• Zalo

Phạm Xuân Ẩn bị nghi là 'điệp viên hai mang’?

Văn hóa - Giải trí Thứ Sáu, 04/10/2013 07:20:00 +07:00Google News

(VTC News) – Liên tục được CIA mời hợp tác và là người hiếm hoi hoạt động tình báo suốt 23 năm không bị bắt, Phạm Xuân Ẩn bị nghi ngờ là điệp viên ‘hai mang’.

(VTC News) – Liên tục được CIA mời hợp tác và là người hiếm hoi hoạt động tình báo suốt 23 năm không bị bắt, Phạm Xuân Ẩn bị nghi ngờ là điệp viên ‘hai mang’.

Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Ẩn cho biết CIA đã tiếp cận ông và đề nghị ông tới điều hành một trại bò sữa ở Tây Ninh, nằm giữa vùng B và C. Ẩn sẽ đóng vai là một chủ trại quý phái, nhiệm vụ thực sự của ông chỉ là nuôi bò và quan sát các công nhân rồi báo cáo.

Ẩn rất lo lắng trước đề nghị này bởi vì ông sẽ phải rời tờ Time và trở thành một điệp viên hai mang, điều mà ông chẳng hề muốn chút nào. Lời đề nghị có câu ‘hãy đến gặp chúng tôi sau’, nghĩa là ông có thể từ chối. ‘Tôi quyết định không xin ý kiến cấp trên rằng tôi có nên nhận lời hay không bởi lẽ tôi không hề muốn làm điệp viên hai mang chút nào’.


Cho rằng có lẽ lý do khiến Ẩn từ chối là bởi ông không thích làm chủ trang trại, nên nhân viên CIA đã tiếp cận ông lần trước lại gợi ý ông đến điều hành một nhà máy đồ hộp ở Nha Trang và Vũng Tàu, cũng với mục đích là theo dõi hoạt động của Việt Cộng.

Công việc duy nhất của Ẩn sẽ là quan sát hoạt động của các ngư dân đến bán cá, bởi vì CIA muốn tìm ra những chiếc thuyền được sử dụng để tuồn vũ khí vào miền Nam. Ẩn cũng đã nhanh chóng từ chối lời đề nghị.


Một đề nghị gây tò mò khác đến từ CIO, ngay sau khi ký Hiệp định Paris vào năm 1973. Biết rằng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đang trú tại một khách sạn gần đấy, CIO lên kế hoạch cài thiết bị nghe lén điện tử tại tiệm Givral nhằm mục đích thu được thông tin có giá trị từ các cuộc trao đổi của họ liên quan đến kế hoạch lập ‘chính phủ liên hiệp’.

Givral do tư nhân sở hữu, vì thế CIO muốn vợ của Ẩn dùng tiền của CIO để mua lại quán này.


Ông Ẩn không thích vụ này chút nào, nhưng việc cài máy nghe lén vẫn được tiến hành và một phần của tiệm đã được tân trang thành một quầy cà phê sữa và kem để che giấu mục đích thực sự của việc sửa quán, tức là lắp thiết bị nghe lén. ‘Đó là cách rất dễ để bị bắt. Không ai có thể bảo vệ anh ngoại trừ chính bản thân anh’, Ẩn nói.

Phần lớn các đồng nghiệp vào lúc này hay lúc khác cho rằng Ẩn đang cộng tác ở một cấp độ nào đó với CIA. Richard Pyle, trưởng văn phòng hãng AP tại Sài Gòn từ năm 1970 đến 1973, nhớ lại rằng vào mỗi ngày, từ chiếc bàn quen thuộc của mình tại quán Givral:

 ‘Ẩn chia sẻ các mẩu tin thú vị về chính trường rối rắm của Sài Gòn cũng như những mưu đồ bên trong Dinh Tổng thống cho một đám đông thính giả chăm chú lắng nghe như những đồ đệ - đó là các phóng viên Việt Nam làm việc cho báo đài nước ngoài.

Những phóng viên này sau đó trở về các văn phòng với thông tin nội tình mới nhất mà họ nhận được từ ‘các nguồn tin’ của mình. Không có gì bí ẩn với xuất xứ của các thông tin ấy, và một câu đùa thường trực của cánh nhà báo đó là bất cứ ai có mối liên hệ với Ẩn đều chắc chắn là người của CIA’.

Rất có lý khi CIA tìm cách tuyển mộ Ẩn. Ai cũng biết trong các công đoàn lao động thân chính phủ đều có đầy người của Cộng sản và các hội đoàn này đang trở thành thùng chứa những người thâm nhập.

Một đầu mối ở CIA đã đề nghị Ẩn ngụy trang làm phóng viên mảng tin tức công đoàn để có thể theo dõi các hoạt động bị tình nghi là của Việt Cộng. Đáp lại, CIA sẽ cung cấp cho Ẩn vài tin độc quyền rất giá trị, nhờ đó có thể nâng cao vị thế của ông tại tờ tạp chí.

Ẩn kể với tôi rằng ông đã từ chối lời đề nghị, với lý do rằng ông đã có đủ các nguồn tin tốt rồi, bởi lẽ ông biết rằng công việc theo đề nghị là rất nguy hiểm cho vỏ bọc của ông.

Pham Xuan An nam 1973
Phạm Xuân Ẩn tới tiệm Givral năm 1973- Nguồn: Tư liệu cá nhân của Phạm Xuân Ẩn  
Ẩn quay trở lại thời kỳ trước đó rất lâu với các đầu mối trong CIA, bắt đầu với Lansdale, Conein và Phillips. Sau cuộc đảo chính chống Ngô Đình Diệm bất thành năm 1960, chỉ huy trưởng chi nhánh Sài Gòn của CIA là William Colby đề nghị bác sĩ Trần Kim Tuyến thành lập Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (CIO).

Tuyến tập hợp vào nhóm lên kế hoạch toàn những người mà ông ta biết rõ là có thể tin cậy được, và tất nhiên Ẩn là một trong số đó. ‘Ai ở CIO cũng coi tôi là người nhà’, Ẩn nói. ‘Họ là nguồn tin quý giá nhất đối với tôi trong cuộc chiến tranh’. Nhóm này hợp tác chặt chẽ với CIA để tạo ra một tổ chức tương đương cho Việt Nam Cộng hòa.


Khi chiến tranh kết thúc, Ẩn đối mặt với câu hỏi là liệu có phải ông từng làm điệp viên hai mang hay không. ‘Tôi may mắn bởi vì nếu trước kia từng nhận lời làm việc cho CIA thì nay sẽ gặp rắc rối lớn với bên an ninh.

Tôi bị theo dõi rất chặt bởi tôi là người duy nhất không bị bắt trong suốt hai mươi ba năm và họ muốn biết làm sao lại có chuyện như vậy. Họ không thể kiểm tra các mối liên lạc của tôi bởi tôi tự làm việc cho mình.

Tôi là một ca đặc biệt bởi không ai ra lệnh cho tôi. Không có một người điều khiển tôi thực sự. Tôi gửi báo cáo đi và trước khi chiến tranh kết thúc thì họ không nói với tôi điều gì ngoại trừ vụ Ấp Bắc.

Sau chiến tranh, họ bảo tôi viết ra mọi thứ để chuẩn bị nhận danh hiệu. Tôi đã làm như vậy nhưng rồi họ muốn thêm nữa. Họ muốn biết tất cả các đầu mối của tôi, họ muốn tôi báo cáo tên, của tất cả bạn bè, tất cả những người mà tôi đã làm chung trong chừng ấy năm. Tôi từ chối. Tôi có quá nhiều bạn bè rất tin tưởng vào tôi.

Tôi cũng không bao giờ tiết lộ nguồn tin. Rồi thì họ cho rằng tôi có người bảo trợ, có thể là trong mạng lưới Tưởng Giới Thạch như bạn tôi là Francis Cau, đứng đầu mạng lưới tình báo ở Đông Nam Á, người thường đến nhà tôi. Nhiệm vụ của ông ta là nhổ cỏ Cộng sản ở Chợ Lớn, ông ta thường chia sẻ thông tin với tôi và muốn tôi làm việc cho ông ta’.

Hai vụ việc có thể chứng minh rõ ràng nhất cho sự khách quan rạch ròi của Ẩn đối với nghề kép của mình và đánh tan lời buộc tội về hoạt động tung tin thất thiệt xảy ra trong Chiến dịch Lam Sơn 719 và Chiến dịch Xuân - Hè 1972.

Ngày 8 tháng 2 năm 1971, hai mươi ngàn lính Việt Nam Cộng hòa tiến qua vùng cán chảo của Lào để cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh trong một chiến dịch có tên gọi ‘Lam Sơn 719’, một danh từ nhằm tôn vinh Hoàng đế Lê Lợi, người chào đời tại làng Lam Sơn và sau đó đã đánh bại cuộc xâm lược của Trung Hoa vào thế kỷ 15. Mục tiêu trực tiếp đầu tiên là thị trấn Tchepone, cách biên giới Việt Nam chừng bốn mươi cây số.

