Một buổi chiều ở xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, một chàng trai 17 tuổi đang ngồi xoay trái bóng trước hiên nhà. Cậu để bóng xoay tròn trên một ngón tay, trước ánh nhìn ngưỡng mộ của đám trẻ xung quanh. Cậu nhìn chặt vào trái bóng đến khi nó ngừng xoay, rồi dạy những đứa trẻ làm sao để xoay bóng tương tự.
Chỉ ít phút nữa thôi, cậu sẽ rời hiên nhà, cùng bạn bè tới sân cỏ nhân tạo trong xã để chơi bóng. Và cậu bé ấy sẽ lăn lộn trên sân, với đôi chân không còn lành lặn. Đó là câu chuyện kỳ lạ ẩn trong khối nội lực phi thường của Phạm Tuấn Hưng.
Tai nạn kinh hoàng
Chị Mai Thị Thư, mẹ nuôi của Tuấn Hưng, không quên được cái ngày định mệnh của 15 năm trước. Một người họ hàng đi vắng, nên nhờ chị Thư đến trông nhà. Chị dắt theo Tuấn Hưng, mà không biết đó là khoảnh khắc cuộc đời cậu bé chuẩn bị sang ngã rẽ mới.
“Hôm ấy bố Tuấn Hưng đi vắng, chỉ có tôi dẫn con lên trông nhà giúp bác. Tôi ở trong nhà, Hưng ở ngoài vườn. Con loay hoay chơi với chú chó phốc, rồi ngã vào chuồng gấu. Hưng chỉ ngã ở ngoài rìa, nhưng con gấu lấy tay cào vào song cửa, kéo chân thằng bé từ dưới gầm lên, dùng hai chân sau giữ chân thằng bé, lấy mồm ngoạm vào.
Tôi chạy ra giằng lấy Hưng, van xin nó đừng hại con mình. Lúc đấy xung quanh không có ai vì nhà gần biển, lại đang vào mùa lạnh. Sau cả tiếng đồng hồ, tôi lôi được cháu ra. May mà nó chỉ cắn chân, chứ nếu vồ cả người thì hai mẹ con thì không còn gì”, chị Thư nhớ lại.
Đôi chân của Tuấn Hưng bị gấu cắn nát bươm. Ngăn dòng nước mắt và nỗi đau vô bờ, chị Thư gọi xe đưa con đi viện, nhưng không tài xế taxi, xe ôm nào dám chở vì nghĩ Hưng không qua khỏi. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, chị Thư lấy áo phủ lên chân con, tự mình đưa cậu bé 2 tuổi đang run lên vì sợ vào bệnh viện.
“Ai cũng khuyên bỏ, nhưng tôi không đồng ý. Đã nuôi con đến lúc này rồi, chỉ cần con còn thở, tôi sẽ cứu. May mắn thay, đã có người cho máu để cứu cháu. Khi Hưng trên bàn mổ để bác sĩ cắt chân, cháu không hề ngất. Nó vẫn tỉnh, ôm chặt bố rồi nói đau lắm”, đôi mắt chị Thư ngấn lệ khi nói về giây phút sinh tử của Tuấn Hưng.
Chị đã giành giật lấy con mình từ bàn tay tử thần không chỉ một lần. Thời khắc người mẹ tảo tần quyết giữ con đến cùng “chỉ cần nó còn thở”, Hưng như được sinh ra lần nữa.
Người phụ nữ trung niên run run lấy lại quyển album ảnh, nơi lưu giữ những bức hình của Hưng khi còn hai chân lành lặn. “Tôi không muốn mở ra xem lại, đau đớn lắm, chỉ vì mình chăm con không tốt”, chị Thư nói.
Thử thách số phận đặt ra cho Tuấn Hưng và mẹ giờ mới bắt đầu. Vài năm sau tai nạn, chị Thư ly dị với chồng. Chị một mình nuôi con, dù bị người đời chê bai “ngu ngốc” vì hết lòng với đứa con khiếm khuyết không phải do mình dứt ruột sinh ra.
“Nhiều người bảo tôi ngu dốt, nhưng tôi dồn hết tình thương cho con. Chồng có bỏ đi thì hai mẹ con nuôi nhau. Hưng không phải con tôi đẻ ra, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ Hưng là con nuôi”, chị Thư xúc động nhớ lại.
Nhưng cuộc đời công bằng với chị Thư, bởi Tuấn Hưng thông minh, sáng dạ và thương mẹ. Trên đôi chân không còn lành lặn là khối nghị lực phi thường, giúp Tuấn Hưng vượt qua khó khăn mà chỉ nghe đến thôi, trái tim người bình thường cũng phải quặn lại vì đau đớn và xót xa.
