Tương tự nhiều người trẻ tuổi tham gia phong trào cách mạng Việt Minh đánh đuổi thực dân Pháp, Phạm Xuân Ẩn có tầm nhìn hướng tới độc lập dân tộc và công bằng xã hội. Ông chiến đấu vì tự do và chống lại đói nghèo; ông làm gián điệp không phải để kiếm tiền hay danh vọng cho cá nhân, mà tất cả đều vì người dân xứ sở của mình.
Ông không hề muốn trở thành điệp viên. Đó là bổn phận quốc gia của ông, và mặc dù ông nhận lãnh sứ mệnh này một cách nghiêm túc, thì công việc này ít mang lại cho ông niềm vui thú.
Những giấc mơ cách mạng của ông rốt cuộc có vẻ ngây thơ và đầy lý tưởng, nhưng tôi tin rằng động lực cho cuộc sống của ông chính là những mục tiêu cao cả nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Đảng Cộng sản chiêu mộ Ẩn và biến ông thành điệp viên mang bí số X6, một mắt xích đơn tuyến trong lưới tình báo H.63 tại Củ Chi, được biết tới là ‘Tổ điệp báo anh hùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam’.
Đảng hướng Ẩn vào nghề báo để tạo vỏ bọc, quyên tiền để ông đi Mỹ, và khéo léo tạo ra một lý lịch giả để bảo vệ vỏ bọc của ông. Hồ sơ đảng ghi tên ông là Trần Văn Trung để bảo vệ bí mật.
Ẩn bảo với tôi rằng đây là định mệnh của ông và con người ta không thể chống lại định mệnh ấy. Thời trẻ, ông đã đọc Voltaire. ‘Chớ để tâm tới đớn đau và khoái lạc’, ông nói. ‘Lúc bấy giờ tôi mới mười bảy, mười tám tuổi. Tôi làm theo tất cả những gì mà họ hướng dẫn’.
Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và Giáo sư Larry Berman, người viết Điệp viên Hoàn hảo X6 - nguồn: Tư liệu cá nhân Larry Berman |
Một lần nữa người Việt Nam không được phép tự định đoạt tương lai của mình. Không để Việt Nam rơi vào tay 'Cộng sản' được coi là vấn đề then chốt đối với lợi ích an ninh nước Mỹ. Đấy là chiến tranh lạnh, sự cấm vận, học thuyết đôminô, chứ chẳng liên quan gì tới lợi ích người Việt Nam cả. Điều đó sẽ dẫn đến chết chóc và hủy diệt.
Sứ mệnh của ông Ẩn trong vai trò một điệp viên là cung cấp các báo cáo tình báo chiến lược về kế hoạch chiến tranh của Mỹ và sau đó gửi vào 'rừng' cho ban chỉ huy.
Là một nhà phân tích tình báo, ông lấy hình mẫu cho mình là điệp viên CIA Sherman Kent, tác giả cuốn Tình báo chiến lược phục vụ chính sách toàn cầu của Mỹ, tài liệu được coi là kinh điển của tình báo chiến lược.
Ông Ẩn nghiên cứu về Kent và học được những bài học tình báo đầu tiên từ đại tá huyền thoại Edward Lansdale cùng các cộng sự bí mật của ông này, những người đến Việt Nam vào năm 1954.
Trên cơ sở những đầu mối sơ khởi ấy, ông Ẩn đã lập nên một danh sách nguồn tin có thể nói là tốt nhất và phong phú nhất tại Sài Gòn, và nhờ đó đã cung cấp cho Hà Nội thứ mà họ cần nhất – những đánh giá toàn diện về chiến thuật và các kế hoạch chiến sự của Mỹ.
Vào giai đoạn người Mỹ mới xây dựng lực lượng ở Việt Nam, ông Ẩn được coi là điệp viên giá trị nhất trong tất cả những người được cài vào miền Nam bởi ông đã tạo được một vỏ bọc gần như không thể xuyên thủng. Các báo cáo của ông chính xác đến mức Tướng Giáp đã nói đùa, ‘Giờ thì chúng ta đã có mặt trong phòng tác chiến của Mỹ’.
