• Zalo

Phái đoàn của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đến Viettel trao đổi lĩnh vực ICT

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 26/02/2019 19:06:00 +07:00 Google News

Phái đoàn của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đến Viettel trao đổi kinh nghiệm, bàn cơ hội hợp tác về lĩnh vực Viễn thông, CNTT, nghiên cứu sản xuất vào ngày 28/2 trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Từ ngày 27-28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

Đây là sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu của các quốc gia, người dân ở khu vực cũng như quốc tế vì liên quan đến hoà bình ở khu vực, tới trực tiếp 2 quốc gia và những vấn đề mà các nước quan tâm nhiều năm qua.

Qua hội nghị này, Việt Nam cũng muốn tăng cường vai trò của mình và chính cộng đồng ASEAN trong cộng đồng quốc tế, mong muốn giới thiệu những thành tựu về quá trình đổi mới toàn diện nhiều thập kỷ qua. 

Phái đoàn của Chủ tịch Kim Jong-Un sẽ đến Viettel trao đổi kinh nghiệm, bàn cơ hội hợp tác về lĩnh vực Viễn thông, CNTT, nghiên cứu sản xuất vào ngày 28/2 trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. 

Nguồn tin của ICTnews cho hay phái đoàn của Chủ tịch Kim Jong-Un sẽ đến Viettel trao đổi kinh nghiệm, bàn cơ hội hợp tác về lĩnh vực Viễn thông, CNTT, nghiên cứu sản xuất vào ngày 28/2 trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.  

Hiện Viettel là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, thiết bị viễn thông, CNTT.

Ngày 21/2/2019, Hiệp hội di động Thế giới (GSMA) công bố danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới đã triển khai thành công NB-IoT, trong đó Viettel là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam nằm trong danh sách này.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2018, Viettel đã kích hoạt thành công 30 trạm phát sóng đầu tiên cùng nền tảng (platform) cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ NB-IoT tại Hà Nội. Với sự kiện này, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng IoT thương mại. Toàn bộ hệ thống hạ tầng và nền tảng cho IoT của Viettel sẽ sẵn sàng cung cấp cho khách hàng vào nửa đầu năm 2019.

Theo kế hoạch, Viettel sẽ hoàn thành phủ sóng NB-IoT toàn bộ tại Hà Nội và TP.HCM trong quý I/2019 trước khi từng bước đầu tư diện rộng trên toàn quốc và các thị trường nước ngoài.

Viettel đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa hạ tầng CNTT và chuyển đổi tất cả các ứng dụng CNTT lên nền tảng điện toán đám mây (Cloud), triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng, sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.

Viettel cũng đầu tư 5 Data Center đúng chuẩn Tier 3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc. Về CNTT, Viettel đã và đang triển khai xuyên suốt các hệ thống CNTT theo hướng thông minh hơn, tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng các công nghệ mới như Bigdata, AI, VR… bao gồm các hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng, hệ thống ERP, hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, hệ thống tri thức khách hàng...

Mới đây, Viettel đã thành lập Công ty An ninh mạng theo đề án tái cơ cấu. Đây là đơn vị được giao trực tiếp nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể để đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, đáp ứng các thách thức của chuyển đổi số, bao gồm: Giải pháp bảo mật và an toàn thông tin tổng thể cho IoT và các phần mềm, ứng dụng CNTT; Giải pháp giám sát an toàn thông tin thông minh trên Cloud, có thể triển khai với quy mô quốc gia, cho các tổ chức lớn.

Đối với lĩnh vực Công nghiệp - Công nghệ cao, Viettel tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm cho mạng lưới cung cấp dịch vụ số như: mạng lõi ảo, trạm vô tuyến 5G, các loại sensor, các thiết bị có nhúng sensor IoT, các sản phẩm AI,…

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Viettel tin tưởng rằng người Việt Nam có đủ khả năng tự chủ nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị hạ tầng viễn thông để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia và sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Viettel đặt mục tiêu và tin tưởng sẽ làm chủ nghiên cứu sản xuất thành công toàn bộ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông theo xu thế công nghệ mới, trong đó sẽ làm chủ thiết bị BTS 5G trước năm 2021. Sự tin tưởng này của Viettel xuất phát từ năng lực và kinh nghiệm tích lũy của Tập đoàn, năng lực sáng tạo và tính cần cù của con người Việt Nam, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như sự đồng hành của Chính phủ cùng với các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Chiến nói.

Ông Nguyễn Đình Chiến cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông, Viettel đã làm chủ được việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hạ tầng viễn thông giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới của Viettel và của quốc gia. Trong đó, đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất toàn bộ quá trình từ các thiết bị mạng truy nhập cho đến thiết bị mạng lõi của mạng viễn thông 4G và đưa vào triển khai trên mạng lưới của Viettel cả trong và ngoài nước.

Đối với hệ thống tính cước OCS, Viettel đã đưa hệ thống này với dung lượng 90 triệu thuê bao di động, cố định tại thị trường Việt Nam và triển khai ở 9 thị trường Viettel đã đầu tư với tổng dung lượng hơn 50 triệu thuê bao, đây là dấu ấn mang tầm quốc tế, khẳng định sản phẩm Viettel có thể may đo cho từng thị trường, từng khách hàng. Những thành công này chứng tỏ người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được toàn bộ quá trình nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm viễn thông công nghệ cao, không bị phụ thuộc vào bên ngoài.

(Nguồn: ictnews.vn)
Bình luận
vtcnews.vn