Khi được hỏi về những bình luận của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, rằng Ankara ủng hộ đề xuất hòa bình 10 điểm mà Kiev đề xuất, bà Zakharova nhận định: "Khó có khả năng sự ủng hộ của Ankara cho dự án này sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm một hướng đi tối ưu cho hòa bình ở Ukraine".
Kê hoạch hòa bình được Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Theo đó, kế hoạch này yêu cầu Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine coi là của mình và đảm bảo Ukraine nhận được sự hỗ trợ lâu dài từ các đối tác quốc tế.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gọi bài phát biểu trực tuyến của ông Zelensky khi đó là "khiêu khích, bài Nga và hung hăng", đồng thời gọi kế hoạch 10 điểm của ông là "thiếu thực tế và không phù hợp".
Điện Kremlin cho rằng nếu Ukraine muốn hòa bình, nước này nên tính đến "những thực tế mới" khi nhắc tới 4 khu vực được sáp nhập vào Nga cuối mùa thu năm ngoái sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014.
Ông Cavusoglu đã thể hiện lập trường tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ với đề xuất của ông Zelensky trong một cuộc họp báo ở Nam Phi. Ông cũng đề xuất vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và cho biết chính phủ nước này muốn thấy một giải pháp cho xung đột "càng sớm càng tốt".
Ông Zelensky đã nêu ý tưởng tổ chức "Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình toàn cầu" do Liên Hợp Quốc chủ trì để thảo luận về các ý tưởng trên, đề nghị nó có thể diễn ra vào tháng 2/2023. Ngoại trưởng Dmitry Kuleba khẳng định Nga sẽ phải đối mặt với một tòa án quốc tế trước khi được phép ngồi vào bàn đàm phán.
Bình luận