Phẫn nộ quy định 'ngực lép' không được lái xe

Thời sựChủ Nhật, 25/08/2013 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Cộng đồng mạng dậy sóng phẫn nộ trước sự hồi sinh của các tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, lực bóp tay, "ngực lép"... đối với lái xe.

(VTC News) - Cộng đồng mạng dậy sóng phẫn nộ trước sự hồi sinh của các tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, lực bóp tay, "ngực lép"... đối với lái xe.

Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đang cùng nhau xây dựng “Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe” (gọi tắt là Dự thảo).

Đáng chú ý trong quy định của Dự thảo này, những tiêu chuẩn từng gây phản ứng dữ dội từ dư luận từ 5 năm trước như “ngực lép”, thấp bé, nhẹ cân… không được lái xe máy trên 50cm3 gần như vẫn được giữ nguyên.

Thậm chí, những người bị các bệnh da liễu truyền nhiễm có khả năng lây lan như vẩy nến, nhiễm nấm... có thể cũng thuộc diện không được cấp bằng lái xe.

Chưa bàn tới những điều bất hợp lý ở dự thảo này, chỉ xét tới tính khả thi của nó trong thực tiễn nhiều người đã bật cười, thậm chí phẫn nộ.

Phân biệt “hàng thật, hàng giả” thế nào?

ngực lép không được lái xe vtc
Giới chức sẽ phân biệt thật giả thế nào? (Ảnh: Internet)

Nhiều người có cùng câu hỏi không biết giới chức sẽ đo ngực như thế nào và làm thế nào họ phân biệt được “hàng thật, hàng giả” để mà phạt khi người dân điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông?


Những tiêu chuẩn mà liên Bộ đưa ra khiến người ta liên tưởng ngay tới sự bất lực của các nhà làm luật trước tình trạng tắc nghẽn giao thông kéo dài cả thập kỉ nay ở các thành phố, khu đô thị lớn.

Bởi lẽ, nếu đề xuất trên được thông qua, lượng người tham gia giao thông sẽ giảm. Không chỉ thế đội hình tham gia giao thông sẽ toàn “trai xinh, gái đẹp”, “đạt chuẩn”. Nói cách khác, chúng được xem là thuốc đặc trị cho căn bệnh ùn tắc giao thông “mãn tính” ở Việt Nam.

Cư dân mạng có tên Minh NVHTN lo ngại: “Kiểu này ngoài đường chắc toàn nữ chạy xe”.

Trong khi trên diễn đàn webtretho, các mẹ rủ nhau tiết kiệm, chuẩn bị tiền để đi phẫu thuật thẩm mĩ nâng ngực ngay khi đề xuất trên “bị” thông qua. Thành viên Myrom viết: “Mẹ nào lép thì tranh thủ bơm ngực là vừa rồi á”.

Nghiêm túc hơn, Chung71 bình luận: “Mình cho rằng mỗi người đều luôn có trách nhiệm cao với chính sinh mạng của mình. Vì vậy, chỉ cần cấm những người có bệnh về thần kinh là ổn bởi họ không làm chủ được hành vi của chính mình. Còn những đối tượng khác, miễn là họ vượt qua được phần thi sát hạch về chuyên môn là được”.

Bức xúc trước quy định bị đánh giá là “sặc mùi kì thị” này, thành viên có biệt danh Thichnoichuyenvui viết: “Những người có kích thước chưa đạt chuẩn, nếu không thể dắt xe, lái xe thì họ đã không mua xe và có lẽ cũng chẳng dại gì mà lái xe rồi. Chẳng ai ngu dại mà tự lao vào chỗ chết hay cố tình lái xe gây nguy hiểm cho người khác như lo ngại của các nhà làm luật kể trên.

Ví dụ, tôi có cô cháu tại Việt Nam, bị khuyết tật ở chân nên gặp khó trong việc dắt xe. Tuy nhiên, cháu tôi đã lắp thêm một bánh xe phía sau xe gắn máy. 15 năm nay nó vẫn tự đi làm, tự đưa xe vào nhà, tự đi chơi có làm sao đâu? Nói cách khác, người lái xe, mua xe đã tự ý thức về sự an toàn cho chính bản thân họ rồi.

Trên thế giới, tôi chưa thấy có văn bản luật nào kì thị như văn bản này!”.

Thành viên Saigonhanoivietnam lại có những chia sẻ động tới lòng trắc ẩn của các thế hệ người Việt.  

 

Hãy nghĩ về những người mẹ, người chị của các bạn trước khi đưa ra những đề xuất “phản bội” lại họ như thế này

Thành viên Saigonhanoivietnam
 
“Tại Việt Nam, có hàng triệu phụ nữ, trong đó có cả các bà, các mẹ, cô, dì của các nhà soạn thảo văn bản luật hiện đã trên 45 tuổi. Ai cũng biết, phụ nữ càng lớn tuổi, ngực sẽ nhỏ dần và teo lại, đặc biệt là những bà mẹ khốn khổ, một sương hai nắng bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm tiền nuôi các con khôn lớn.


Chiều cao của họ vốn dĩ đã hạn chế, càng lớn tuổi càng thấp hơn. Nếu quy định như trên, họ làm sao có được bằng lái xe? Ai sẽ gánh gánh nặng cơm áo gạo tiền thay họ khi họ không có phương tiện hợp lý để đi làm?

Họ không được lái xe đi làm, lấy gì nuôi con ăn học? Hãy nghĩ về những người mẹ, người chị của các bạn trước khi đưa ra những đề xuất “phản bội” lại họ như thế này”.