Thị trấn này nằm kế bên Đường 9 và trên thực tế tất cả các tuyến nhánh của Đường mòn Hồ Chí Minh đều đi xuyên qua khu vực này.


Chuyện Ẩn gửi trước bản phân tích của mình dự báo về chiến dịch ở Lào là hiển nhiên. ‘Ai cũng biết trước rất rõ về nước Lào, trừ những người lãnh đạo’, ông Ẩn nói với tôi. ‘Trong số các đầu mối tiếp xúc đầu tiên của tôi có một đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa, các lính dù và lực lượng đặc biệt.

Tôi nhớ cái hôm gặp viên đại tá, người vừa vắng mặt tại Sài Gòn trong vài ngày. Da ông ta rám nắng, và tôi biết ông ta vừa đi đâu đó về, vì thế tôi hỏi, ‘Ông vừa đi câu cá ở Nam Lào về hả?’ Ông ta cười và ngay lúc đó tôi biết câu trả lời là gì.

Tôi rất lo lắng bởi tôi biết điều gì đang chờ đợi tất cả họ ở đấy. Tôi bảo ông ta nên cẩn thận và nhìn vào các tấm bản đồ về hoạt động của quân Cộng sản. Tôi không thể phá hỏng kế hoạch của phía bên kia, nhưng tôi muốn những người bạn của tôi cẩn trọng’.


Một trong những điều mà tôi cảm thấy tiếc là đã không đề nghị Ẩn nói kỹ càng về cuộc xung đột hay căng thẳng nội tâm giữa việc biết bạn bè mình đang bước vào một cái bẫy kinh khủng mà ông và những người khác đã góp sức để giăng ra, và việc chẳng thể làm gì khác ngoài câu nói, ‘Hãy cẩn trọng’.

Tôi phân vân không biết trong cuộc đời của ông, ông có trải qua những đêm mất ngủ hay cảm thấy băn khoăn về mặt đạo đức hay không.

Quang Tri mua he do lua
Quảng Trị - Mùa hè đỏ lửa 1972, Quân VNCH trên đường rút lui.  
Chiến dịch Lam Sơn 719 được lên kế hoạch từ tháng 11 năm 1970; tới tháng 1 năm 1971, quân đội đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho một số phương thức hành động.

Ẩn nhận được thông tin từ một trong những đầu mối của mình bên trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa về kế hoạch tấn công xuyên biên giới đang được chuẩn bị và có thể diễn ra trước mùa mưa để qua đó làm gián đoạn hoạt động của Đường mòn Hồ Chí Minh trong một thời gian dài hơn.

Richard Pyle và Horst Faas của hãng AP sau này viết rằng ‘tình báo miền Bắc có mặt khắp nơi tại miền Nam, từ những cô gái làm công việc lau dọn bàn nhậu cho binh sĩ Mỹ, tới nhiều cấp bậc trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tới đội ngũ báo chí Sài Gòn – và, như sau này đã được báo cáo, thậm chí ngay cả trong tổng hành dinh của Quân đoàn I tại Đà Nẵng nơi Chiến dịch Lam Sơn 719 được lên kế hoạch’.

Khi Ẩn đã sẵn sàng gửi báo cáo lên trên, ông đi bộ dọc một đường phố theo kế hoạch đã định, trong khi bà Nguyễn Thị Ba bê khay đồ trang sức giả rồi giả bộ làm đổ xuống đường. Ông Ẩn dừng lại để giúp bà nhặt đồ lên đồng thời chuyển bản báo cáo cho bà.

Cuối cùng, bản báo cáo đã tới Trung ương cục miền Nam và công tác chuẩn bị phòng thủ đối phó với Chiến dịch Lam Sơn 719 được tiến hành.

Phân tích riêng của Ẩn cho Shaplen về Chiến dịch Lam Sơn đi thẳng vào vấn đề, ‘cuộc tiến quân vào Lào được hoạch định từ trước… Có lẽ Cộng sản biết điều đó cách đây sáu tháng’, dẫn ‘ba cuộc hành quân thăm dò, trong đó cuộc cuối cùng diễn ra vào ngày 8 tháng 12, tổn thất 200 người, đúng như đã điện báo trước’.

Ông Ẩn đã nói cho Shaplen biết được sự thực về thông tin tình báo mà Cộng sản có được từ trước. Trong bản đánh giá của mình, Đại tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên và Trung tướng Đồng Văn Khuyên viết rằng ‘kẻ địch đã không bị bất ngờ trước Chiến dịch Lam Sơn 719 và họ đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước để đối đầu với quân ta’.