Phạm Xuân Ẩn là người đã giúp cho các nhà báo Mỹ tại Việt Nam hiểu được sự phức tạp của chính trị Việt Nam, và ông cũng được các chính trị gia, tư lệnh quân đội và quan chức tình báo người Việt – ở hai phía chiến tuyến – đánh giá cao bởi ông có thể phân tích về Mỹ cho người Việt Nam.
Trong giai đoạn 1965 – 1975, tên của ông luôn được Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV) cho vào danh sách phóng viên đưa tin trực tiếp.
Ông không bao giờ phải ăn cắp tài liệu tối mật bởi ông luôn được các nguồn tin của mình cung cấp tài liệu mật để phân tích cho họ bối cảnh toàn diện của các vấn đề chính trị và quân sự.
Có lẽ nguồn tin mang tính tổ chức tốt nhất đối với ông trong những tháng năm làm tình báo là đến từ Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (CIO) của chính quyền Nam Việt Nam, hoạt động theo hình mẫu CIA của Mỹ.
Ông Ẩn là cố vấn thành lập CIO và luôn duy trì mối quan hệ gần gũi với những người bạn của mình trong tổ chức này. ‘Họ coi tôi là đồng nghiệp và là một người bạn, khi cần thứ gì thì tôi đề nghị họ cung cấp’, Ẩn kể.
Có vẻ như không tình báo viên chống Cộng người Việt nào có thể nhìn xuyên được vỏ bọc của Ẩn. Ông đã qua mặt tất cả, cả người Mỹ lẫn Việt Nam. ‘Chúng tôi thường cùng ăn trưa ở Brodard. Tôi chẳng bao giờ nghi ngờ điều gì cả’, Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ, nhớ lại.
Thật trớ trêu, sau khi chiến tranh kết thúc và Việt Nam không còn chia cắt nữa, có một vài người trong cơ quan công an Việt Nam lại cho rằng quan hệ giữa Ẩn với người Mỹ và tình báo Nam Việt Nam vẫn còn quá gần gũi.
Có lẽ cho rằng người anh hùng của họ đã tồn tại được lâu như vậy là nhờ ông làm việc cho tất cả các bên, tức là ông hoàn toàn có thể là một điệp viên ba mang. Ông Ẩn cũng làm cho tình hình thêm rắc rối khi luôn nói tốt về rất nhiều người bạn trong CIA và CIO.
Giá trị của Ẩn không chỉ là những thông tin mà ông có được, mà còn là những đánh giá về các thông tin ấy. Trong lĩnh vực tình báo, có một thuật ngữ gọi là xử lý thông tin – đó là quá trình xử lý, đánh giá toàn diện các thông tin nhằm giúp 'khách hàng' hay 'người dùng' có thể dựa vào đó mà đưa ra các quyết sách.
Ẩn là một nhà phân tích sắc sảo và ngay từ đầu đã thể hiện khả năng diễn dịch những kế hoạch quân sự rối rắm thành những báo cáo dễ hiểu để chuyển cho thượng cấp. Trong hoạt động, Ẩn hiểu rằng chỉ cần một tích tắc sai lầm của bản thân cũng dẫn tới hậu quả là ông sẽ bị bắt hoặc bị giết.
‘Biết nói thế nào về tình trạng sống mà suốt ngày phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết’, là cách mà Ẩn mô tả về những năm tháng hoạt động điệp báo của mình. Điệp vụ của ông Ẩn bắt đầu vào một ngày cụ thể nào đó, nhưng sứ mệnh ấy chỉ kết thúc khi đất nước thống nhất hoặc lúc ông bị bắt.
Một điệp viên xuất sắc của CIA và là bạn Ẩn, Lou Conein, phải ngả mũ trước ông vì 'đã kiên trì trong chừng ấy năm, luôn duy trì sự tự chủ và không bao giờ mắc sai lầm'.
Thái độ của Conein là ‘sự ngưỡng mộ của một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp đối với một người khác có nhiệm vụ tương tự. Bạn không thể không khâm phục một người rất giỏi trong công việc của anh ta’.
