Thời gian gần đây, liên tiếp những bản nhạc và hình ảnh chế xuất hiện trên nền tảng TikTok gây bức xúc trong dư luận. Những nội dung bẩn này được lan truyền nhanh chóng và được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng, khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc.
Những bản nhạc chế xuyên tạc, xúc phạm lịch sử
Trong những ngày qua, trên TikTok tràn lan đoạn nhạc ''chú bé loắt choắt" với nội dung chế từ bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu. Những đoạn nhạc có lời phản cảm, vô nghĩa, nhảm nhí trên nền nhạc Vinahouse chát chúa đang trở nên thịnh hành làm cho phần đông công chúng tỏ ra bức xúc, phẫn nộ.
Bản nhạc lan truyền trên TikTok có đến hơn hàng chục triệu lượt xem trên nền tảng này. Bản nhạc chế được sử dụng cho hàng loạt video. Có video trong số đó lên tới 10 triệu lượt xem. Đáng nói, trong nhiều video, người dùng tạo dáng phản cảm, thậm chí đứng lên bàn ghế, mặc áo dài nhưng có tư thế không phù hợp hoặc mặc bikini.
Phần lời của bản chế cũng được đánh giá là vô nghĩa, không giữ đúng tinh thần của bản gốc. “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi"...Đó là nội dung của bài rap.
Trước những chỉ trích của khán giả, rapper 2See - chủ nhân của bản nhạc đã quay clip để nói lời xin lỗi, hối hận vì đã chế lời của bài thơ Lượm của nhạc sĩ Tố Hữu. Theo 2See, hai năm trước khi trào lưu chế nhạc đang được ưa chuộng anh đã ghép lại nhiều câu trên mạng để làm thành bài nhạc và cho ra mắt. Tác giả cũng ẩn bài nhạc trên YouTube và xóa bài nhạc chế gốc trên mọi nền tảng.
DJ FWIN - người thực hiện bản phối cho bài rap cũng cho biết phiên bản của anh được người dùng TikTok sử dụng nhiều nhất, đạt tới hàng triệu lượt xem nhưng khi vấp phải phản ứng tiêu cực của khán giả, anh quyết định gỡ bỏ.
Tuy nhiên, dù bản gốc được gỡ xuống khỏi các nền tảng, nhưng vẫn còn đó hàng trăm bản nhạc được đăng lại, dùng lại gây bức xúc cho người nghe.
Hay như Vanh Leg – cái tên nổi tiếng với những ca khúc nhạc chế từng gây tranh cãi vì biến tướng lời phản cảm ca khúc Thương quá Việt Nam thành “Chim trong lồng chim bay ra, chim tung cánh xé tan quần què. Chim bay về một nơi xa” trong video Giấc mộng ca sĩ.
Nhiều gia đình “ngã ngửa” khi nghe những đứa con của mình hát các ca khúc có ca từ dung tục, bắt nguồn từ “rác phẩm” trên mạng xã hội.
Ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị đem chế lời gây phẫn nộ: “Đêm chong đèn ngồi đếm bạc, tờ năm chục màu xanh, mẹ cầm súng đứng canh, con cầm dao ngồi cạnh…” hay Tiếng chày trên sóc Bom Bo bị chế lời thô thiển: “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán/ Bán năm trăm để lấy tiền tiêu tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu. Ở đợ ba năm về chuộc người tình…”.
Mới đây nhất, mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh nhóm người trẻ hô hào thêm thắt, sửa đổi một số câu từ, biến Nam quốc sơn hà trở thành một bài thơ chế dùng khi đi nhậu.
Bài thơ Nam quốc sơn hà có tác dụng khích lệ tinh thần quân sĩ trong cuộc chiến chống quân xâm lược Tống. Đây còn được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Chính vì vậy, việc đem bài thơ được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta ra chế lời, thành khẩu hiệu hô to trong bữa tiệc, bàn nhậu, thậm chí còn đẩy lên mạng xã hội như một trend mới khiến nhiều người bức xúc, thậm chí lên án gay gắt. Họ cho rằng, đó là một sự phỉ báng đối với lịch sử dân tộc, một sự xúc phạm, xuyên tạc lịch sử không thể chấp nhận được.
Khi nghệ sĩ tiếp tay cho "nhạc rác"
Đoạn nhạc chế từng được Lê Dương Bảo Lâm hát từ năm 2019 bỗng trở nên nổi đình đám trên TikTok thời gian qua. Phần lời của ca khúc không chỉ vô nghĩa mà còn phá nát cảm xúc về bộ truyện tranh Doraemon gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Đoạn nhạc chế hoàn toàn sai lệch so với nội dung của bộ truyện đến từ Nhật Bản.
Đoạn nhạc có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Nhảm nhỉ là vậy nhưng trên TikTok, các clip cắt cảnh Lê Dương Bảo Lâm hát đoạn nhạc chế này đều có lượt xem rất cao, trung bình thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng chục triệu lượt xem. Đáng quan ngại khi rất nhiều em nhỏ cũng thuộc làu lời của bản nhạc chế này để hát lại.
Với tốc độ lan truyền đến chóng mặt trên TikTok, đoạn nhạc chế dễ dàng gây sốt. Thậm chí nhiều người nổi tiếng còn thoải mái hát nhép miệng hay nhảy múa theo với mục đích kiếm view.
Mặc nội dung hoàn toàn sai lệch với bộ truyện gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu người và ca từ nhảm nhí, Lê Dương Bảo Lâm vẫn nhiều lần giới thiệu "ca khúc do mình sáng tác" trên các gameshow. Sau khi bị lên án, nam diễn viên đã chỉnh sửa lời nhạc, đảo vị trí theo đúng nội dung trong bộ truyện tranh đình đám của Nhật Bản.
Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho TikTok. Khi Lê Dương Bảo Lâm hát trên sóng truyền hình, nhiều nghệ sĩ không phản ứng mà còn vỗ tay, cỗ vũ đồng nghiệp một cách nhiệt tình. Thậm chí nhiều sao Việt cũng "đu trend" bằng cách sử dụng bản nhạc chế này cho các video hài hước của mình.
Ngoài ra, Di Di, Hậu Hoàng, Thiên An… cũng là những người có sức ảnh hưởng và nổi tiếng nhờ nhạc chế. Những sản phẩm của họ hướng đến sự hài hước nhưng hầu hết là tiếng cười dễ dãi, hời hợt, đôi khi phản cảm.
Họ quên mất rằng, những sản phẩm phản cảm này lại có tác động rất lớn tới công chúng, đặc biệt là với những khán giả trẻ, những người dễ dàng bị cuốn theo những trào lưu mà chưa ý thức hết tác hại của nó.
Bài 2: Nhạc chế làm lệch lạc suy nghĩ của giới trẻ về văn hóa, lịch sử đất nước
Bình luận