Tìm đủ mọi cách để vun đắp hạnh phúc gia đình, thậm chí đã phải ‘cắn răng’ để cưới vợ hai cho chồng, nhưng bà S. cuối cùng vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”...
Phận đắng
Dưới cái nắng chang chang đầu tháng 5, bà S. (gần 60 tuổi, ở huyện Ứng Hoà) lật đật bắt xe ra TAND TP Hà Nội để dự phiên tòa phúc thẩm xử vụ ly hôn giữa bà và chồng là ông T. (hơn 60 tuổi).
Theo nội dung bản án sơ thẩm, bà S. và ông T. sống như vợ chồng từ năm 1979 và có chung một cô con gái đến nay đã ngoài 30 tuổi.
Sau ngót 40 năm chung sống, từng phải cưới vợ hai cho chồng, cuối cùng bà S. đã phải làm đơn xin ly hôn. Lá đơn của bà đã được TAND huyện Ứng Hoà chấp thuận.
Bà S. ngậm ngùi kể về cuộc hôn nhân cay đắng của mình. Từ sau ngày bà sinh con gái, sức khoẻ yếu, người đầy bệnh tật, khiến bà không thể sinh cho chồng mụn con trai nối dõi như ông T. mong muốn.
Tìm đủ mọi cách để vun đắp hạnh phúc gia đình, thậm chí đã phải ‘cắn răng’ để cưới vợ hai cho chồng, nhưng bà S. cuối cùng vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”... (Ảnh minh họa) |
Và để giữ được mái ấm gia đình, sau nhiều đêm thức trắng, cuối cùng bà đành “cắn răng” cưới vợ hai cho chồng, những mong ông T. thỏa nỗi lòng thèm khát con trai. Quyết định của bà được anh em họ tộc bên nội hưởng ứng.
“Có người đàn bà nào muốn san sẻ chồng cho người phụ nữ khác đâu”, bà S. cay đắng chia sẻ.
Năm 1997, vợ hai của chồng bà dọn về sống chung trong căn nhà ba gian cấp bốn. Cuộc sống một ông hai bà cũng êm ả trôi đi trong nhiều năm, nhờ sự cam chịu, nhịn nhường của bà S.
Bà vợ hai sinh cho ông T. được hai trai một gái. “Thấy chồng có người nối dõi, tôi cũng cảm thấy ấm lòng”, bà tâm sự.
Sau bao cố gắng để giữ gìn mái ấm gia đình, rồi tình cảm vợ chồng bà S. cũng đến ngày rạn nứt.
“Ông ấy kiếm cớ bảo tôi ngoại tình để lạnh nhạt và hắt hủi mẹ con tôi”, bà kể.
Vì mâu thuẫn vợ chồng, bà S. đã phải về bên ngoại tá túc một thời gian. Khi mẹ con bà quay về thì bị ông T. chặn lối, giăng dây không cho vào. Nén tủi nhục, bà S. đành phải đi ở nhờ các em ruột rồi gửi đơn ly dị chồng.
Cạn tình
Khi làm đơn xin ly hôn, TAND huyện Ứng Hoà chấp thuận để bà S. được hưởng hơn 80m2 đất, cùng với giá trị nửa bộ bàn ghế (khoảng 4 triệu đồng).
Tuy nhiên, ông T. không đồng ý, cho rằng mảnh đất do cha ông để lại và “bất khả xâm phạm”. Ông đã kháng cáo đòi lại mảnh đất và đòi lại toàn bộ giá trị của bộ ghế trị giá 8 triệu đồng mà bà S. đã bán trước đó.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người phụ nữ tóc đã lốm đốm bạc nghẹn ngào trình bầy: “Thử hỏi nếu không có tôi thì ông ấy còn giữ được mảnh đất đó hay không”.
Bà S. cho rằng, phận gái đi lấy chồng, bà không có của nhưng đã đổ công sức cả đời để giữ mảnh đất đó.
Bà S. trình bầy rằng, bà đã phải một tay vun vén, làm lụng vất vả để gánh vác gia đình. Có những thời điểm khó khăn, chồng bà đã định chia năm xẻ bảy mảnh đất hơn 400m2 để bán, lấy tiền trang trải. Bà đã một mực ngăn cản ý định đó của chồng.
Nỗi ấm ức được bà trình bày không gãy gọn tại phiên phúc thẩm, nhưng HĐXX cấp phúc thẩm và những người tham dự tòa đã phần nào hiểu được câu chuyện về sự hy sinh của bà.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T. giữ nguyên quan điểm muốn đòi lại phần diện tích đất mà toà án cấp sơ thẩm đã quyết định để bà S. được sở hữu. Ông cũng đòi lại toàn bộ giá trị của bộ ghế trị giá 8 triệu đồng mà bà S. đã bán trước đó.
Thái độ của người chồng khiến một thành viên trong thành phần HĐXX cấp phúc thẩm phải lên tiếng: “Bị đơn sống cũng phải có tình chứ. Bà ấy đã vun đắp cho gia đình gần 40 năm trời mà bị đơn vẫn muốn bà ra đi tay trắng”.
Người giữ quyền công tố tại toà cũng giải thích thêm, theo luật Hôn nhân và gia đình, dù bà S. không có đăng ký kết hôn, nhưng được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Mọi tài sản trước và sau khi sống chung đều được chia đều cho cả vợ và chồng. Và khi có phán quyết, ông T. mà cấm đoán, gây thương tích cho bà S. thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nặng thì phải ngồi tù.
HĐXX cấp phúc thẩm chỉ ra rằng, bản án sơ thẩm có thiếu sót vì chỉ quyết định chia cho bà S. hơn 80m2, thực tế nguyên đơn này phải được nhận là hơn 140m2.
Tuy nhiên, do bà S. không có đơn kháng cáo nên HĐXX không xem xét.
Về địa giới phân chia phần đất, toà phúc thẩm quyết định để bà S. được nhận toàn bộ diện tích 3 gian nhà cấp bốn, còn ông T. chỉ sở hữu phần vườn, sân, tường, chiếc giếng và một số vật dụng trong gia đình.
Kết thúc phiên tòa, người đàn bà đau khổ cho biết, bà sẽ cố đòi quyền lợi chỉ để con gái đỡ phần thiệt thòi mà thôi.
Video mâu thuẫn nhỏ, nữ sinh bị đánh hội đồng đến đa chấn thương
Nguồn: Vietnamnet
Bình luận