• Zalo

Phải 'mổ xẻ' bộ máy Nhà nước, tránh 'đánh bùn xuống ao'

Thời sựThứ Năm, 24/05/2012 01:26:00 +07:00Google News

(VTC News) – ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng bộ máy điều hành chính sách đang bất cập với sự phát triển của đất nước, theo đó, phải “mổ xẻ” bộ máy Nhà nước...

(VTC News) – Nhiều ĐBQH cho rằng, con số trong báo cáo chỉ nói lên thành quả chứ không phản ánh được chất lượng, những cái đạt được thì người dân vẫn đang bức xúc.

Thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 - sáng nay (24/5) tại Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, nhiều ĐB chưa hài lòng với báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH mà Chính phủ trình Quốc hội.

ĐB Nguyễn Minh Quang thẳng thắn cho rằng báo cáo của Chính phủ đưa ra vẫn còn “màu hồng”, theo đó, báo cáo Chính phủ chưa nêu rõ được vai trò kiểm soát của Chính phủ với ngân hàng và bất động sản.

Ví dụ, tại TP.HCM và nhiều khu đô thị tại Hà Nội đều thấy nguồn cung quá lớn, trong khi với những chính sách quy định hiện nay thì tự nhiên giá thành 1m2 nhà tự tăng, người dân có nhu cầu không mua được nhà mà DN thì hấp hối.

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Ảnh: Kiều Minh) 
ĐB Quang kiến nghị các địa phương cũng phải quản lý dự án sao cho khi cấp ra thị trường vừa đủ hoặc có vượt thì cũng ở mức cho phép, tránh tình trạng vốn xã hội đổ vào BĐS nhiều quá.

Đồng tình với ĐB Quang về những thông tin trong báo cáo về KTXH của Chính phủ là “màu hồng”, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, những con số nêu trong báo cáo chỉ nói lên thành quả nhưng lại không phản ánh được chất lượng thực tế. “Cái ta đạt được thì người dân vẫn đang bức xúc vì nó” – ĐB Quyền nói.

ĐB Quyền nhận định, bộ máy điều hành chính sách đang bất cập với sự phát triển của đất nước, theo đó, phải “mổ xẻ” bộ máy Nhà nước – đây là điều quan trọng mà nếu không làm rõ thì “đánh bùn xuống ao”, bởi rất nhiều sự việc tổ chức thực thi pháp luật kém nhưng lại đổ cho cơ chế, chính sách.

“Ví dụ vụ Tiên Lãng hoàn toàn không phải do chính sách mà là do cách tổ chức thực thi pháp luật. Như vậy, cần phải đánh giá đúng hiệu quả, trách nhiệm của bộ máy nhà nước trên cả lĩnh vực hoạch định chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện chính sách” – ĐB Quyền nói.

ĐB này cũng nêu cách đây hơn 2 năm đã nói trước Quốc hội việc hàng trăm quỹ tín dụng là bất hợp lý – đến nay hàng chục nghìn DN đứng bên bờ phá sản thì các ngân hàng lãi suất vẫn cao, “sống nhởn nhơ như không” bởi các DN cho biết lãi suất hạ chả thấy đâu, mà vốn cũng không tiếp cận được.

ĐB Quang dẫn chứng chính bản thân từng bị “giật mình” với việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp.

ĐB Nguyễn Đình Quyền và nhiều ĐB khác tán thành với đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế nhưng cho rằng nếu không có tiêu chí rõ ràng và bước đi chặt chẽ thì đề án sẽ phản tác dụng.

Gói kích cầu, giãn thuế, giảm thuế… nếu không minh bạch sẽ lại tạo ra cơ chế xin cho, lại “chạy” gói cứu trợ, dẫn đến “anh chết cứ chết, anh khỏe cứ khỏe thêm” và sẽ tạo ra các cú sốc mới cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Thảo luận ở góc độ khác, ĐB Đào Trọng Thi cũng đồng tình với các chỉ tiêu Chính phủ đưa ra, nhưng theo ĐB Thi, chủ yếu là số lượng trong khi chất lượng thì đáng lo ngại.

Ví dụ về giáo dục chỉ nêu tuyển được bao nhiêu học sinh sinh viên, về y tế chỉ nêu có bao nhiêu người được khám chữa bệnh, bao nhiêu người được bảo hiểm y tế, lao động việc làm chỉ đưa bao nhiêu người có việc…

“Cần phải có chỉ tiêu về số lượng nhưng cũng cần kèm theo tiêu chuẩn, chất lượng. Ví dụ, chăm sóc y tế như thế nào, số người được chăm sóc nhưng theo tiêu chuẩn nào, có bao nhiêu học sinh sinh viên được học trong trường tiêu chuẩn, bao nhiêu người có việc làm đảm bảo đời sống (chứ không phải việc làm thời vụ)…

Phải thế mới thực sự phát triển, nếu chỉ thiên về số lượng thì ta sẽ đi theo con đường ngược lại” – ĐB Thi nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Ảnh: Kiều Minh) 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng nêu dẫn chứng cho thấy “màu hồng” trong báo cáo của Chính phủ, theo ĐB Khánh, vì sao cha mẹ học sinh lại đẩy đổ cổng trường học? (trường Tiểu học thực nghiệm Hà Nội) phải chăng vì quá sợ hãi đóng tiền học cho con ở các trường khác?!

Theo đó, “đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần xem xét những chủ trương chính sách đã đi vào cuộc sống chưa? Không nên cứ mải đi vào làm kinh tế mà quên đi các mặt khác trong đời sống” – ĐB Khánh nói.

ĐB Nguyễn Đình Quyền ví dụ, một thạc sỹ than phiền lương chỉ đủ trả cho “osin” nhưng vẫn phải đi làm để duy trì nghề nghiệp, duy trì vị trí công tác.

Hay chính bản thân ĐB Quyền cũng chật vật với đồng lương nên phải “kiếm thêm” thu nhập bằng việc đi dạy thêm, viết bài…“Như vậy hỏi làm sao có đủ tâm huyết, trí tuệ để hoạch định chính sách?”

Theo đó, phải có cơ chế lương thỏa đáng cho cán bộ công chức, để làm sao sinh viên ra trường phải lao vào làm Nhà nước, tránh tình trạng không xin được ở đâu mới xin vào làm Nhà nước! “Đề nghị khẩn trương xem xét ngay về chế độ lương – đó không chỉ là đời sống của cán bộ công chức mà là sự đúng đắn của hệ thống” – ĐB nói.

Kiều Minh


Bình luận
vtcnews.vn