Mùi hôi thối xộc lên tận mũi là cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai khi có mặt ở bãi rác Đồng Tràm (xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Nhưng ít ai biết được, đó là nơi “kiếm cơm” của hàng chục người đang ngày đêm bới rác tìm tiền.
Theo ghi nhận, nằm sát bãi rác Đồng Tràm là khoảng 20 căn lều tạm bợ của hàng chục người sống bằng nghề nhặt ve chai.
Hầu hết những người này từ nhiều địa phương trong đất liền đến đây. Mỗi người một hoàn cảnh éo le, họ bám trụ vào bãi rác, tìm nguồn sống với những thứ mà mọi người vứt đi.
Bất kể nắng mưa, mỗi khi có xe rác vào đổ là họ nhanh chóng bới móc, nhặt thật nhanh những “chiến lợi phẩm” cho riêng mình.
Theo những người ở đây, bãi rác mang lại cho họ thu nhập ít ỏi nhưng ổn định. Ngày ít thì vài chục, ngày may mắn thì có thể kiếm được gần 200.000 đồng.
Bà Bần (68 tuổi) chia sẻ: “Già rồi nhưng không có tiền thì phải ráng đi lượm chứ sao. Không làm thì ai nuôi. Ở đây hôi lắm nhưng tôi đã ở 4,5 năm rồi nên cũng quen”.
Chỉ vào người đàn ông 78 tuổi, da bọc xương đang nằm trên võng, chị Mỹ Lệ (36 tuổi) nói: “Ông ấy là ông Út Khuya là chồng bà Bần đó. Tội nghiệp 2 vợ chồng già rồi. Ban ngày nhiều người nhặt, hai người họ nhặt không lại nên thường ra bãi rác từ 10 giờ tối đến sáng”.
Mỗi căn lều tại đây chỉ vỏn vẹn vài mét vuông. Mọi sinh hoạt từ nghỉ ngơi, ăn uống của họ cũng chị vỏn vẹn trong từng đó mét vuông đó.
“May là ở đây có người cho chúng tôi kéo điện về sử dụng nấu cơm, xài quạt máy lúc trời quá nóng”, bà Bần chia sẻ.
Không khí ô nhiễm, ruồi muỗi đeo bám khắp nơi khiến nguy cơ bệnh dịch luôn rình rập những cư dân ở đây.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Toàn Cầu cho biết, nhà máy xử lý rác Phú Quốc (ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh) sẽ hoạt động vào cuối tháng 6/2018. Rác thải của đảo sẽ được đưa về nhà máy này xử lý.
Rồi đây, những số phận bấp bênh này sẽ tiếp tục trôi về đâu khi nơi “kiếm cơm” của họ không còn nữa?
Bình luận