Reuters dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết phần mềm anti-stall (MCAS - chống hiện tượng thất tốc khi máy bay rơi vào vị trí mất lực đẩy khí động học) đã được bật lại ít nhất bốn lần. Các phi công đã tắt hệ thống này ngay khi nhận thấy dữ liệu từ cảm biến luồng không khí có dấu hiệu bất thường.
Chưa rõ việc mở lại MCAS có phải là quyết định của phi hành đoàn hay không. Hệ thống này được cho là nguyên nhân khiến máy bay Boeing 737 Max gặp nạn ngày 10/3 bị chúi mũi, mất kiểm soát và lao xuống mặt đất.
Theo một nguồn thạo tin của Reuters, các điều tra viên đang cân nhắc khả năng phần mềm đã tự động kích hoạt mà không có tác động của phi hành đoàn. Trong khi đó, cả Boeing lẫn các điều tra viên Ethiopia vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về chi tiết này.
Hệ thống MCAS vừa được bổ sung cho dòng Boeing 737 Max đang là tâm điểm của nỗ lực điều tra hai thảm họa hàng không đều liên quan đến mẫu máy bay thương mại này. Tháng 10/2018, một máy bay khác thuộc hãng Lion Air của Indonesia đã lao thẳng xuống biển Java, khiến 189 hành khách và phi hành đoàn tử nạn.
Một số nguồn thạo tin về quá trình điều tra vụ tai nạn ở Ethiopia cho biết hệ thống MCAS trên máy bay cũng được kích hoạt sau khi máy tính tiếp nhận dữ liệu thiếu chính xác.
Cuộc điều tra đang chuyển sang hướng các phi công đã tắt MCAS theo đúng quy trình giải quyết trục trặc kỹ thuật nhưng hệ thống sau đó vẫn tái khởi động. Điều này có thể loại bỏ yếu tố sai lầm của tổ bay dẫn đến thảm họa hàng không.
Sau vụ rơi máy bay Lion Air, các phi công Boeing 737 Max đã nhận được hướng dẫn cách vô hiệu hóa MCAS khi gặp rắc rối với hệ thống này.
Các chuyên gia nghi ngờ hệ thống đã tự kích hoạt mà các phi công không biết.
Trong vụ rơi máy bay Ethiopia, các phi công phải hai lần tự điều khiển lại mũi máy bay hướng lên, trước khi can thiệp và vô hiệu hóa phần mềm lỗi. Máy bay tăng lại cao độ gần 600 m, sau đó lại chúi mũi vì hệ thống MCAS được khởi động lại và xử lý dữ liệu sai.
Video: Điểm tương đồng giữa hai vụ rơi máy bay Ethiopia và Indonesia
Bình luận