Tàn nhưng không phế
Tuấn Hưng lấy hai chiếc ghế đặt sát dưới hông làm điểm tựa, rồi dùng hai cánh tay đẩy ghế để di chuyển. Nhiều năm qua, đây là cách chàng trai 17 tuổi bù đắp cho khiếm khuyết về đôi chân. Anh vào bếp, đặt chảo, đổ dầu ăn, rán đậu để mời khách.
Tuấn Hưng tự làm việc nhà như nấu ăn, rửa bát, lau bàn, quét nhà. Không gian sống của anh luôn ngăn nắp, sạch sẽ dù chị Thư đi làm xa, thi thoảng mới về thăm con.
Ngồi trò chuyện với người đối diện, Tuấn Hưng luôn ngẩng cao đầu, đôi mắt sáng lên đầy hy vọng. Thật khó hình dung anh từng nhiều lần nằm bàn phẫu thuật, từng phải cưa xương để ngăn tuỷ chảy ra khi mới 3 tuổi. Lên 11 tuổi, Hưng phẫu thuật để lắp chân giả nhưng không thành công, vì chân trụ không đủ vững, không thể sử dụng chân giả để đi lại.
Hai chân của Hưng không còn lành lặn, khi một chân cụt hẳn, một chân chỉ dài chưa quá phần đầu gối, nhưng điều đó không ngăn cản chàng trai nghị lực sống một cuộc đời bình thường. Anh không trách mẹ, không oán số phận khiến mình không thể có cơ thể lành lặn. Với Tuấn Hưng, đó là số phận, và việc của mình là phải vượt qua để sống tiếp.
“Tôi không buồn, không tủi thân, không trách ai, vì đó là số phận của mỗi người thôi. Tôi cố gắng, nếu không làm được thì cứ cố mỗi ngày đến khi làm được”, giọng Hưng trầm lại, nhưng đôi mắt vẫn sáng. Tuấn Hưng thương mẹ, không than trách gia đình dù chỉ một câu.
Khó khăn nhất của Tuấn Hưng khi mất đi đôi chân là khả năng đi lại, di chuyển, nhưng 12 năm học, anh chưa từng buông bỏ. Không chỉ nuôi dưỡng, bảo vệ, chị Thư còn trở thành đôi chân dẫn đường đưa lối cho con. Con đường từ nhà đến trường chứng kiến Tuấn Hưng được mẹ đưa đi học, ngày bốn lần, dù nắng gắt hay mưa giông. Mẹ đưa Hưng đến cổng, rồi Hưng được bạn cõng lên lớp.
Quãng thời đi học chông chênh, nhưng ánh nhìn của người đối diện vào đôi chân kỳ lạ, dẫu hiếu kỳ, tò mò hay thương hại, cũng là thứ khiến Tuấn Hưng sợ nhất. Cả kỳ học đầu tiên, Tuấn Hưng không nói chuyện với ai. Anh lặng lẽ cúi đầu, ngại giao tiếp vì không muốn bạn bè nhìn vào khiếm khuyết của mình.
Sau rồi, Tuấn Hưng bỏ qua tất cả và chỉ tập trung, cố gắng học thật tốt để đỡ cho mẹ gánh nặng mưu sinh.
Đam mê bất tận
3 giờ chiều, Tuấn Hưng đã có mặt ở sân bóng xã. Anh lấy hai tay chống xuống đất, hào hứng di chuyển vào sân để “nhập hội” với đám trẻ đang chơi bóng. Hưng biến đôi tay thành đôi chân, lao đi thoăn thoắt. Phần gối còn sót lại trên chân của Hưng trở thành vũ khí lợi hại của chàng trai 17 tuổi trên sân.
Tuấn Hưng cầm bóng, qua người và sút tung lưới đối phương như một cầu thủ chuyên nghiệp. Tuấn Hưng đã dùng tay, dùng phần đùi còn lại trên chân trái, và dùng nghị lực cùng sự lạc quan để thay thế khiếm khuyết đôi chân - nơi sự nghiệt ngã của định mệnh không thể đánh gục chàng trai nhỏ bé ở xã Hải Tiến.
Tuấn Hưng nở nụ cười. Chỉ khi đá bóng, anh mới cười nhiều, cười sảng khoái và đam mê như vậy.
