Có một thực tế là, không phải người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc, mà họ bức xúc bởi họ đã bị lừa. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn, đó là cái sự lừa lọc ấy lại được thực hiện bởi chính những người Việt với nhau.
Lừa người tiêu dùng bằng mác “Made in Việt Nam”
Những ngày này, đi ra đường hay vào chợ, ở bất cứ chỗ nào các bà nội trợ cũng bắt gặp những quầy hàng, xe thồ, gánh rong… bán những quả cam vàng trông rất bắt mắt. Loại cam này có ưu điểm là rất tươi, lá vẫn còn xanh mà ruột thì vàng óng, vị ngọt. Giá loại cam này cũng được các bà nội trợ cho là rất “dễ chịu”, chỉ khoảng 20-25.000/kg.
Có một điều đặc biệt là đa số những người bán hàng đều khẳng định đó là cam Việt Nam, chỉ có điều, khi được hỏi cụ thể về địa phương trồng cam thì mỗi người nói một phách. Tại cổng chợ Ngọc Khánh, một người đàn ông mỗi ngày chở cả xe thồ cam đến bán khẳng định rằng cam của anh ta được trồng ở Hưng Yên. Tuy nhiên, khi được hỏi là ở xã nào, thôn nào thì anh ta... chịu.
Trong khi đó, tại cuối chợ, một người phụ nữ bán khá nhiều loại hoa quả, trong đó có cả loại cam vàng nói trên khi được hỏi lại nhanh nhẩu nhận là “cam trồng ở quê nhà chị”, vùng Đan Phượng (ngoại thành Hà Nội). Cam Trung Quốc đang được mạo danh là cam Việt Nam để lừa người tiêu dùng
Giống như người đàn ông nói trên, người phụ nữ này khi được hỏi về địa chỉ cụ thể của nơi trồng cam cũng chỉ nói chung chung là “ở cạnh sông Hồng” chứ không thể nói được tên của xã, thôn nơi trồng loại cam này. Mặc dù vậy, chị ta vẫn luôn miệng nói: “Em cứ yên tâm đi, cam quê nhà chị, ngày nào chị cũng ngồi đây, ai lại nói sai làm gì?”
Tương tự như 2 trường hợp trên, chị Bảo Anh, nhà ở phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm cho biết, những người bán loại cam này ở khu nhà chị lại nói rằng đó là cam… Hà Giang.
Trao đổi với phóng viên, anh Hồng, một người bán hoa quả đáng tin cậy tại chợ Ngọc Khánh cho biết, đó đích thị là cam Trung Quốc, tuy nhiên những người bán hàng rong thường nói dối là cam Việt Nam để bán được chạy hàng hơn.
Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình về việc hoa quả Trung Quốc được những người bán hàng công khai lừa dối người tiêu dùng. Còn trong thực tế, bất cứ chỗ nào người ta cũng có thể bắt gặp những mặt hàng mà người tiêu dùng không làm sao biết chính xác đó là hàng Trung Quốc hay hàng Việt Nam.
Từ hoa quả, hàng thực phẩm như rau củ quả, thịt cá… rồi đồ nhựa, quần áo, giày dép, mũ, tất… cho đến hàng trăm loại sản phẩm khác ở chợ, trên đường phố, trong các số cửa hàng thời trang, thậm chí ngay trong một số shop made in Vietnam, mọi thứ đều công khai một cách... nhập nhằng.
Nguy hại hơn, hàng Trung Quốc được người Việt mua về bằng đủ mọi đường rồi giả làm hàng Việt không chỉ được bán tràn lan ngoài vỉa hè, trong các cửa hàng mà đã lan vào siêu thị.
Trước đó, vào cuối năm 2011, báo chí từng lên tiếng về vụ việc tại siêu thị T. Mart trên đường Hoàng Văn Thái (Hà Nội) có bán những hộp cà phê có nhãn hiệu G7 Trung Nguyên, nhưng ngoài vỏ lại in những dòng chữ Trung Quốc.
