sau hai năm” – Shabani nói.
Tuy nhiên, chính phủ Iran cũng phải đối mặt với sự phản đối từ chính người dân. Những người này cho rằng chính phủ nên đàm phán, họ lo sợ các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ và việc làm của họ.
Bình luận