“Tôi làm quen với trái bóng từ lúc 3 tuổi, bắt đầu chơi bóng với các bạn khi 9 tuổi ở ngay trước cửa nhà. Tôi thấy các bạn vui quá nên cũng xuống chơi cùng. Khi mới chơi, các bạn cho phép tôi dùng tay để ném bóng vào gôn. Tôi chơi bằng tay 1, 2 năm rồi chuyển sang chơi chân, vì các bạn nói nếu đá bằng tay thì không cho đá nữa.
Tôi tập tâng bóng, sút vào tường để có thể tự tin đá bóng. Sau vài năm tập, tôi mới thành thạo chơi được bằng chân”, Tuấn Hưng kể lại về hành trình đá bóng.
Anh chống một tay xuống đất, tung người vô lê với kỹ thuật điêu luyện để đưa bóng vào góc cao. Chứng kiến pha xử lý của Hưng, Nghiêm Xuân Tú kinh ngạc.
Tiền vệ đang chơi cho CLB Than Quảng Ninh nói rằng đây là động tác “không phải cầu thủ chuyên nghiệp nào cũng làm được”. Chỉ với một nửa thân người, Tuấn Hưng vẫn giữ được thăng bằng, thực hiện các kỹ thuật như tâng bóng, sút bóng, xỏ háng không thua kém bất cứ thanh niên lành lặn, khỏe mạnh nào.
Ban đầu, mẹ Hưng không đồng ý để con đá bóng. Chị sợ con trầy da, xây xát vì phải lăn lộn trên mặt sân nhân tạo. Tuấn Hưng phải động viên lại mẹ, rằng “đau rồi cũng quen”. Anh vẫn tiếp tục chơi bóng, bởi: “Bóng đá mang lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc. Khi chơi bóng ở trên sân, tôi được tự tin là chính mình”.
Với Tuấn Hưng, bóng đá là sở thích dung dị, giúp anh quên đi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống để nuôi dưỡng những giấc mơ như bao thiếu niên trưởng thành khác.
Nghị lực phi thường giúp Tuấn Hưng trở thành tấm gương cho nhiều cầu thủ trẻ. Anh được mời đến Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF để tham gia đá bóng cùng những tài năng trẻ nơi đây. Đối đầu với nhiều cầu thủ giỏi, Tuấn Hưng vẫn tự tin cầm bóng, phối hợp và ghi bàn trong tiếng vỗ tay không ngớt từ phía những người theo dõi.
Video: Tài năng chơi bóng của Tuấn Hưng
Hình ảnh Tuấn Hưng mải miết đuổi theo, vui đùa với trái bóng dù đã mất đôi chân đọng lại như thước phim quay chậm. Chàng trai gan dạ đã gồng mình vượt qua đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần sẽ là tấm gương cho những người trẻ trong mọi lĩnh vực, không chỉ riêng thể thao, rằng khi đã quyết tâm, không có gì là không thể.
Sau những khó khăn, hành trình của Tuấn Hưng lại đến ngã rẽ mới ở tuổi 18. Anh muốn theo học công nghệ thông tin. Tuấn Hưng không muốn học đại học, bởi học xa nhà, chưa biết thách thức đến đâu, thu nhập của chị Thư cũng không đảm bảo cho con học xa.
Gạt đi tất cả, chị Thư muốn con vẫn phải đi học. “Hưng ngoan ngoãn, biết mẹ không có tiền nên không đòi hỏi, bảo thôi mẹ cố gắng đi làm, con học xong, mẹ vay tiền hoặc mua trả góp giúp con bộ máy tính, con ở nhà làm công nghệ thông tin, rồi mẹ con mình tự nuôi nhau.
Mẹ không có điều kiện, mẹ nuôi được con học thì cứ học. Mẹ không nuôi được nữa thì con nghỉ, chứ bây giờ thì con vẫn cứ phải học”, chị Thư chia sẻ.
Người mẹ tảo tần không muốn con từ bỏ giấc mơ, và chính nguồn năng lượng lạc quan, tích cực của Tuấn Hưng đã động viên chị Thư trong những ngày tháng hai mẹ con cùng chống chọi với giông gió cuộc đời.
“Tôi sẽ học thêm về tin học để làm streamer, rồi làm thành viên của đội tuyển người khuyết tật Việt Nam. Có thể bơi hoặc đẩy xe lăn, hoặc là đội bóng đá khuyết tật”, Tuấn Hưng chia sẻ, không quên nở một nụ cười hãnh diện. Hành trình thực hiện giấc mơ của Hưng sẽ không đơn độc, bởi anh có mẹ ở bên.
Trải qua đau đớn, từ thể xác cho đến tinh thần khi còn chưa đến ngưỡng đôi mươi, không còn điều gì có thể cản Tuấn Hưng.
Bình luận