Trong phiên xử sơ thẩm ngày 21.6, TAND TP.HCM tuyên phạt Tạ Hữu Nguyện (35 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) 10 tháng 25 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) về tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Sau phiên tòa, đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Chẳng lẽ chỉ được khoanh tay chịu đựng?
Theo hồ sơ, trưa 4.2.2011 (tức ngày mùng 2 Tết Tân Mão), Nguyện và vợ là Nguyễn Thị Hường tổ chức ăn tết tại phòng trọ ở P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức và mời bạn bè đến chơi, trong đó có Nguyễn Văn Trung. Uống hết một thùng bia, Nguyện kêu mọi người nghỉ để còn đi chơi tết nhưng Trung không đồng ý và nói: “Tao muốn uống bia, vì tao có mang đến một thùng bia”.
Thấy Trung nóng giận, xúc phạm mọi người, Nguyện đẩy Trung về khiến hai bên cự cãi, đánh nhau nhưng được mọi người can ngăn. Lúc sau, Trung cùng hai thanh niên quay lại, đập phá cửa phòng trọ của Nguyện đòi nói chuyện nhưng vợ Nguyện không mở cửa.
Đến 19 giờ cùng ngày, Trung cùng hai thanh niên tiếp tục quay lại đập cửa, kêu Nguyện ra nói chuyện. Khi chị Hường về và mở cửa thì Trung cầm ống điếu cày cùng hai thanh niên cầm cục gạch xông vào phòng tấn công Nguyện.
Phạm Minh Hải từ tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” bị chuyển sang tội “giết người” |
Trong lúc chống cự, Nguyện đã lấy cây kéo trên kệ chén đâm trúng ngực Trung khiến nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu.
Sau khi báo chí đưa tin, cộng đồng mạng đã bàn tán xôn xao. Người cho rằng xử như vậy là phù hợp nhưng nhiều bạn cùng suy nghĩ: “Anh Nguyện đang ở nhà, không kiếm chuyện với ai. Xét về tương quan lực lượng thì bên Trung đông hơn.
Xét về yếu tố lỗi thì bên anh Trung xông vào nhà nạn nhân đánh bằng hung khí là gạch và điếu cày. Rõ ràng, nếu anh Nguyện không phản ứng thì có thể bị phía anh Trung đánh chết hoặc chí ít là bị gây thương tích. Chẳng lẽ khi bị kẻ xấu tấn công, chỉ được khoanh tay chịu đựng? Còn phản ứng lại thì phải ở tù sao?”.
“Sao bị cáo không bỏ chạy”
Quay trở lại vụ án của Nguyện, tuy nhận định hành vi của bị cáo xuất phát từ lỗi của nạn nhân nhưng Hội đồng xét xử vẫn cho rằng việc gây ra cái chết cho nạn nhân là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cũng giống như các nước, bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì không phải là tội phạm, còn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là phạm tội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý thì ranh giới giữa hai chế định trên quá mong manh.
Bàn về vấn đề này, luật sư Phạm Văn Minh (Đoàn luật sư TP.HCM) phản ánh, chế định phòng vệ chính đáng được quy định trong bộ luật Hình sự, nghị quyết và chỉ thị của Hội đồng thẩm phán. Tuy nhiên, chế định phòng vệ chính đáng vẫn còn hạn chế về cả lý luận cũng như thực tiễn xét xử.
“Về cơ bản, luật và các văn bản hướng dẫn chưa quy định một cách đầy đủ những dấu hiệu của chế định phòng vệ chính đáng, nên thực tiễn xét xử có không ít trường hợp còn có nhận thức rất khác nhau về phòng vệ chính đáng.
Nhiều thẩm phán khi xét xử đã so sánh bị hại dùng tay, bị cáo dùng dao để nhận định hành vi dùng dao là không tương xứng với dùng tay không; hay nhiều thẩm phán hỏi: “Sao bị cáo không bỏ chạy” để giải thích rằng: nếu bị cáo bỏ chạy thì đã không gây án mạng và không ở tù (!?).
Hoặc đôi khi được thẩm phán cân nhắc như hành vi chống trả cần thiết toán học. Còn lỗi của bị hại chỉ là tình tiết mà các quan tòa xem xét để giảm nhẹ hình phạt”, luật sư Minh nói.
Luật quy định phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm, nhưng không chỉ ra căn cứ để xác định thế nào là cần thiết? Đặc biệt, bị xâm phạm trong trường hợp như thế nào thì hành vi chống trả được coi là phòng vệ, trường hợp nào thì không được coi là phòng vệ luật vẫn chưa chỉ ra được.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng quy định của pháp luật khiến các cơ quan tố tụng thay vì xử lý triệt để cái xấu thì đang có chiều hướng dung túng cái xấu.
Tâm lý "sợ bỏ lọt tội phạm"
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, chính ranh giới mong manh khiến các cơ quan tiến hành tố tụng sợ bỏ lọt tội phạm nên cứ phải xử lý hình sự cho bằng được người chống lại cái xấu lỡ gây chết người.
Việc xử lý như hiện nay không khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống lại những hành vi xâm hại hoặc ngăn chặn, hạn chế những thiệt hại do một hành vi xâm hại nào đó đe đọa gây ra.
Luật sư Vũ Quang Đức (VPLS Vũ Quang Đức), người từng tham gia bào chữa cho nhiều bị cáo trong tình huống tương tự, nêu quan điểm: hiện nay quy định như thế nào là phòng vệ chính đáng trong luật còn rất mông lung dẫn đến việc đánh giá hành vi của một bị cáo có phạm tội hay không chủ yếu là do chủ quan của thẩm phán.
Theo luật sư Đức, trên thực tế có những trường hợp luật không bao trùm hết nên chủ yếu vẫn là niềm tin nội tâm của những người tiến hành tố tụng mà thẩm phán giữ vai trò chính. Trong khi đó, thẩm phán chỉ có một phiên xử, tiếp xúc với bị cáo khoảng 3, 4 giờ đồng hồ còn chủ yếu là đọc hồ sơ.
Hồ sơ do điều tra viên xây dựng với chứng cứ buộc tội là chính nên ảnh hưởng rất nhiều trong việc đánh giá một trường hợp là "phòng vệ chính đáng"; đó là chưa nói đến áp lực tâm lý do phản ứng từ gia đình nạn nhân trước một nhân mạng.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều thẩm phán TAND TP.HCM nhìn nhận, chế định phòng vệ chính đáng cũng từng được áp dụng và có những vụ án được đình chỉ vì bị cáo gây án trong trường hợp phòng vệ chính đáng.
“Tuy nhiên, khi có án mạng xảy ra thì các cơ quan tố tụng phải cân nhắc xem xét nhiều yếu tố và trong những vụ án này thì chín người mười ý. Tranh luận nhiều nhất là quan điểm đánh giá có tội vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không có tội vì phòng vệ chính đáng, và thường kết luận là có tội”, một thẩm phán chia sẻ.
Vị thẩm phán này nói thêm, chính vì sự đánh giá không đúng “thế nào là phòng vệ chính đáng” đã dẫn đến tâm lý sợ phản ứng trước cái xấu ngay cả trong lực lượng công an.
Theo TNO
Bình luận