• Zalo

Phạm Xuân Ẩn ví Nguyễn Văn Thiệu chỉ như một con khỉ

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 23/10/2013 03:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – Ông Ẩn chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất nặng nề… ví năng lực lãnh đạo của Tổng thống Thiệu với một con khỉ trong gánh xiếc...

(VTC News) – Ông Ẩn chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất nặng nề…ví năng lực lãnh đạo của Tổng thống Thiệu với một con khỉ trong gánh xiếc.

Tính khách quan trong phân tích và chất lượng các nguồn tin từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ẩn được thể hiện trong bản phân tích của ông về Hiệp định Paris 1973.

Các đầu mối liên lạc của Ẩn từ trong chính quyền của ông Thiệu, Quốc hội và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tốt tới mức những gì ông nói với Shaplen cứ như thể là chính ông đã có mặt trong các cuộc họp giai đoạn tháng 10 – tháng 12 năm 1972.


Những tuần trước khi bản thỏa thuận được ký, Ẩn nói với Shaplen, ‘Thiệu sẽ nhận được lời hứa từ Nixon về việc cung cấp B-52 để chống lại một cuộc tổng tiến công mới… Trong trường hợp đối mặt với cuộc tấn công lớn của Đảng Cộng sản, họ sẽ cần B-52… Thiệu cần sự ủng hộ về kinh tế, sự đảm bảo về chính trị và B-52. Kế hoạch viện trợ trong ba năm đã được vạch ra’.

Từ ngày 24 đến 26 tháng 1 năm 1973, ngay trước khi Hiệp định được ký Shaplen viết rằng ‘Ẩn có cảm giác chúng ta sẽ không cắt viện trợ -không thể bất chấp dư luận thế giới về tái thiết. Nhưng chúng ta có thể cắt cổ Thiệu’.


Ông Ẩn cung cấp một sự phân tích phức tạp về tình hình chính trị trước năm 1973. ‘Ẩn nói rằng giữa Bắc Việt và Chính phủ Cách mạng Lâm thời không hề có mâu thuẫn về việc tiếp tục chiến tranh. Đơn giản là có hai khả năng. Thứ nhất, đó là đạt được thỏa thuận. Thứ hai, chiến tranh sẽ tiếp diễn suốt năm 1973.

Đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt. Các tài liệu của Chính phủ Cách mạng Lâm thời vào tháng 1 mà ông ấy đọc đều nói như vậy. Nhấn mạnh đến chiến thắng. Mỹ đã đồng ý ra đi… sau đó là chính quyền bù nhìn sụp đổ... Những gì họ đòi hỏi hồi năm 1966 là những gì họ có được hôm nay – quyền tham gia chính phủ…

Vậy là giờ đây Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã có những gì họ muốn. Vì thế họ có thể thúc đẩy trong sáu mươi ngày – hoặc thúc đẩy để lật đổ Thiệu'…

Hiep dinh Paris
Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòaMiền Nam Việt Nam, ký Hiệp định Paris - ảnh tư liệu 
Sự kiện Nixon từ chức ngày 9 tháng 8 năm 1974 đã khiến Tổng thống Thiệu choáng váng và làm thay đổi tính chất đảm bảo của những lời mà ngài cựu tổng thống đã hứa.

Người bảo trợ đã ra đi, mặc dù ngày 10 tháng 8, tân Tổng thống Gerald R. Ford viết rằng, ‘những cam kết hiện hành mà quốc gia đã ký trong quá khứ vẫn còn giá trị và sẽ được chính quyền của tôi hoàn toàn tôn trọng’.


Nhưng có một đợt thủy triều đang làm thay đổi chính trường Mỹ. Tại cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 năm 1974, phe Dân chủ giành thêm được bốn mươi ba ghế Hạ viện và ba ghế Thượng viện, giúp họ chiếm thế đa số vượt trội với tỷ lệ 291 - 144 tại Hạ viện và 61 - 39 tại Thượng viện. Người Mỹ đã sẵn sàng rời xa Việt Nam, để vùi chôn một giai đoạn lịch sử bẩn thỉu.

Tất cả những nhân tố này giúp giải thích vì sao Trần Văn Trà và các tư lệnh đồng đội miền Nam tập trung về Hà Nội và tại sao Đại tướng Dũng sau đó đã vào Nam sớm.

Khi ông Trà phát biểu tại hội nghị, tin tức về một trận thắng lớn của Cộng sản ở tỉnh Phước Long chỉ cách Sài Gòn khoảng 120 cây số bay về. Trận đánh này được Tướng Trà lên kế hoạch để thử quyết tâm của Mỹ.

Dù trong Bộ Chính trị có vài người không tán thành kế hoạch của ông Trà, nhưng cá nhân lãnh đạo Bắc Việt Lê Duẩn ủng hộ cuộc tấn công, kèm theo lời cảnh báo viên chỉ huy trưởng ở miền Nam là ‘tiến lên và tấn công… [Nhưng] phải chắc thắng’.


Phước Long tương đối biệt lập, là mục tiêu tấn công dễ dàng cho Quân đoàn 4 của Quân đội Bắc Việt; bao gồm Sư đoàn 7 rất thiện chiến, một tiểu đoàn xe tăng T-54 do Liên Xô cung cấp, một trung đoàn pháo binh, một trung đoàn pháo phòng không, các đơn vị lính công binh và bộ binh địa phương, cùng Sư đoàn 3 Quân đội Bắc Việt mới được thành lập.

Trận đánh khởi đầu vào ngày 13 tháng 12 năm 1974. Thị xã Phước Long bị thất thủ gần như ngay tức thì, khiến ông Thiệu phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các tướng lĩnh tại Sài Gòn. Vấn đề đặt ra ngay tại cuộc họp này là có nên tăng viện cho Phước Long hay không.


‘Tin tức về việc quân ta chiếm được toàn bộ thị xã Phước Long đến vào giữa cuộc họp’, ông Dũng viết. ‘Mọi người phấn khởi đứng dậy bắt tay nhau mừng chiến thắng… Sự kiện này thể hiện phần nào năng lực chiến đấu của quân đội ta và sự yếu kém của quân địch. Một trang sử mới đã mở ra’.

Tới ngày 7 tháng 1, toàn bộ tỉnh này đã nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản. Binh sĩ và lực lượng đặc biệt của Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu tốt, nhưng họ quá thua về quân số.

Quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ còn 850 người sống sót trên tổng số 5.400 quân tham chiến trong cuộc tấn công được lập kế hoạch cẩn thận này của Cộng sản. Chỉ 3.000 thường dân trên tổng số 30.000 trốn thoát; các quan chức thôn ấp và tỉnh bị gom lại hành quyết.


 Theo lời của Đại tá Harry Summers thì ‘trận đánh ít được biết đến ở Phước Long là một trong những trận đánh mang tính chất quyết định nhất của cuộc chiến, bởi nó đánh dấu việc Mỹ từ bỏ đồng minh cũ của mình…

Trước sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris này - và nó được thiết kế một cách đầy chủ ý để lộ rõ sự trắng trợn nhằm thăm dò thái độ của Mỹ - Tổng thống Gerald Ford đã giới hạn một cách nhu nhược phản ứng của mình chỉ bằng các công hàm ngoại giao. Bắc Việt đã được bật đèn xanh cho việc chinh phục miền Nam’.


Ẩn nói với tôi rằng thời gian sau trận Phước Long là dịp duy nhất cấp trên bày tỏ sự nghi ngờ đối với đánh giá của ông về tình hình. Tin tức tình báo của Hà Nội cho biết hàng không mẫu hạm USS Enterprise và chiến đoàn hộ tống đã rời Philippines tiến gần tới Việt Nam và sư đoàn thủy quân lục chiến đóng tại Okinawa đã được đặt trong tình trạng báo động.

Có một số hoạt động tại Vịnh Subic, có thể là dấu hiệu cho thấy người Mỹ sẽ trở lại. ‘Tôi nói rằng Mỹ sẽ không tham chiến nữa, dù có vài động thái, nhưng đều trống rỗng. Tôi bảo họ rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại, nhưng họ vẫn chưa vững tâm. Họ lại thử lần nữa ở Ban Mê Thuột để xem người Mỹ có can thiệp hay không, sau đó thì họ biết tôi đúng.

Tôi gửi báo cáo cho họ về suy nghĩ của các tướng lĩnh dưới quyền ông Thiệu. Rồi tôi đi lên trên đấy và nói chuyện với một ông tỉnh trưởng, ông ta bảo rằng ông Thiệu không chịu bảo vệ tỉnh này. Ông tỉnh trưởng rất suy sụp và biết rằng kết cục đang đến gần, và rằng người Mỹ đã bỏ đi thực sự.

Lúc bấy giờ tôi biết mọi chuyện đã cáo chung rồi. Ông Thiệu cho rằng mất một tỉnh cũng chẳng sao, cốt để xem phản ứng của Mỹ thế nào, nhưng tôi biết tinh thần người Mỹ đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến này rồi. B-52 sẽ không trở lại nữa’.


Trong khoảng thời gian này, ký giả Úc Denis Warner chạy đến tìm gặp Ẩn tại phòng giải lao ở khách sạn Continental. Warner vừa trở về từ một chuyến đi ra Trung phần, nơi ông được tận mắt chứng kiến hệ quả của việc Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự.

Các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa luôn chịu cảnh thiếu thốn đạn dược, xăng dầu và tiền lương. Tinh thần đã suy sụp. Các đơn vị pháo binh phải dè xẻn đạn dược, và để tiết kiệm nhiên liệu, trực thăng chỉ được dùng cho công tác cứu thương.


