• Zalo

Phẫn nộ trước clip nữ sinh bị bạn đánh, bắt liếm chân

Giáo dụcThứ Sáu, 28/10/2016 18:05:00 +07:00Google News

Đoạn clip một nhóm nữ sinh nhảy vào đánh hội đồng bạn nữ và bắt bạn liếm chân vừa được đưa lên mạng xã hội đã khiến dư luận rất bức xúc, phẫn nộ.

Trong thời gian gần đây, dư luận không khỏi bức xúc trước những hình ảnh bạo lực liên tiếp diễn ra trong môi trường giáo dục.

Ngày 27/10, mạng xã hội facebook xuất hiện clip một nữ sinh bị nhóm bạn bị đánh hội đồng tàn bạo. Một nhóm nữ sinh dùng chân giẫm lên mặt, túm tóc kéo, liên tục tát và lấy đầu gối đánh vào mặt một nữ sinh. Đặc biệt, nữ sinh bị đánh còn bị yêu cầu liếm chân bạn. Điều đó khiến dư luận rất bức xúc.

Khi clip được đăng tải, công an đã vào cuộc và tìm đến nhà nạn nhân. Được biết nạn nhân là V.N.T.U (SN 2001, nữ sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Khi biết tin, phụ huynh em T.U đã òa khóc, giật mình, run rẩy khi thấy hình ảnh con gái bị đánh dã man.

Nữ sinh này kể lại bị đánh một tháng trước và về nhà bảo với bố mẹ bị ngã xe. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do mâu thuẫn cá nhân. Nhóm nữ sinh đánh bạn hiện đã nghỉ học.

Hiện tại, cơ quan chức năng đã tạm giữ được một người trong nhóm hành hung, số còn lại đều đang bỏ trốn. Cơ quan chức năng cho biết sẽ tiếp tục điều tra và làm rõ sự việc.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Ngọc Ánh, Viện Tâm lý Thực hành (TP.HCM) cho biết: "Từ những lý do hết sức bình thường, chẳng hạn như một cái "nhìn đểu", nói xấu trên facebook, không trả lời tin nhắn hay đơn giản chỉ là thấy "ngứa mắt",… các em vẫn có thể kéo đối phương ra đánh tàn bạo"

Bà Ánh cho rằng trong nhiều trường hợp các em không ý thức được hành động của mình là đúng hay sai, không suy nghĩ đến hậu quả.

Mặt khác, những vụ bạo lực học đường cũng xảy ra thường xuyên hơn do sự thiếu quan tâm từ phía gia đình, cha mẹ mải mê làm ăn hoặc việc bạo lực diễn ra ngay tại gia đình khiến các em có xu hướng học theo.

Rõ ràng, nhà trường cũng không thể chối bỏ trách nhiệm. Một phần do chương trình học tập quá nặng, các em học sinh ít được tham gia vào các hoạt động để trau dồi kỹ năng sống nên đã dễ dàng có những hành động bạo lực ngay trong nhà trường.

Bà Ánh cho biết thêm, ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, còn có nguyên nhân do luật chưa đủ tính răn đe, các biện pháp kỉ luật không nhất quán.

"Khi quá dễ dãi khi lại quá nghiêm khắc, các em lại đang trong độ tuổi thích chứng tỏ bản thân nên dẫn đến việc “điếc không sợ súng”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Ánh bày tỏ.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn