Trạm thu phí T2 cùng với rất nhiều trạm BOT trên cả nước bị liệt vào danh sách đặt sai vị trí gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Đã có nhiều hình thức phản đối các trạm này như dùng tiền lẻ, tiền mệnh giá lớn trả phí, dừng xe gây ùn tắc…
Vì nhiều lý do, rất ít người chọn đấu tranh bằng con đường pháp lý là giải pháp bảo vệ quyền lợi. Và những bức xúc vẫn chưa khép lại dù người không sử dụng dịch vụ vẫn phải nộp tiền phi lý.
Trách nhiệm lớn thuộc về Bộ GTVT
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng khoa Tài chính đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển) nhìn nhận có nhiều tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT đang hoạt động rất tốt mà không bị dư luận phản đối. Ở đó, người dân có quyền lựa chọn giữa việc trả phí để đi đường mới hoặc sử dụng đường cũ chạy song song.
Với quyết định đặt trạm thu phí T2 ở vị trí hiện tại, người dân bị tước mất quyền căn bản này.
Ở đây khó có thể truy trách nhiệm của doanh nghiệp. Họ đề xuất vị trí đặt trạm dựa trên tính toán về lưu lượng phương tiện và số năm khai thác để đảm bảo phương án tài chính (thu hồi vốn). Điều này dẫn đến xu hướng doanh nghiệp luôn chọn đặt trạm ở vị trí có lưu lượng giao thông lớn nhất có thể.
Bộ GTVT, bên cạnh việc đáp ứng đề xuất của doanh nghiệp, còn phải tính toán kỹ vị trí đặt trạm để không gây bức xúc cho người dân. Trong trường hợp của trạm thu phí T2, Bộ GTVT được giao thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Cần Thơ về vị trí đặt trạm thu phí.
"Việc để trạm này đặt sai vị trí có phần trách nhiệm lớn của Bộ GTVT trong công tác thẩm định, phê duyệt", tiến sĩ Bình nhìn nhận.
Trước làn sóng phản đối BOT của người dân, ông Bình cho rằng Nhà nước phải sòng phẳng, không thể giải quyết sai lầm của mình bằng cách đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư hay người dân.
"Nếu dời trạm sang vị trí khác để thỏa mãn người dân thì Nhà nước phải chi tiền bù đắp việc sụt giảm doanh thu cho doanh nghiệp, hoặc cho phép tăng thời gian thu phí. Dù chọn phương án nào thì nó cũng cho thấy rõ hậu quả của việc phê duyệt sai vị trí đặt trạm", ông Bình nói.
Cùng quan điểm, khi phát biểu trước Quốc hội ngày 30/5, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) đã đề nghị Bộ GTVT nghiêm túc nghiên cứu phương án xử lý theo nguyên tắc “đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu” hoặc di dời trạm.
“Các cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đã ra quyết định đặt sai vị trí thì phải chịu trách nhiệm, kể cả chi phí di dời”, ông Phong nhấn mạnh.
Có thể khởi kiện quyết định đặt trạm BOT
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP.HCM), người dân hoàn toàn có thể khởi kiện Bộ GTVT ra tòa nếu có căn cứ chứng minh Bộ phê duyệt vị trí đặt trạm thu phí T2 gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật sư Bình sẵn sàng giúp người dân thảo đơn cho vụ kiện này.
Tại Việt Nam, chuyện một cá nhân khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước không còn lạ lẫm kể từ khi Luật Tố tụng hành chính ra đời. Mỗi năm ở Hà Nội và TP.HCM có khoảng 2.000 vụ án hành chính, trong đó nhiều vụ người dân kiện lên đến lãnh đạo cấp bộ.
"Người dân có thể thu thập những cuống vé hoặc bất kỳ chứng cứ nào chứng minh cho việc không sử dụng BOT mà vẫn phải trả tiền. Sau đó, thực hiện quyền kiến nghị, quyền khiếu nại đến Bộ GTVT để yêu cầu dỡ bỏ trạm thu phí và bồi thường thiệt hại do việc cho phép xây dựng trạm thu phí gây ra", ông chia sẻ.
Bộ GTVT phải có trách nhiệm trả lời kiến nghị và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Nếu quá thời hạn Bộ vẫn không trả lời hoặc trả lời không thỏa đáng thì người dân có thể khởi kiện ra tòa hành chính.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015 không cho phép người dân khởi kiện tập thể. Do đó, mỗi người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp (không sử dụng sản phẩm nhưng phải trả tiền) có quyền tạo ra một vụ kiện để tòa án thụ lý.
"Nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân được giao thẩm quyền thương lượng, ký kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT gây ảnh hưởng đến người dân", ông Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết án phí khởi kiện vụ án hành chính (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) hiện nay là 300.000 đồng, không phân biệt cấp nào ban hành quyết định hành chính bị kiện.
"Để tòa thụ lý đơn khởi kiện, trước đó người khởi kiện phải thực hiện trình tự khiếu nại đối với quyết định đặt trạm thu phí BOT theo Điều 7 Luật Khiếu nại. Nếu người khởi kiện chưa tuân thủ đúng trình tự khiếu nại thì tòa án có quyền từ chối thụ lý", ông Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế, luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng việc khởi kiện hành chính này sẽ rất khó khăn bởi quá trình kiện sẽ rất phức tạp, kéo dài do liên quan đến nhiều ban ngành, tổ chức. Người khởi kiện sẽ phải thực hiện nhiều công việc có thể nói là quá sức đối với họ.
"Đi 300 m nhưng phải trả phí cho toàn tuyến hàng chục cây số" - đó là nguyên nhân chính khiến người dân địa phương phản đối gay gắt trạm thu phí T2 (quốc lộ 91, Cần Thơ) hơn một tuần qua.
Theo thống kê của Hiệp hội vận tải ôtô An Giang, hơn 7.000 phương tiện của tỉnh này phải trả phí tại trạm T2 để đi Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống. Lưu lượng phương tiện qua cầu Vàm Cống về TP.HCM rất lớn, thiệt hại về tài chính đối với người dân và doanh nghiệp là không nhỏ.
Trong đơn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành liên quan, Hiệp hội vận tải ôtô An Giang khẳng định trạm thu phí T2 đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo đó, việc thu phí để nâng cấp đường, bù đắp chi phí sửa chữa giữa chủ đầu tư và chủ phương tiện là quan hệ dân sự. Quan hệ dân sự thì cần tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên. Đằng này, chủ đầu tư hoàn toàn tước quyền được thỏa thuận của các chủ phương tiện.
Các chủ phương tiện từ tỉnh An Giang đi Kiên Giang hoặc TP.HCM không thụ hưởng “dịch vụ công” thì không phải trả phí, hay nói cách khác là Trạm thu phí T2 thu phí trái với quy định của luật Phí, Lệ phí 2015 và trái với các nguyên tắc cơ bản của xã hội.
Bình luận