Phạm Xuân Ẩn (thứ hai từ trái) đang tác nghiệp dưới vỏ bọc là một phóng viên - Ảnh: Tư liệu |
Trong vòng hai mươi năm, Ẩn sống một cuộc sống giả tạo mà ông muốn nó trở thành hiện thực – làm phóng viên trong một đất nước Việt Nam thống nhất.
Ông khâm phục và tôn trọng những người Mỹ ông gặp ở Việt Nam cũng như trong thời gian ông ở Mỹ. Ông chỉ đơn giản nghĩ rằng họ không được phép can dự vào đất nước của ông. ‘Bạn bè là tài sản quý báu trong lòng ông ấy’, Laura Palmer viết.
Thoạt tiên, điều khó nhất đối với tôi khi viết về cuộc đời Ẩn chính là việc hiểu được những tình bạn này. Để sống còn, Ẩn buộc phải dối lừa hoặc đơn giản là không tiết lộ sứ mệnh của ông với những người bạn thân nhất, nhưng khi biết được Ẩn là một điệp viên Cộng sản, hầu như chẳng ai thù ghét ông.
Một con người như thế nào mà có thể duy trì được những tình bạn bền lâu dựa trên nền tảng giả dối, và khi sự giả dối bị bóc trần, vẫn hiếm có người nào cảm thấy mình bị phản bội? Chỉ có rất ít bạn bè từng có cảm giác rằng mình đã bị ông Ẩn lợi dụng như một nguồn tin để phục vụ cho các báo cáo tình báo chính trị gửi ra Hà Nội.
Ẩn tin rằng ông không bao giờ, về mặt cá nhân, có hành động phản bội nào đối với người Mỹ. Cho đến cuối đời, Ẩn vẫn khẳng định rằng những việc làm của ông không hề gây ra tổn thất về cá nhân cũng như nghề nghiệp đối với bất kỳ người bạn Mỹ nào.
Ngược lại, phần lớn họ đều được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của ông, và đến năm 1970 (nếu không muốn nói là sớm hơn), hầu như tất cả các bạn Mỹ của Ẩn đều bắt đầu nhìn về cuộc chiến giống như cách nhìn của ông Ẩn.
Cứ cho rằng Phạm Xuân Ẩn trên thực tế đã không phản bội bạn bè; và cứ cho rằng những người bạn Mỹ này đã thông cảm với những hiểu biết mang tính nền tảng của ông về cuộc chiến, thì hầu hết bạn ông đều không có lý do gì để thất vọng khi nhiều năm sau đó họ biết rằng Ẩn là một điệp viên.
Tôi luôn quan tâm tới việc một sứ mệnh tối mật như của ông Ẩn đã tạo ra những xung khắc về mặt đạo đức như thế nào trong con người của điệp viên này.
Ẩn luôn sống với nỗi sợ hãi thường trực và mối tự vấn lương tâm về việc lợi dụng bạn bè vào mục đích tình báo. Ẩn đã giải quyết những thế kẹt này như thế nào là một phần trong bức màn bí ẩn thực sự của cuộc đời ông.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu cuộc đời của nhà tình báo bậc thầy này, cần phải xem xét dưới góc độ của thực tế là có nhiều người khác – cả Mỹ lẫn Việt – đã phải lãnh chịu hậu quả từ các hoạt động tình báo của Cộng sản.
Các thành viên của lưới tình báo H.63 đã ‘tiêu diệt nhiều lính Mỹ và ngụy, phá hủy nhiều xe tăng, thiết giáp và máy bay chiến đấu của kẻ thù’.
Việc đánh giá các tác động của những hoạt động tình báo cụ thể là rất khó khăn, nhưng nếu quả thực Ẩn là điệp viên vĩ đại nhất của Cộng sản trong cuộc chiến tranh đó và nếu các lời khen ngợi về chiến công 'anh hùng' của mạng lưới tình báo này là đúng, thì những hành động của ông đã mang đến tổn thất và chết chóc cho nhiều người, chủ yếu là gián tiếp.
Chiến tranh kết thúc đã mang đến cho ông Ẩn một nỗi cô đơn tột cùng. Liên lạc với bạn bè ở Mỹ bị cắt đứt và không thể tiếp tục làm báo, thỉnh thoảng ông Ẩn khoác lên mình bộ quân phục cấp tướng và tham dự các cuộc họp chi bộ hằng tháng.
‘Chi bộ càng ngày càng ít người vì một số bạn bè của tôi qua đời, nhưng hằng tháng tôi vẫn dự họp đều đặn và thú nhận những chuyện đại khái như ‘tuần này tôi có tiếp Giáo sư Larry Berman, và chúng tôi đã nói chuyện về cuộc đua vào Nhà Đỏ hoặc những thứ tương tự’, ông Ẩn cười.
Khi tôi hỏi liệu người ta có thực sự quan tâm việc ông kể về các cuộc gặp gỡ của chúng tôi hay không, ông Ẩn đáp, ‘Ông thấy đấy, những điều tôi kể thì họ đã biết rõ rồi vì bên an ninh nắm mọi thứ. Họ có cách của họ.
Việc tự kiểm chẳng qua là cách để họ thử xem tôi có trung thành và thành thật hay không, thế nên tốt nhất là kể lại những gì họ đã biết.
Bên cạnh đó, ai cũng biết tôi thẳng tính, và họ hiểu tôi có cảm giác như thế nào về tất cả những chuyện này. Tôi già rồi, chẳng thể thay đổi được nữa còn họ thì không đổi thay do sợ hãi, nhưng sau mỗi năm thì tình hình cũng đỡ hơn. Có thể sau năm mươi năm nữa thì tình hình sẽ ổn’.
Suốt đời mình, Ẩn vẫn luôn là người có thiện cảm với Mỹ, và thật may mắn là ông sống đủ lâu để chứng kiến một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo lời mời của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt và Tổng lãnh sự Emi Lynn Yamauchi, Phạm Xuân Ẩn cùng nhiều quan chức đã lên thăm tàu USS Vandegrift vào tháng 11 năm 2003 trong lần đầu tiên một chiến hạm hải quân Mỹ cập cảng tại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975.
'Tôi đã có thể thanh thản nhắm mắt' là cảm giác của ông Ẩn (đứng thứ 2 từ phải qua trái) khi ở trên chiến hạm USSVandegrift vào tháng 11 năm 2003. Nguồn Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh |
Ẩn kể với tôi hôm ấy ông rất tự hào – rằng ông đã sống đủ lâu để chứng kiến một sự kiện mang tính biểu tượng cho tiến trình hòa giải và hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. ‘Tôi đã có thể thanh thản nhắm mắt. Tôi đã phụng sự cho đất nước, cho nhân dân, cho sự thống nhất’, ông nói.
Sau này Hoàng Ân kể lại với tôi, ‘Cháu rất vui khi ba cháu đã có được trải nghiệm ấy. Điều đó cho thấy tiến trình bình thường hóa đang diễn ra tốt đẹp, và điều đó rất có ý nghĩa đối với ba cháu’.
Vào ngày hôm đó, Ẩn khoác thường phục, và người duy nhất trong đoàn đại biểu Việt Nam nhận ra ông là một vị đại tá, ông này tiến lại gần và hỏi bằng tiếng Việt, ‘Xin lỗi, ông là Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn phải không?' Ông Ẩn ngước nhìn và đáp, 'Đúng rồi'.
Viên đại tá nói, ‘Rất vui được gặp ông’, rồi trong lúc ông Ẩn đang đứng giữa rất nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, ông này đã đùa, ‘Ông là tướng phe nào?’. Không chút do dự, ông Ẩn đáp, ‘Của cả hai phe!’ Viên đại tá có vẻ khó chịu. ‘Chỉ là đùa thôi’, Ẩn nói.
Kể với tôi chuyện này, ông Ẩn kết luận, ‘Ông thấy đấy, đó là lý do khiến họ không bao giờ để tôi xuất ngoại; họ vẫn chưa hiểu con người của tôi’.
Larry Berman
Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6 - First News Trí Việt phát hành
Bình luận