Bắc Việt tổn thất hơn hai mươi ngàn quân, nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong cơ hội lớn đầu tiên lâm trận mà không có cố vấn và bộ binh Mỹ, đã mất đến một nửa lực lượng và Mỹ bị mất tới 108 trực thăng cùng với 618 chiếc khác bị hư hại.

Ông Ẩn tiếp tục cung cấp cho Shaplen một bản phân tích hậu Chiến dịch Lam Sơn đáng chú ý khác, bắt đầu bằng việc đánh giá chiến thuật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và thất bại của họ trong việc khai thông Đường 9.

‘Họ gút lại bằng chiến thuật nửa Mỹ nửa Pháp, nhưng giống Pháp hơn. Lúc khởi đầu, họ di chuyển chậm chạp bằng đường bộ. Lẽ ra họ phải sử dụng đội xe tăng Abrams cho chiến thuật của mình. Chiến thuật nửa này nửa kia chả giống ai cả’. Ẩn đặc biệt chỉ trích công tác tình báo: ‘G-2 không ổn, phát hiện ra xe tăng chỉ có một giờ trước khi chúng xuất hiện rất gần’.

Shaplen cũng thêm vào một ghi chú cho riêng mình, rằng ‘Ẩn tiếp tục cho rằng chúng ta sẽ sống sót – bởi vì Cộng sản không dám làm tới cùng’. Lam Sơn là một chiến dịch hoàn toàn thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, không có các cố vấn quân sự Mỹ ở bên cạnh để quan sát hoạt động của quân miền Nam Việt Nam.
 Ông Ẩn dường như cũng không kiềm chế được nên đã tiết lộ cho Shaplen một sự thật khác: ‘Nếu có cố vấn quân sự Mỹ bên cạnh thì khó mà lừa được. Nhưng bây giờ thì rất dễ’.

Ông Ẩn cũng có sự khách quan tương tự khi giải thích cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1972 của Cộng sản, vốn khởi đầu vào lễ Phục sinh ngày Chủ nhật, 30 tháng 3 năm 1972, vài tháng sau Chiến dịch Lam Sơn. Đây là cuộc tấn công lớn nhất do Bắc Việt thực hiện trong toàn bộ Chiến tranh Việt Nam.

Kéo dài trong sáu tháng, cuộc tổng tấn công được thiết kế như là một cuộc tấn công quân sự chính quy do lực lượng quân đội thường trực của Bắc Việt thực hiện nhằm giáng một đòn trí mạng vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp hy vọng sử dụng các đợt tấn công tổng lực của quân đội để chiếm giữ các vùng lãnh thổ, bao gồm các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam như Huế và Đà Nẵng. Điều này có thể tạo điều kiện cho quân đội Bắc Việt tấn công vào Sài Gòn.

Ẩn cung cấp cho Shaplen một sự phân tích chính xác chiến lược của Cộng sản. ‘Việc lúc này không còn lính Mỹ nữa là một sự thay đổi tối quan trọng. Năm 1965, họ buộc phải chuẩn bị để đánh nhau với 200.000 quân và họ hoạch định chiến lược dựa trên con số đó, nhưng bây giờ thì khác…

Tháng 5 và tháng 8 năm 1968 được chọn làm thời điểm tiến hành các phương cách buộc chúng ta phải ngừng đánh bom để đàm phán, ngay cả vì lý do ngoại giao họ cũng phải tổn thất nhiều người. Buộc chúng ta phải xuống thang. Thắng lợi về chiến lược, thất bại về chiến thuật, nhưng là thất bại đáng giá…

Mặt trận Tổ quốc phải tổ chức đánh giá lại. Cộng sản nhận ra rất nhanh. Mỹ đã câu giờ cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa nhưng yếu kém trong lãnh đạo đã khiến Việt Nam Cộng hòa không thể tận dụng khoảng thời gian này. Công tác lãnh đạo chính trị vẫn là chìa khóa của vấn đề, chứ không phải bản thân nhà lãnh đạo’.

Nixon tin rằng Bắc Việt đã quyết thực hiện chiến dịch ‘được ăn cả, ngã về không’ trong năm 1972. Ngày 1 tháng 4, Nixon ra lệnh ném bom miền Bắc trong phạm vi cách vùng giới tuyến phi quân sự bốn mươi cây số. Tới ngày 14 tháng 4, ông ra lệnh không kích lên tận vĩ tuyến 20.

Hòa đàm Paris ngưng trệ. ‘Đám con hoang kia sẽ phải hứng các trận bom khốc liệt chưa từng thấy’, Nixon nói với Hội đồng An ninh Quốc gia. Tiếp theo sau đó sẽ là việc sử dụng không lực hiệu quả nhất trong cuộc chiến tranh và là một trong những chiến dịch ném bom lớn nhất lịch sử thế giới, Chiến dịch Linebacker I.

Nhằm vào đường sá, cầu cống, đường sắt, căn cứ quân sự và kho bãi hậu cần, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh không lực hiện đại, cuộc tấn công đã sử dụng bom laser điều khiển chính xác.

Sử dụng máy bay cường kích thay cho B-52, chiến dịch này cũng đồng thời cung cấp sự yểm trợ hiệu quả cho lực lượng mặt đất của Việt Nam Cộng hòa. Kết cục của nó là năm mươi ngàn lính Bắc Việt thiệt mạng, và ước chừng 225 xe tăng cùng pháo hạng nặng bị phá hủy.

Benh vien Bach Mai bi trung bom B52
Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội bị trúng bom B52 của Mỹ, tháng 12/1972 
Chiến dịch Xuân – Hè 1972 về ngắn hạn rõ ràng là một thất bại cho Bắc Việt. Bằng cách chia quân ra trên ba mặt trận khác hẳn nhau và thực hiện hàng loạt đợt tấn công tổng lực, quân Bắc Việt đã bị dàn ra quá mỏng và rõ ràng là đã không thể rót hỏa lực đủ mạnh vào bất cứ một điểm nào để từ đó có thể chiếm được một vùng lãnh thổ đáng kể.

Do tính chất dàn trải của cuộc tấn công chính quy, nhiều đơn vị Bắc Việt đã bị tiêu diệt (một số tiểu đoàn chỉ còn năm mươi quân), khiến số này không thể chiến đấu hiệu quả trong vòng hai năm. Nhưng các căn cứ trọng yếu hơn phục vụ cho hoạt động chi viện của miền Bắc tại miền Nam vẫn chưa bị mất.


Thương vong bên phía Hà Nội trong các cuộc tấn công chính quy là vô cùng nặng nề, mất tới hơn một nửa trong số hai trăm ngàn lính chiến. Các kết quả đáng thất vọng của đợt tấn công Xuân – Hè đã buộc Hà Nội tiến tới quyết định đàm phán. Họ đã đánh giá sai Nixon, và bây giờ có thể thấy Nixon đang tiến tới việc tái đắc cử vào tháng 11.
Ông Ẩn đã không cố gắng xoáy sâu vào vấn đề này với Shaplen. ‘Họ đã đánh giá thấp sức kháng cự của chính phủ cũng như sự hỗ trợ của Mỹ. Đảng Cộng sản bị tổn thương nhưng chưa đến mức tê liệt.

Dù thất bại nặng nề trong hai tháng qua, quyết tâm của họ vẫn không bị lung lay. Chiến dịch này vì thế sẽ được tiếp nối bằng các chiến dịch khác… Đảng Cộng sản đang quay trở lại, cùng những đơn vị cũ của năm 1966 được bổ sung, tất cả đã trở lại. Trong khi đó, chúng ta – Mỹ - vẫn chưa trở lại và không thể… rút ra bài học ở Chiến dịch Lam Sơn – nhìn thấy ‘cơ hội khách quan mới’ để thực hiện cuộc tổng tấn công mới.


Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang được Việt Nam hóa. Trùng vào cuộc bầu cử ở Mỹ, mà họ không thể dự báo trước được hoàn toàn. Họ phải mạo hiểm tấn công ngay bây giờ… Nixon rất cứng rắn và sẽ không thương lượng.

Chúng ta lại thổi vấn đề lên quá mức khi nhấn mạnh đây là một sự xâm lược, kêu gọi dư luận thế giới chống lại nó, nhưng trên thực tế, tất cả những gì chúng ta làm chỉ khiến cho nhân dân Mỹ hoảng sợ và dồn Nixon đến bờ vực mà thôi’.


Ông Ẩn đã nhận được ba Huân chương Chiến công vào thời điểm ông nói chuyện với Shaplen về Chiến dịch Lam Sơn và Chiến dịch Xuân – Hè. Danh tiếng của ông trong vai trò một nhà báo là không có gì phải bàn cãi.

(còn nữa)

Kỳ 9: Phạm Xuân Ẩn chỉ trích Nguyễn Văn Thiệu như con khỉ trong gánh xiếc

Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6 -  First News Trí Việt phát hành

Bình luận
vtcnews.vn