Ngay lúc đó và cho tới tận bây giờ, vẫn không ai biết những hộp cà phê đó là sản phẩm của Việt Nam bị… in nhầm chữ Trung Quốc hay là hàng Trung Quốc giả Trung Nguyên Việt Nam.
Có lẽ, đỉnh điểm của sự nhập nhằng khiến dư luận ào ào phẫn nộ chính là vụ gần đây nhất, khi khách hàng đã phát hiện tại siêu thị BigC có bán những hộp nho được cho là của Việt Nam, nhưng bên trong lại dán cờ Trung Quốc.
Sự việc sau đó được siêu thị này cho biết là do lỗi của một nhân viên “dán nhầm” cờ Trung Quốc vào khay nho “100% Việt Nam”. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, siêu thị này cũng chưa hề trả lời được dư luận về nguồn gốc xuất xứ của loại nho có bề ngoài không khác gì nho Trung Quốc được bày bán tràn lan ngoài chợ đầu mối Long Biên.
Ngay cả “nhà cung cấp” nho cho siêu thị này, khi tiếp xúc với phóng viên của một tờ báo cũng chỉ khẳng định xuất xứ của loại nho này bằng một câu: “trồng ở... Ninh Thuận”.
Người tiêu dùng phải... tự làm chuyên gia
Mỗi ngày, các bà nội trợ đi mua hàng thường chịu sự may rủi bằng cách... tin vào người bán hàng. Mà nếu không tin, hoặc biết chắc chắn mình đang bị lừa, họ cũng sẽ... mặc kệ. Nhiều người khi thấy được chào mời là hàng Việt Nam thì quay sang bảo nhau: “ôi dào, họ nói thế nào mặc họ. Mua thì cứ mua, ăn thì cứ ăn thôi, hỏi làm gì!?”.
Đó là ở ngoài chợ. Nhưng ngay cả trong siêu thị cũng vậy. Khi mua hàng, không có gì đảm bảo chắc chắn là người tiêu dùng đang được mua đúng loại hàng mà họ được quảng cáo. Nhưng, nếu lỡ có mua nhầm, cũng chưa thấy có ai kiện nhà phân phối, cũng chẳng thấy có cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Thực tế, không phải người tiêu dùng Việt muốn tẩy chay hàng Trung Quốc, nhưng họ có quyền biết sản phẩm mà mình mua có xuất xứ từ đâu để quyết định lựa chọn. Cam vàng đang bán ngoài chợ là của Việt Nam hay Trung Quốc? Cà phê G7 bán tại siêu thị T. Mart là cà phê Trung Quốc hay Việt Nam? Nho Việt bị dán nhầm cờ, hay nho Trung Quốc được dán mác Việt?...
Nnhững câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải đáp và điều đáng nói là, chưa hề có văn bản chính thức của bất cứ một cơ quan chức năng nào, cũng chưa có một “nhà phát ngôn” nào chịu trách nhiệm về tính minh bạch của các nhãn hàng đang được bán cho người tiêu dùng, lên tiếng.
Các nhà quản lý, các chuyên gia..., thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để nói về cách phân biệt hàng thật - hàng giả, hàng an toàn - hàng độchại, hàng Tàu - hàng Việt... và cuối cùng bao giờ cũng là lời khuyên: “Người tiêu dùng hãy thận trọng khi tìm mua sản phẩm” và còn kêu gọi họ “hãy là người tiêu dùng... thông thái”.
Để tự bảo vệ mình, mặc dù vẫn phải đóng thuế đầy đủ, nhưng hiện tại, mỗi người dân vẫn phải tự mình làm... chuyên gia thẩm định tất cả những loại hàng hóa mà họ có ý định mua.
Theo Vnmedia
Phẫn nộ người Việt lừa nhau bằng hàng Tàu
Thời gian vừa qua, rất nhiều vụ việc hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt đã bị phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí phẫn nộ.
Thời gian vừa qua, rất nhiều vụ việc hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt đã bị phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí phẫn nộ.
Bình luận