• Zalo

Phạm Công Danh làm mọi việc vì ngân hàng Xây dựng?

Pháp luậtThứ Hai, 22/08/2016 16:19:00 +07:00Google News

Luật sư bào chữa liên tục khẳng định Phạm Công Danh làm mọi việc là vì ngân hàng Xây dựng, rút hàng nghìn tỷ cũng là để 'cứu nguy' cho ngân hàng, vậy phải chăng Phạm Công Danh thực sự vô tội?

Bào chữa cho Phạm Công Danh, luật sư Phan Trung Hoài nêu: Phạm Công Danh khai bị bà Hứa Thị Phấn lừa khi mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín; Phạm Công Danh đã bị quy trách nhiệm “oan” về khoản lỗ hơn 18.000 tỷ đồng của ngân hàng. 

Và Phạm Công Danh đã phải đổ tiền của mình “giải cứu” Ngân hàng Đại Tín; Phạm Công Danh phải chi chăm sóc khách hàng hàng ngàn tỷ đồng, phải chi 3.600 tỷ mua cổ phần của bà Sáu Phấn, phải chi 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của Ngân hàng…

ngan_hang_xay_dung_1

 Phạm Công Danh (ảnh: Infonet)

Cũng luật sư Hoài cho rằng: Chưa kể sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), nếu thu hồi 3.600 tỷ từ bà Sáu Phấn, thu hồi 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ hoặc Phạm Công Danh không chịu trách nhiệm về khoản tiền trộm của nhóm Trần Ngọc Bích, thì thiệt hại của vụ án sẽ không phải như Cáo buộc của Viện kiểm sát.

Phải chăng Phạm Công Danh vô tội? 

Ai đã hại Phạm Công Danh, ai đã đẩy Phạm Công Danh vào việc “giải cứu” Ngân hàng Xây Dựng, để rồi Phạm Công Danh phải “rơi nước mắt” trước vành móng ngựa?

Anh hùng cứu mỹ nhân?

Không chỉ luật sư Phan Trung Hoài, trước đó, trong phần thẩm vấn, Phan Thành Mai, Phạm Công Danh đều nhiều lần nói về “công trạng” giải cứu Ngân hàng Xây Dựng. 

Danh và Mai khai đã phải dùng rất nhiều tiền của cá nhân, của tập đoàn Thiên Thanh chi chăm sóc khách hàng cho ngân hàng.

"Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Thiên Thanh mỗi năm chỉ được hơn 80 triệu đồng, nên không thể nói Phạm Công Danh lấy tiền của Thiên Thanh đi "giải cứu" Ngân hàng Xây dựng" 

Không những thế, để thực hiện nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng, luật sư Hoài cho rằng Danh đã phải đổ thêm 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng. 

Số tiền 3.600 tỷ mà Danh trả cho bà Sáu Phấn để mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín cũng được luật sư Hoài ghi nhận là nhằm “giải cứu” ngân hàng.

Trái với tất cả những lời tung hô này, thực tế hồ sơ vụ án không chứng minh được Tập đoàn Thiên Thanh, cá nhân Phạm Công Danh bỏ ra một đồng nào cho việc mua cổ phần của Phạm Công Danh cũng như các hoạt động khác của Ngân hàng Xây Dựng.

Không những thế, toàn bộ số tiền trả cho bà Sáu Phấn, tăng vốn điều lệ cho ngân hàng, Phạm Công Danh đều rút trái phép trực tiếp hay gián tiếp từ Ngân hàng Xây Dựng. 

Hàng ngàn tỷ khác được rút ra từ Ngân hàng Xây Dựng để trả nợ và chi tiêu cho các mục đích cá nhân của Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh…

Tại phiên tòa, Danh đã không thể trả lời được câu hỏi nguồn tiền ở đâu để Tập đoàn Thiên Thanh chi trả lãi ngoài? Có thể hiện trên báo cáo tài chính của tập đoàn Thiên Thanh không? Nếu là tiền cá nhân của Danh, thì trước đó, Danh để ở đâu?

“Anh hùng” Phạm Công Danh cứu “mỹ nhân” Ngân hàng Đại Tín, nhưng đồng tiền đã chảy ngược từ “mỹ nhân’ sang túi “anh hùng”.

Bà Sáu Phấn có lừa nổi Phạm Công Danh?

Dù không dẫn chiếu được đầy đủ các chỉ số tài chính trọng yếu, Luật sư Phan Trung Hoài nêu rất nhiều về thành tích của Phạm Công Danh, kinh nghiệm của Phạm Công Danh khi xây dựng Tập đoàn Thiên Thanh phát triển vững mạnh, phát triển khắp toàn quốc. 

Danh đã ấp ủ giấc mơ xây dựng một Ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Theo lời khai của Danh, bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài, Danh nghĩ rằng mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín của bà Sáu Phấn là mua các bất động sản đang thế chấp trong ngân hàng. 

Khi Danh trả 3.600 tỷ đồng cho bà Sáu Phấn và không được giải chấp các bất động sản, thì Danh mới biết mình bị lừa. 

Nếu quan điểm này là đúng thì Danh quả tình đã quá ngờ nghệch không khác gì chàng ngốc đi mua vịt trời trong chuyện năm xưa.

Cổ phần ngân hàng là của cổ đông. Khoản vay là tài sản của ngân hàng. Tài sản thế chấp dùng bảo đảm cho khoản vay. Chàng ngốc đi mua vịt trời cũng không thể nhầm tưởng rằng mua cổ phần là mua tài sản đang thế chấp trong ngân hàng.

Bên cạnh đó, chính Phạm Công Danh, Phan Thành Mai lập đề án cơ cấu Ngân hàng Đại Tín dựa trên những thông tin công khai. Danh đã biết kết quả thanh tra Ngân hàng Đại Tín tháng 7/2012. Chính Phan Thành Mai ký báo cáo tài chính năm 2013 của Ngân hàng Xây Dựng. 

Danh, Mai biết rõ thực trạng tài chính của Ngân hàng Đại Tín trước khi mua. Nếu bà Sáu Phấn có sai phạm, thì so về số tiền, thủ đoạn, Phạm Công Danh cũng vẫn là “bậc thầy” của bà Sáu Phấn. 

Không thể nào bà Sáu Phấn lừa nổi Phạm Công Danh.

Chăm sóc khách hàng hay chăm sóc chính mình?

Một hình ảnh Phạm Công Danh “cao thượng” đã được khắc họa khi “xả thân” vì ngân hàng. Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Danh mua cổ phần của bà Phấn vì ngân hàng, tăng vốn điều lệ vì ngân hàng, chăm sóc khách hàng vì ngân hàng.

Do đó, Danh lập hợp đồng khống để rút tiền cũng vì ngân hàng, rút tiền vay trái quy định cũng vì ngân hàng...

Bản chất sự việc rất đơn giản, kinh doanh ngân hàng hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng là vì lợi nhuận riêng của chính cá nhân mình, muốn có ngân hàng thì phải có cổ phần, muốn có cổ phần thì phải có tiền. 

Để có tiền, Danh đã rút từ chính ngân hàng. Danh mua cổ phần của bà Sáu Phấn là vì mục đích cá nhân của chính mình. 

Ngay cả khi Danh “cao thượng” cho rằng tôi vì ngân hàng thì pháp lý, đạo lý cũng buộc phải hiểu rằng anh mua cổ phần cho chính anh là vì anh.

Không chỉ mua cổ phần, Danh đã rút tiền Ngân hàng chi tiêu riêng và chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh hàng ngàn tỷ sử dụng không rõ mục đích, trả nợ của Danh đã vay trước đó.

Với chiêu bài chăm sóc khách hàng, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã “né” tội danh chiếm đoạt tài sản một cách tài tình. 

Hồ sơ vụ án và thực tế phiên tòa cho thấy Phạm Công Danh, Phan Thành Mai không biết được tổng số tiền phải chăm sóc khách hàng là bao nhiêu, cách thức theo dõi thế nào, nguồn tiền lấy từ đâu, hiện các thông tin này được lưu trữ ở đâu? 

Số tiền Danh, Mai khai chi chênh lệch 4%/năm cho nhóm Trần Ngọc Bích là 2.500 tỷ đồng, tương ứng với số tiền gửi 62.000 tỷ đồng?! 

Có lời khai Danh, Mai lại nêu chênh lệch 4% là tính theo tháng, điều này có nghĩa mức chênh lệch là 48%/năm, kể cả khoản lãi tiền gửi 10%/năm thì Danh, Mai trả lãi tiền gửi cho khách hàng 58%/năm?!

Đây đúng là điều không tưởng!

Trong phần bào chữa, ngoài việc nhấn mạnh Phạm Công danh phải dùng tiền riêng chi lãi ngoài, luật sư Phan Trung Hoài nêu việc chi lãi ngoài là phổ biến, đồng thời dẫn chứng vụ án Huyền Như, Bầu Kiên.

Trên thực tế, vụ Huyền Như, bầu Kiên xảy ra vào thời điểm 2009 – 2011. Vụ án đã điểm danh hàng chục ngân hàng huy động vượt trần lãi suất. 

Tháng 8/2012, bầu Kiên bị bắt. Cùng với các giải pháp bình ổn thị trường, không ngân hàng nào huy động lãi suất vượt trần sau đó nữa.

Khách hàng được chăm sóc là ai, hàng ngàn tỷ đi đâu? Phạm Công Danh nhập nhèm chăm sóc khách hàng chỉ nhằm trốn tội chiếm đoạt tài sản với số tiền này. 

Phạm Công Danh đã dùng hàng ngàn tỷ đồng tự chăm sóc chính mình? Số tiền này đã đi đâu?

Đây là một trong những đại án được Ban chống tham nhũng Trung ương giám sát, chỉ đạo rất chặt chẽ. Các luật sư có quyền đưa ra các ý kiến của mình để bào chữa cho các bị cáo theo pháp luật.

Nhưng thiết nghĩ các ý kiến này nên phù hợp với sự thật khách quan, tránh làm dư luận hiểu nhầm về chính sách của Đảng và Nhà nước, mất niềm tin vào các cơ quan tư pháp. 

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã khẳng định việc truy tố Phạm Công Danh là đúng người, đúng tội!

Video: Tuyên án đại án tham nhũng nghìn tỷ ở ngân hàng Agribank

(Nguồn: giaoduc.net.vn)
Bình luận
vtcnews.vn