Doanh nghiệp chủ động làm mới
Ý tưởng mở tour du lịch với cà phê đã được một vài doanh nghiệp (DN) làm du lịch như Công ty TNHH du lịch Cộng đồng Ko Tam, Du lịch lữ hành Biệt Điện, Đặng Lê, Đam San và nhiều doanh nhân trẻ như Anh Coffee, Vương Thành Công… đưa vào giới thiệu khai thác trong mấy năm gần đây.
Hiện nay, khai thác du lịch với cà phê có nhiều sản phẩm: tour du lịch tham quan vườn ươm, tour “Một ngày làm nông dân”; tour tìm hiểu quy trình chế biến cà phê...
Theo ông Phạm Hoài Nguyên Anh – Nhà sáng lập thương hiệu Anh Coffee, thời gian gần đây các tour du lịch gắn với sản phẩm cà phê đã phát triển ở nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk. Tuy nhiên, nhiều nơi sản phẩm du lịch vẫn còn đơn giản, ít trải nghiệm, chưa tận dụng được vị thế hàng đầu thế giới của cà phê Việt.
Xác định hướng đi đa dạng trải nghiệm cho tour du lịch cà phê, ông Phạm Hoài Nguyên Anh chia sẻ: "Chúng tôi giới thiệu cho du khách rất nhiều dòng cà phê khác nhau để mỗi người tìm ra hương vị phù hợp nhất, sau đó lưu lại thông tin, sở thích của khách cho dịch vụ hậu mãi. Những trải nghiệm được cá nhân hóa giúp chăm sóc khách hàng tốt hơn, cũng khiến cho du khách luôn nhớ về Đắk Lắk cả khi đã kết thúc tour du lịch.
Nhiều năm qua, vườn cà phê mới chỉ là một điểm dừng trong hành trình du lịch, hướng dẫn viên đưa khách vào tham quan ở mức sơ lược, chụp ảnh, check-in, ngắm cảnh là chính. Vì thiếu trải nghiệm và dịch vụ đi kèm nên nguồn thu từ du lịch chưa cao. Chúng tôi đang xây dựng những tour chuyên biệt về cà phê, để khách có thể trải nghiệm văn hóa, tập quán sản xuất cà phê của người bản địa, từ lúc cây bắt đầu sinh trưởng tới khi trở thành một thức uống hấp dẫn".
Với niềm đam mê theo đuổi chương trình du lịch cà phê, ông Phạm Hoài Nguyên Anh cho rằng, với thương hiệu đã được nhận diện trên toàn cầu, cà phê Việt Nam có thể trở thành "đại sứ du lịch" giúp thu hút du khách đến Việt Nam để tìm hiểu nguồn gốc, giá trị, nét văn hóa đằng sau mỗi ly cà phê họ uống hàng ngày.
Ngoài ra, ngành cà phê cũng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, thúc đẩy sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Du lịch cũng sẽ giúp cà phê Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng và giá trị, khẳng định vị thế và danh tiếng trên thế giới.
Sau nhiều năm theo đuổi kinh doanh cà phê hữu cơ, anh Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công nhận thấy, du lịch cà phê là lĩnh vực giàu tiềm năng, chuỗi giá trị từ trồng chế biến cà phê là thế mạnh cần được thiết kế thành tour du lịch giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh.
"Hiện Công ty đã hoàn thiện quy trình tham quan vườn cà phê hữu cơ, quy trình chế biến 5 sản phẩm từ quả cà phê để chuẩn bị ra mắt, đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, kết nối cùng với hành trình tour du lịch thành phố cà phê. Sản phẩm cà phê của Công ty đã xếp hạng OCOP 4 sao, nhân viên được trang bị kiến thức hướng dẫn du lịch, sẵn sàng kích hoạt khu du lịch được khôi phục sau COVID-19", anh Vương chia sẻ.