Nhẹ nhàng hơn, Vuthuylove chia sẻ: “Vòng ngực chắc ý là chân ngực thôi chứ nhỉ? Ai lại đo cả bầu? Nhưng nói chung là đo ở đâu thì nghe vẫn hài hước ghê ấy”.

“Cái gì cũng phải có tiêu chuẩn không thì loạn!”

Đó là ý kiến của thành viên có biệt danh Khanh_b – đại diện những người ủng hộ các đề xuất trên của liên Bộ.

Ngực nhỏ hơn 72cm hay thấp hơn 1m45 thì lái xe không an toàn.
Ngực nhỏ hơn 72cm hay thấp hơn 1m45 thì lái xe không an toàn? (Ảnh minh họa: Internet) 

Chia sẻ trên diễn đàn, Khanh_b viết: “Chuyện này là bình thường và đúng. Ngực nhỏ hơn 72cm hay thấp hơn 1m45 thì lái xe không an toàn.


Giống như khi tuyển phi công, ai thấp quá 1m70 thì thôi nhé. Ai dưới 60kg cũng bị loại. Ai bị bệnh hiểm nghèo cũng thôi nốt. Cái gì cũng phải có tiêu chuẩn chứ không thì loạn hết. Sau này tai nạn giao thông tăng lên thì đừng kêu Bộ Giao thông vận tải nhé. Toàn những người thấp bé, nhẹ cân lái thì không gây tai nạn mới là lạ”.

Đồng quan điểm với Khanh_b, thành viên Hoangyen69 phân tích: “Thực ra quy định về vòng ngực, chiều cao, cân nặng là để quy ra tình trạng sức khỏe thôi. Thử tưởng tượng một người cao 1m42, nặng 38kg mà điều khiển xe máy có nguy hiểm không?

Họ dắt xe cũng khổ, cưỡi được lên xe rồi có vẻ ổn, nhưng khi dừng đèn đỏ chống chân sẽ rất chơi vơi, không vững, thiếu an toàn”.

Trong khi đó, thành viên Khong.don.gian nhấn mạnh: “Đúng rồi, tôi thấy việc đo lực kéo là chính xác đấy.  Phụ nữ nên tập tạ tay loại nhỏ, vừa khỏe mạnh vừa tăng cơ ngực và tăng độ khéo léo. Nhiều bạn gái trông to lớn mà dắt cái xe đổ kềnh, trong khi có em gái trông nhỏ nhắn hơn mà dắt xe đi phăm phăm. Đó chính là kết quả của việc tập luyện”.

7Phu viết: “Cái lực kéo đó là nâng cao tinh thần thể dục thể thao của toàn dân đấy. Một sức khỏe tốt không những vững tay lái mà còn nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc”.

Như vậy, có thể thấy xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà soạn thảo văn bản luật này, chuyên gia về giao thông và y tế nói gì về dự thảo trên?

Mời quý độc giả đón đọc các bài tiếp theo trên VTC News.

Các Bộ đối nhau chan chát
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thời điểm hiện tại chưa có dự thảo thông tư liên bộ quy định về điều kiện sức khỏe lái xe được đưa ra.

“Thông tin báo chí đăng thời gian gần đây đều dựa trên dự thảo được đưa ra lấy ý kiến từ năm 2008. Thời điểm hiện tại, dự thảo chưa được đưa ra. Ban dự thảo sẽ xây dựng thông tư liên bộ, theo các điều kiện mới phù hợp với điều kiện thể lực, phương tiện.

Dự kiến sẽ có các quy định khác nhau với lái xe chuyên nghiệp và lái xe của gia đình”, ông Tường khẳng định.
Trái với ý kiến của ông Tường, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế Giao thông vận tải, cho biết đã 2 lần ngồi họp với Bộ Y tế, Bộ Công an về nội dung dự thảo thông tư và dự thảo ngày 7/8 ra đời sau lần họp thứ 2, các đơn vị đã “cơ bản thống nhất” nội dung dự thảo.

Ông Triển cũng cho rằng, trả lời của đại diện Bộ Y tế là chưa đúng, vì chính Bộ Y tế đã thành lập hẳn một ban soạn thảo tiêu chuẩn sức khỏe, gồm rất nhiều thành viên.

Cho dù đó có là “hiểu lầm” hay tin đồn đi chăng nữa, dư luận vẫn một lần nữa dậy sóng với các đề xuất bất khả thi trên.

Còn theo ông Khương Kim Tạo, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chuyên gia về lĩnh vực lái xe và công tác quản lý an toàn giao thông, hiện nay các phương tiện giao thông cơ giới đã phát triển hơn rất nhiều, tính năng hiện đại hơn, lực điều khiển xe như lái, phanh nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không cần yêu cầu lực lớn.

Trong quy định về sức khỏe người lái xe không nên quá chú trọng vào vấn đề thể lực, thấp bé nhẹ cân. Ví dụ với ô tô hiện nay, người lái ô tô có thể chỉnh ghế lái lên xuống thích hợp với tầm nhìn (trước đây nếu thấp bé phải kê thêm đệm).

“Thực tiễn những người lái xe thể hình nhỏ không gây tai nạn nhiều, yếu tố an toàn không liên quan quá nhiều đến thể lực mà quyết định là làm chủ an toàn như không phóng nhanh vượt ẩu. Chưa kể người khỏe đôi khi chạy nhanh, chạy ẩu”, ông Tạo nói.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn