• Zalo

Phân biệt ngành Kinh tế, Tài chính và Quản trị kinh doanh

Tuyển sinhThứ Tư, 03/01/2024 18:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngành Kinh tế, Tài chính và Quản trị kinh doanh luôn là những ngành học được nhiều thí sinh lựa chọn trong mỗi mùa tuyển sinh.

Trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa, những ngành học thuộc khối kinh tế - xã hội được nhiều bạn trẻ quan tâm. Trong đó, ba ngành học Kinh tế, Tài chính và Quản trị kinh doanh đang thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển và có ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển luôn nằm trong top đầu.

Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa ba ngành học Kinh tế, Tài chính và Quản trị kinh doanh thí sinh có thể tham khảo thêm để phân biệt, lựa chọn phù hợp nhất.

Phân biệt ngành Kinh tế, Tài chính và Quản trị kinh doanh (Ảnh minh họa: N.N)

Phân biệt ngành Kinh tế, Tài chính và Quản trị kinh doanh (Ảnh minh họa: N.N)

Định nghĩa

Theo thông tin web Đại học Kinh tế TP.HCM, Quản trị kinh doanh là ngành học tổng hợp kiến thức hai lĩnh vực: quản trị và kinh doanh. Khi lựa chọn theo đuổi ngành này, bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức của nhiều ngành nghề như: kế toán, luật, marketing, logistics, nhân sự,...

Kinh tế là ngành học chuyên nghiên cứu về hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ dưới góc nhìn toàn cảnh. Sinh viên ngành Kinh tế sẽ được học cách phân tích, đánh giá sự tương quan và mức ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lên nền kinh tế chung của xã hội...

Tài chính là ngành học đào sâu về các vấn đề liên quan đến tiền tệ. Học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo về kiến thức như ngân hàng, các khoản đầu tư, hình thức cho vay, quỹ tín dụng, bảo hiểm, nợ và một số loại hình liên quan khác...

Hình thức đào tạo

Chương trình đào tạo của ngành Quản trị Kinh doanh mang tính thực hành nhiều. Trong khi đó, ngành Tài chính, Kinh tế lại thiên về lý thuyết và số liệu.

Các chuyên ngành

Quản trị kinh doanh có các chuyên ngành như: Nhân sự, Marketing, Sales, Kế toán,….

Tài chính lại phân ra thành ba mảng: Tài chính cá nhân, Tài chính doanh nghiệp và Tài chính công.

Kinh tế lại chỉ có hai chuyên ngành là Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô.

Cơ hội việc làm

Với ngành Quản trị kinh doanh, nếu có điều kiện bạn có thể tự mở công ty hoặc tập trung theo đuổi chuyên ngành nhất định về nhân sự, marketing.

Khi học Tài chính, bạn có thể chọn theo đuổi công việc chuyên gia phân tích tài chính, nói cách khác là hướng dẫn cho các cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ sử dụng tiền sao cho hợp lý.

Riêng với ngành Kinh tế, bạn vừa có thể làm việc tại vị trí phân tích kinh tế cho chính phủ vừa có thể làm việc cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, cơ hội việc làm của cả ba ngành học này đều khá rộng mở, chỉ cần bạn có đủ năng lực chắc chắn sẽ tìm được công việc tốt ngay sau khi ra trường.

Nếu thực sự đam mê một trong ba ngành Kinh tế, Tài chính và Quản trị kinh doanh bạn có thể tham khảo thêm thông tin một số trường đại học có đào tạo ngành này như: trường Đại học Thương Mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Vinh, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Kinh tế TP.HCM, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Anh Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn