Liên quan tới tới Tờ trình về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tại buổi thảo luận tổ chiều 28/5, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Đồng Nai) đánh giá Dự án Luật vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Đơn cử như trường hợp một số tội phạm nước ngoài mà nổi lên là vụ tội phạm ấu dâm Anh vẫn được phép nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam. Ông Hạ đề xuất phải nghiên cứu chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc các loại tội phạm lợi dụng Việt Nam để tiếp tục hành vi phạm tội của mình.
Về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đề cập trong tờ trình, ông Hạ cho rằng quy định còn chưa chặt chẽ.
"Với những kẻ phạm tội, tham nhũng, vi phạm khuyết điểm, khi có dấu hiệu đang ở trong quá trình xử lý, điều tra nhưng chưa có quyết định khởi tố, luật phải quy định ngăn chặn thế nào? Ví dụ như trường hợp của Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, hay vụ Vũ 'nhôm' trốn hụt và thậm chí là cả giám đốc Nhật Cường Mobile", ông Hạ nhấn mạnh.
Theo ông Hạ, điều này có thể liên quan tới quyền công dân nhưng khi đã có luật xuất nhập cảnh thì phải có quy định để ngăn chặn, ngăn ngừa các trường hợp như vậy.
"Nếu như được, Luật phải hạn chế được những đối tượng đó về quyền công dân trong việc xuất cảnh", vị đại biểu Đồng Nai nhấn mạnh.
Về việc gắn chíp điện tử lên hộ chiếu, ông Hạ đề xuất việc liên thông con chíp này với chứng minh nhân dân, căn cước để mỗi công dân có một mã công dân. Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội đặt dấu hỏi về việc liệu gắn chíp lưu trữ dữ liệu cơ sở cá nhân vào hộ chiếu có phù hợp không. Ví dụ, trong trường hợp mất hộ chiếu, các thông tin này có bị lộ, lọt ra ngoài hay không.
Tại phiên họp chiều nay ở Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân được thực hiện theo các văn bản dưới luật là chưa phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật có nội dung liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân như: Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật này để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013.
Hơn nữa, từ thực tế yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và triển khai Đề án sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đã được Thủ tướng phê duyệt, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên, để vừa tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh.
Việc xây dựng dự án Luật trên cơ sở cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh và kiểm soát xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp và bổ sung những quy định mới để đáp ứng với sự phát triển của đất nước, tháo gỡ những phát sinh trong thực tế.
Bình luận