• Zalo

Phá cửa, cưỡng chế người dân đi test COVID-19: Mục đích đúng, cách làm sai

Tin nhanh 24h Thứ Tư, 29/09/2021 11:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều ý kiến cho rằng việc phá cửa vào nhà cưỡng chế người phụ nữ đi test COVID-19 ở Bình Dương là trái luật.

Từ tối qua (28/9), khi đoạn clip ghi lại cảnh lực lượng chức năng gồm dân phòng, công an, cảnh sát cơ động... phá cửa một căn hộ, sau đó xông vào khóa tay người phụ nữ kéo đi test COVID-19 đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. 

Đoạn clip này được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội chỉ sau vài giờ xuất hiện. Dưới phần bình luận, hầu hết các ý kiến đều cho rằng hành động của lực lượng chức năng trong trường hợp này rất phản cảm, đặc biệt là trước sự chứng kiến của trẻ em (con của người phụ nữ trong clip). Nhiều người thắc mắc, dù việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 là cần thiết, tuy nhiên trong trường hợp này có đúng với trình tự pháp luật không?

Vụ việc được xác nhận xảy ra tại chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương.

Trả lời VTC News tối 28/9, ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy, trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú cho biết, người phụ nữ trong clip là chị H.T.P.L. (38 tuổi).

Theo báo cáo của Ban quản lý chung cư, chị L. 2 lần trước đã không đi lấy mẫu và lần thứ 3 chị cũng không chịu xuống test. Khi đó ông đang cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch ngoài đường và sau khi nghe tin báo, ông Quan cùng đoàn công tác đã đến chung cư vận động chị này xuống test nhưng chị cương quyết không ra và khóa cửa không hợp tác.

"Đoàn đứng đợi 15 phút mà không thấy chị ra, tôi mới nói anh em nào có biết thợ mở khóa không thì kêu lại để hỗ trợ mình mở cửa vận động chị ra. Ở đây mới có 2 ca dương tính phát sinh trong cộng đồng mà chị trốn test đã 2 lần, đến nay cũng 10 ngày rồi, nếu không may chị bị dương tính thì sẽ ảnh hưởng đến bản thân chị và ảnh hưởng đến cả khu vực này", ông Quan nói.

Bí thư thành phố Thuận An lên tiếng

Sáng 29/9, trả lời VTC News, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An cho biết, bà đã yêu cầu phường Vĩnh Phú báo cáo, giải trình cụ thể.

Theo bà Phương, sự việc xảy ra tại chung cư Ehome 4 nằm trong hoạt động công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố và tỉnh Bình Dương.

"Sau khi báo chí phản ánh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thuận An đã yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú có báo cáo giải trình về vụ việc", bà Phương nói.

Bí thư Thành ủy Thuận An khẳng định, trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch COVID-19, tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường trong công tác phòng chống dịch.

Về clip cưỡng chế xuất hiện trên mạng xã hội, bà Phương cho hay, phía thành phố đã được xem, còn nguyên nhân dẫn đến hành động đó thì cần phải xem xét các khía cạnh, có thông tin cụ thể mới đưa ra kết luận được.

"Quan điểm của thành phố là cần phải nghe giải trình lý do vì sao buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người dân như vậy. Sau đó, Thành ủy mới có cơ sở để xử lý, nội dung nào anh em ở phường làm đúng thì khẳng định đó là đúng, sai sẽ có hình thức xử lý phù hợp", bà Phương khẳng định.

Bí thư Thành ủy Thuận An cho biết, qua báo cáo ban đầu, được biết chị H.T.P.L. đã ít nhất 3 lần không chịu ra lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Danh sách test COVID-19 cộng đồng của phường Vĩnh Phú nhiều lần không có tên chị. "Chúng tôi yêu cầu việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng thì bắt buộc 100% dân số phải ra test, như vậy mới đảm bảo làm sạch F0 trong cộng đồng được", bà Phương nói.

Dự kiến, chiều nay hoặc sáng mai (30/9), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thuận An sẽ họp để nghe báo cáo giải trình về vụ việc, khi có kết luận chính thức sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.

Cán bộ đang làm sai luật

Sáng 29/9, trả lời VTC News, luật sư Hà Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, chưa cần xét sâu xa, nhưng trước mắt có thể thấy ngay hành động của lực lượng chức năng trong clip trên không đúng luật.

Phá cửa, cưỡng chế người dân đi test COVID-19:  Mục đích đúng, cách làm sai - 1

Dân phòng, công an, cảnh sát cơ động... phá cửa căn hộ của chị L.

"Trước tiên, chỉ nhìn thôi là biết sai rồi. Vì người thi hành công vụ như cán bộ y tế, cảnh sát, dân phòng... luật đã quy định rõ ràng. Còn bây giờ, không có một văn bản pháp luật nào cho phép anh tới phá cửa, khống chế bắt một người dân đang ở trong nhà đi xét nghiệm, chưa kể là không có văn bản cưỡng chế. Nên việc này rõ ràng là sai", luật sư Hà Hải nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Hà Hải, trong trường hợp này cũng có thể xem xét những yếu tố khác, vì đây là hành vi được thực hiện trong vùng dịch bệnh, với mục đích không để dịch bệnh lây lan. Tuỳ vào độ cấp thiết, mục đích đưa người đó đi để xét nghiệm cấp bách ra sao để xem xét vấn đề.

"Việc buộc đi xét nghiệm có thể là đúng, mục đích làm có thể là đúng, nhưng cách thức thực hiện rõ ràng là sai", luật sư Hà Hải nhấn mạnh.

Hiện một thực trạng đang diễn ra không chỉ ở Bình Dương mà cả TP.HCM, đó là việc lấy mẫu xét nghiệm đang được thực hiện quá "máy móc". Có nơi, 3 ngày liên tục người dân đều được yêu cầu đi lấy mẫu.

Đơn cử, tại chung cư Marina Tower (phường Vĩnh Phú, thuộc địa bàn xảy ra sự việc trong clip), cư dân cho biết, có tuần họ được yêu cầu đi lấy mẫu 4 lần. Vô lý hơn, có những lần lấy mẫu liên tục, không cách ngày.

Hôm qua (28/9), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. 

Tại khu nhà trọ ở phường Bình Hoà (TP Thuận An), khi thấy lực lượng y tế đang thực hiện hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu test nhanh COVID-19, Phó Thủ tướng đã phê bình tại chỗ về việc lãng phí vật tư y tế.

Phó Thủ tướng cho rằng, một phòng trọ chỉ nên lấy mẫu 1 người đại diện, bởi vì nếu 1 người nhiễm thì chắc chắn cả nhà cũng sẽ bị lây nhiễm. Việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng đông người sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người dân, gây tốn kém chi phí để mua bộ kít test nhanh.

"Đã cho người dân tự test thì đâu nhất thiết phải yêu cầu họ đeo bao tay để tự lấy mẫu, như vậy là lãng phí vật tư y tế, kinh phí...

Nếu một gia đình có 3 người, mỗi người một tháng phải test nhanh 10 lần, cộng cả 3 người thì mỗi tháng phải lấy mẫu xét nghiệm 30 lần. Như vậy chi phí để mua thiết bị test nhanh tốn ít nhất 6 triệu đồng để test cho 1 gia đình... Vậy tại sao chúng ta không cho lấy mẫu đại diện cho từng gia đình để giảm bớt chi phí?", Phó Thủ tướng nói.

Thy Huệ - Thế Quang
Bình luận
vtcnews.vn