Là một trong những khách mời của Sức sống thanh xuân tuần này, Phạm Hồng Phước có dịp chia sẻ về công việc kinh doanh của mình khi chương trình đưa ra chủ đề "Khởi nghiệp nên làm chủ hay làm thuê?". Nam ca sĩ còn trải lòng về khoảng thời gian khủng hoảng vì kinh doanh lỗ nặng.
Cụ thể, ở câu hỏi “Nên làm thuê hay làm chủ khi mới ra trường?”, Phạm Hồng Phước chọn phương án “nên khởi nghiệp bằng cách làm chủ”, dù giai đoạn đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để bảo vệ quan điểm, nam ca sĩ dẫn chứng từ mô hình kinh doanh quán ăn chay của mình.
Ở thời điểm đang được khán giả yêu mến và sở hữu nhiều bản hit như Mùa ta đã yêu, Trà chanh Acoustic, Khi chúng ta già, Khi người lớn cô đơn…, Phạm Hồng Phước bất ngờ chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh quán ăn chay.
Giọng ca Khi người lớn cô đơn cho rằng, chọn làm thuê là hướng đi an toàn cho các bạn trẻ. Anh nhận định rằng nếu sinh viên định hướng ra trường muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực gì, trong quá trình đi học họ nên làm thêm với công việc tương tự như vậy.
Nam ca sĩ bùi ngùi nhớ lại: “Tôi học quản trị kinh doanh, khi còn đi học từng làm những công việc như phát tờ rơi, làm phục vụ, dạy thêm… Sau khi ra trường, tôi quyết định dùng tất cả vốn liếng tích cóp của mình mở quán ăn chay”.
Thế nhưng trong thời buổi thị trường cạnh tranh khốc liệt, chuyện kinh doanh của nam ca sĩ 9X không suôn sẻ như mong muốn.
Nhớ về những ngày tháng khởi nghiệp khó khăn, anh cho biết: “Ba chi nhánh quán ăn chay của tôi lỗ nặng trong ba tháng đầu tiên. Tôi nợ 3 tháng tiền thuê nhà, tiền trả công cho nhân viên cũng không có.
Khoản tiền được dự trù để bù lỗ cũng không đủ chi trả. Quán ăn lỗ nặng, người thân cũng ngán ngẫm và liên tục trách móc vì tôi không chịu bỏ cuộc”.
Phạm Hồng Phước tự nhận mình là người rất dễ tự ái, khi gặp thất bại sẽ không dễ dàng bỏ cuộc mà chọn đi làm thuê.
Với anh, tiền do bản thân tự làm ra khi bỏ vào túi mình sẽ cảm thấy dễ chịu hơn là thông qua túi của ông chủ rồi mới đến tay mình. Anh cũng bày tỏ quan điểm rằng những ai nghĩ kinh doanh trong thời gian đầu không có doanh thu là thất bại, họ có tầm nhìn rất hạn hẹp.
Phạm Hồng Phước còn chia sẻ về phương châm đối xử với nhân viên: “Trong một lần làm phục vụ quán ăn, tôi không phục khi bị ông chủ chửi ngu, cãi lý lại và bị ông chủ đuổi việc.
Việc đó hình thành cho tôi suy nghĩ nếu sau này kinh doanh, mình sẽ không trở thành người chủ như vậy. Tôi đối xử tốt với nhân viên nên khi gặp khó khăn, các bạn cùng tôi đồng cam cộng khổ vượt qua giai đoạn chật vật đó”.
Bên cạnh chia sẻ về việc kinh doanh, Phạm Hồng Phước cũng nói thêm, khi quyết định khởi nghiệp, mỗi người cần có đủ năng lực hiểu rõ bản thân cần gì – muốn gì và nên làm gì cũng như phải có chính kiến, sự quyết đoán và kiên định để không bị tác động bởi lời nói xung quanh.
Bình luận