Kết nối nguồn lực cho “Thành phố cà phê”
Theo đánh giá mới đây tại Hội thảo hợp tác phát triển cà phê, Du lịch cà phê là một trong những xu hướng mới nổi của du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã quan tâm phát triển của loại hình du lịch mới này nhưng chỉ dừng lại ở cấp độ “khởi điểm”.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh cho hay, Đắk Lắk đã khởi động du lịch cà phê thông qua Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột; tour du lịch theo mùa hoa, tham quan quy trình chế biến cà phê. Hầu hết tour du lịch cà phê do doanh nghiệp tư nhân đầu tư ở quy mô nhỏ.
Thực tế cho thấy, người dân tại khu vực chuyên canh cà phê và doanh nghiệp đã có nhận thức thấu đáo về loại hình du lịch này nhưng thiếu tính liên kết để thành thương hiệu cho tỉnh. Tới đây, Sở sẽ có chuyến khảo sát lại những điểm du lịch tiềm năng để xây dựng Đề án thành phố cà phê, tham mưu tỉnh đầu tư phát triển cho sản phẩm du lịch này.
Cụ thể, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch dự kiến đi khảo sát lại doanh nghiệp có sản phẩm du lịch cà phê, kết nối với thành phố Buôn Ma Thuột, với những chuỗi sản phẩm du lịch đã có thương hiệu trong khu vực lân cận như Con đường Di sản miền Trung để tạo tính đa dạng của chuỗi cung ứng.
"Tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm du lịch cà phê để xây dựng một tour du lịch cà phê khép kín từ công đoạn trồng đến pha chế thưởng thức", bà Hiếu thông tin.
Tại hội thảo hợp tác phát triển du lịch cà phê, ông Hà Văn Siêu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, cà phê là sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Nhờ vị trí xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới và văn hoá cà phê đặc trưng, Việt Nam được biết đến ngày càng rộng rãi trên thế giới. Sự kết hợp giữa du lịch và cà phê sẽ nâng vị thế của cả hai ngành, mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho du khách trải nghiệm.
Từ kinh nghiệm thực hành phát triển và nghiên cứu về du lịch cà phê trên thế giới và tại Việt Nam, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Du lịch đề xuất: "Nếu chúng ta có được giải pháp phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, xúc tiến sản phẩm du lịch cà phê thì sẽ khai thác được lợi thế vô cùng đặc biệt của ngành cà phê Việt Nam.
Điều này đặc biệt ý nghĩa, không chỉ giúp du khách trong nước yêu mến cà phê nước nhà, từ đó tăng tiêu thụ nội địa, cải thiện cuộc sống của người dân địa phương, mà còn quảng bá văn hóa và khẳng định vị thế hàng đầu của cà phê Việt Nam, đem lại giá trị lợi ích cho ngành cà phê Việt Nam".
Chia sẻ kinh nghiệm từ Colombia, bà Diana Rodriguez – chuyên viên marketing tỉnh Quindio cho rằng, các sản phẩm du lịch cà phê thành công nhờ gắn chặt với yếu tố văn hóa và cộng đồng bản địa, du khách được tham gia vào nhiều công đoạn với các trải nghiệm hấp dẫn.
Giá trị của tour du lịch nằm ở sự thông thái và khéo léo của mỗi người nghệ nhân, tạo thêm giá trị cho sản phẩm và kiến thức mới khiến du khách thỏa mãn và thích thú. Ngoài ra, việc tham quan vườn cà phê bản địa và tìm hiểu về cách sinh trưởng, thu hoạch, chế biến… theo lối truyền thống mang dấu ấn văn hóa sâu sắc sẽ thúc đẩy giao lưu giữa du khách và người dân.
UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 8063/UBND-KT ngày 24/8 về Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Kết luận 67 –KL/TW để tham mưu chi tiết Đề án phát triển thành phố Buôn Ma Thuột được định hướng sẽ trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” tầm nhìn 2030-2045.
Hiện UBND thành phố Buôn Ma Thuột đang phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên để hoàn thiện Đề án.
Bình luận