Bởi lẽ từ tháng 3/2017 tới nay, đã có quá nhiều ý kiến về sai phạm trong xây dựng của tập đoàn này gắn với tên tuổi của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản. Sau khi thanh tra dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) của tập đoàn, cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra.
Chỉ riêng ở Hà Nội, theo lời tướng Khương, đã có tới 12 dự án xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh bị cho là mắc nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức thanh tra vi phạm trong các dự án của Mường Thanh ở 21 tỉnh, thành trên cả nước và gửi kết luận sang Bộ Công an.
Những sai phạm có tính hệ thống xảy ra trong một thời gian dài như vậy mà bây giờ mới đặt ra việc khởi tố là điều đáng để suy nghĩ đối với việc áp dụng pháp luật và sự liêm chính của hệ thống công quyền.
Sự mẫn cán của các cán bộ trật tự xây dựng ở đâu khi những sai phạm của người dân thì nhanh chóng phát hiện, xử lý, còn những sai phạm tày đình của đại gia thì lại không thấy hoặc thấy nhưng không xử lý dứt khoát và dần dà cho hợp thức hóa?
Khởi tố Mường Thanh vì những sai phạm có tính hệ thống, vì vậy là yêu cầu phải hướng tới nếu muốn pháp luật giữ được tính nghiêm minh và tạo cho xã hội thói quen thượng tôn luật pháp. Mặt khác, khởi tố Mường Thanh thì công chúng mới có niềm tin vào sự liêm chính của công quyền. Công chúng sẽ tin rằng không có sự “bảo kê” của bất cứ cán bộ công quyền cấp nào đối với những sai phạm mà lẽ ra phải xử lý từ lâu.
Hẳn nhiên sẽ có nhiều ý kiến cho rằng dù gì thì những khách sạn Mường Thanh, những dự án xây dựng của tập đoàn này đã trở thành điểm nhấn về hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư. Và sở dĩ những sai phạm ấy xảy ra một phần do những quy định cởi mở về thu hút đầu tư…
Thế nhưng có một nguyên lý bất di bất dịch rằng: Các quy định dù có bất hợp lý đến đâu nhưng khi còn hiệu lực thì phải được tuân thủ. Điều này không miễn trừ cho bất cứ cơ quan, tổ chức và cá nhân nào. Tất nhiên, trong khi tuân thủ thì các cơ quan, tổ chức có thể kiến nghị để sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
Đem nguyên lý này soi rọi vào vụ việc của Mường Thanh từ Nam chí Bắc sẽ thấy khó có thể bỏ qua trách nhiệm của chính quyền các cấp ở các địa phương mà Mường Thanh sai phạm. Dùng từ “bảo kê” có thể là hơi quá trong thu hút đầu tư nhưng việc chính quyền không thực thi pháp luật nghiêm minh chính là hệ quả của liêm chính không có chỗ đứng trong hành pháp. Lợi ích thu được cho một địa phương khi làm ngơ những sai phạm của Mường Thanh chắc chắn xung đột với lợi ích chung về một nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang cần.
Mường Thanh và cả những cán bộ làm ngơ hay tiếp tay cho Mường Thanh sai phạm từ Nam đến Bắc phải bị chế tài ở mức cao nhất. Làm vậy để mọi người luôn tin rằng dù bất cứ lý do gì thì pháp luật cũng phải được thượng tôn nhằm bảo đảm lẽ công bằng.
Bình luận