Dù mới được thành lập nhưng Vicas Art Studio đã gây được sự chú ý của giới mỹ thuật và công chúng yêu tranh ở Hà Nội. Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Bùi Quang Thắng, giám đốc nghệ thuật của Vicas Art Studio, người chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển và lên kế hoạch nội dung cho trung tâm này.
- Thưa ông, sao lại gọi tên trung tâm là Vicas Art Studio?
Thực ra, trung tâm này có tên chính thức là “Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại” (theo quyết định của của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vicas-Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), nhưng chúng tôi cần một cái tên giao dịch ngắn hơn, dễ nhớ và ấn tượng hơn nên đã chọn tên này để tiện lợi trong truyền thông cũng như giao dịch quốc tế.
- Có thể coi đây là một trung tâm của nhà nước. Vậy nó khác gì với những đơn vị nhà nước tương tự như các trung tâm triển lãm chẳng hạn?
Về mặt tổ chức là của nhà nước, tuy nhiên về kinh phí lại hoạt động theo cơ chế tự chủ. Có thể nói đây là trung tâm nghệ thuật của nhà nước đầu tiên có chức năng nghiên cứu và hỗ trợ cho những thử nghiệm và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Đó chính là sự khác biệt đầu tiên và căn bản.
Thông thường, các trung tâm khác của nhà nước phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị nhất định (ví dụ như làm các trưng bày nghệ thuật nhân lễ kỷ niệm nào đó), thì Vicas Art Studio chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu, phát hiện, hỗ trợ những khuynh hướng, những tác giả nghệ thuật đương đại.
Ngoài ra, trung tâm không chỉ là nơi tổ chức các triển lãm mà còn có những hoạt động khác như nghiên cứu xu hướng của thực tiễn nghệ thuật đương đại trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tổ chức các workshop nghệ thuật (quốc tế và trong nước), mở các lớp tập huấn về phê bình, tuyển chọn nghệ thuật đương đại, hình thành mạng lưới nghệ sĩ đương đại Việt Nam và kết nối họ với các nghệ sĩ quốc tế.
Cũng đã có nhiều người nói vui rằng tôi đang làm “cò” nghệ thuật, tôi cho rằng, nếu làm được điều đó thì cũng rất tốt cho sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam.
PGS. TS Bùi Quang Thắng
- Có nghĩa là không nên hiểu Vicas Art Studio như một Gallery và ông không hẳn là một “cò” tranh ?
Ở các triển lãm đầu tiên mà chúng tôi hỗ trợ, các họa sĩ cũng bán được tranh và điều đó là rất tốt cho họa sĩ và cho cả trung tâm trong việc phát triển một lớp khách hàng nghệ thuật mới. Tuy nhiên, giữa triễn lãm của trung tâm và các gallery cũng có sự khác biệt. Các gallerry giới thiệu hàng hóa nghệ thuật là chính, còn chúng tôi giới thiệu nghệ sĩ là chính.
Nói cách khác, mục đích chính của chúng tôi không phải là lợi nhuận, mà là giới thiệu, cổ súy cho những thử nghiệm, những sáng tạo nghệ thuật mới, có xu hướng đương đại.
Cũng đã có nhiều người nói vui rằng tôi đang làm “cò” nghệ thuật, tôi cho rằng, nếu làm được điều đó thì cũng rất tốt cho sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam vì ta đang thiếu những người, những tổ chức như thế. Tuy nhiên, tham vọng của chúng tôi còn nhiều hơn thế, đó là “cò” nghệ sỹ: phát hiện, thúc đẩy những nghệ sỹ tiềm năng thành những tên tuổi mới.
- Vậy trong vào nguồn thu nào để trung tâm có thể hoạt động, vì theo tôi hiểu thì trung tâm không nhận được kinh phí hoạt động từ nhà nước?
Đó là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi sẽ phải đối diện. Hiện nay việc gây quỹ chẳng hề dễ dàng chút nào, cũng có những đối tác sẵn sàng hợp tác nhưng họ đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu và như thế trung tâm sẽ bị mất định hướng nghệ thuật của mình nên chúng tôi chưa thể hợp tác.
Tôi nghĩ thế này, trước khi nghĩ đến việc có kinh phí chúng tôi cần phải gây dựng thương hiệu của mình đã, sao cho các nghệ sỹ tin tưởng, thấy được lợi ích khi hợp tác với chúng tôi và yêu mến chúng tôi thì chính họ sẽ là nguồn lực dồi dào nhất có thể hỗ trợ lại cho trung tâm.
- Từ khóa quan trọng đối với trung tâm này là “nghệ thuật đương đại”, ông có thể nói ngắn gọn quan niệm về nghệ thuật đương đại của ông?
Một khái niệm đang còn gây tranh cãi ngay cả ở những nước phát triển thì không thể tóm tắt nó trong một vài câu. Tuy nhiên, tôi có thể nói ngắn rằng: Có hai hệ hình thẩm mỹ, một là của những loại hình nghệ thuật từ nghệ thuật hiện đại (modern art) trở về trước, một khác là nghệ thuật hậu hiện đại (postmodernism). Những sáng tạo nghệ thuật hướng đến những tư tưởng, những tiêu chí của nghệ thuật hậu hiện đại chính là nghệ thuật đương đại.
- Xin cảm ơn ông.
Video: Xôn xao triển lãm ảnh khoả thân đầu tiên tại Việt Nam
Bình luận