‘Ông thấy tình hình Trung phần thế nào?’ Ẩn hỏi Warner. ‘Tôi mới nói với ông ta rằng theo tôi nghĩ thì, dù có năm sư đoàn của Việt Nam Cộng hòa đóng ở đấy, Trung phần chắc chắn sẽ chỉ như một miếng mồi ngon nếu Bắc Việt tấn công’.

Mười tám năm sau, hai người đàn ông này nhớ lại cuộc nói chuyện năm xưa. ‘Tôi vừa mới chuyển một thông điệp cho giao liên mang tới Trung ương cục miền Nam trong đó nói rằng vẫn còn quá sớm để mở một cuộc tổng tiến công và rằng sẽ phải đợi tới thời gian sau đó trong năm’, Ẩn nói. ‘Thế rồi tôi gặp ông’. 

Khi tôi hỏi sau cuộc gặp đó thì ông làm gì, Ẩn mới trả lời, ‘Tôi luôn nghĩ rằng Warner làm việc cho tình báo Úc, thế nên tôi tin vào thông tin của ông ấy và ngay lập tức gửi một bản đánh giá mới. Về sau tôi có cảm ơn ông ấy vì đã cho tôi thông tin quý giá’.


Ẩn đã được thưởng Huân chương Quân công nhờ bản báo cáo về tỉnh Phước Long đề ngày 30 tháng 11 năm 1974. Các sách sử Việt Nam so sánh những đóng góp của Ẩn trong giai đoạn này với bản báo cáo của bậc thầy tình báo Richard Sorge rằng ‘Nhật Bản sẽ không mở mặt trận phía đông’, vốn đã cho phép Liên Xô chuyển quân sang phía tây để chặn đà tiến công của Đức thời Thế chiến II.

Ẩn cũng đoạt được báo cáo bí mật ‘Nghiên cứu chiến lược’ trong đó cho biết tinh thần và vật chất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang cạn và rằng máy bay B-52 của Mỹ sẽ không trở lại. Tác giả của bản báo cáo, Thiếu tướng Lê Ngọc Triển, giám đốc nghiên cứu chiến lược của quân đội, nhận thấy Ban Mê Thuột là điểm xung yếu nhất trong hệ thống phòng thủ của Nam Việt Nam.
Nguyen Van Thieu
Nguyễn Văn Thiệu
Ông Ẩn chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất nặng nề, bằng chứng rõ ràng nhất là trong tài liệu của Shaplen có ghi lại lời Ẩn ví năng lực lãnh đạo của Tổng thống Thiệu với một con khỉ trong gánh xiếc. ‘Ẩn: Thiệu, chúng ta đã tạo nên ông ta như vậy, nếu bây giờ để ông ta tự đi, ông ta sẽ té mất. Rất nhiều người Hoa và người Sài Gòn nuôi khỉ, cho chúng đồ ăn ngon, dạy làm trò, đội mũ sặc sỡ. Làm xiếc.

Nhưng khi người chủ quay lưng lại ba phút thôi, con khỉ sẽ trở về với bản tính tự nhiên của nó, sẽ bốc cứt ăn, giống Thiệu. Vì thế nếu chúng ta trì hoãn sự giúp đỡ trong năm phút thôi, Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ bị nuốt chửng. Chúng ta đã tạo ra một môi trường toàn khỉ ở đây’.


Ẩn giải thích với Shaplen rằng cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại Sài Gòn là một hệ quả trực tiếp của việc Mỹ chẳng làm gì để phát triển một thế hệ lãnh đạo mới tại Việt Nam. ‘Máu và đôla đã được vung vãi tại đây nhưng chúng ta đã làm được gì cho người Việt Nam và chính quyền Sài Gòn? Phần lớn người Mỹ đang quan hệ với lũ khỉ và đường nào rồi thì chúng ta cũng sẽ rút lui sớm thôi.

Chúng ta chỉ biết tới lũ khỉ. Khi mới đến, chúng ta tận dụng những người Việt được Pháp đào tạo, đội ngũ quan lại, và chúng ta tạo nên những vị tướng mới. Đôla, vân vân, nhưng lũ khỉ chẳng biết đường sử dụng. Không có học thuyết cho Việt Nam, không có cả học thuyết của Mỹ.

Chúng ta xây trường lớp, nhưng chẳng có giáo viên. Mở đường và đào kênh, nhưng dân Việt không biết cách sử dụng. Người Mỹ chẳng thể lấy não của mình rồi cho vào mũ họ được và điều đó đã chứng minh. Chẳng có sự đào tạo lãnh đạo thực thụ nào’. Ẩn dự báo rằng khi người Mỹ rời đi, Việt Nam sẽ trở thành ‘cái xác khô’.


(Còn nữa)
Kỳ 10: Phạm Xuân Ẩn và cảm xúc khi chứng kiến sự tan rã nhanh chóng của ngụy quyền - quân đội lớn thứ tư thế giới.

Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6 -  First News Trí Việt phát hành

Bình luận
vtcnews.vn