• Zalo

PGS Văn Như Cương tung đề Văn hài hước

Giáo dụcThứ Hai, 14/04/2014 07:28:00 +07:00Google News

(VTC News)- Trước những tuyên bố về đổi mới ra đề thi môn Ngữ Văn, PGS Văn Như Cương đã thiết kế một dạng đề hài hước, phê phán nhẹ nhàng cách làm của Bộ GD-ĐT

(VTC News)- Trước những tuyên bố về đổi mới ra đề thi môn Ngữ Văn, PGS Văn Như Cương đã thiết kế một dạng đề hài hước, phê phán nhẹ nhàng cách làm của Bộ GD-ĐT.

Dù mới chỉ được đưa lên mạng ngày 13/4 nhưng đề Văn hài hước của thầy Văn Như Cương đã có hơn 1.000 lượt yêu thích và hàng trăm lượt bình luận.

PGS Văn Như Cương (nguyên hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã sáng tạo câu hỏi kiểm tra phần đọc hiểu, trích dẫn phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương chia sẻ một đề Văn hài hước khiến dân mạng thích thú 
“Sắp đến ngày thi tốt nghiệp THPT, học sinh và thầy cô giáo hoang mang vì kiểu ra đề thi mới cho môn Ngữ văn mà Bộ GD-ĐT cương quyết áp dụng. Trong đề thi sẽ có phần đọc hiểu chiểm từ 30% đến 50%.

Sau đây tôi xin nêu một ví dụ về câu hỏi kiểm tra phần đọc hiểu .

Câu 1. Xem đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi: Trước những lo sợ về việc ra đề theo kiểu mới sẽ khiến đa phần giáo viên không đủ năng lực chấm được bài văn của học trò, ông Hiển (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) ví von “Qua sông thì phải luỵ đò, chưa qua đã sợ có ngày chết oan”…

“Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu” - ông Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn (nguồn Vietnamnet).

Câu hỏi : 1. Đoạn văn trên thuộc thể loại gì ?

2. Câu ví von “Qua sông………chết oan” có phải là thơ lục bát hay không?

Anh /chị hãy sửa một vài từ để nó trở thành câu thơ lục bát mà không thay đổi nguyên ý.

3. Trong câu ví von trên, cái gì được ví với “sông”, cái gì được ví với “đò”, điều gì được ví với “chết oan”?

4. Anh/chị hiểu câu “chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu” như thế nào? Cái gì tiếp cận mục tiêu?

5. Hãy tìm trong văn bản một câu có cấu trúc so sánh và bình luận ngắn gọn về câu so sánh đó!”.

Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đề Văn này đã được rất nhiều thành viên chú ý, thậm chí còn thử sức trả lời câu 2: “Qua sông thì phải lụy đò. Chưa qua đã sợ, chỉ trò chết oan!”.

PGS Văn Như Cương cho biết: “Đây là cách tôi thể hiện sự phê phán nhẹ nhàng với việc làm đột ngột của Bộ GD-ĐT. Việc Bộ quyết tâm đổi mới phương pháp ra đề thi môn Ngữ văn để tránh cách học cũ là rất hay. Nhưng đến thời điểm này Bộ mới công bố thì quá gấp gáp”.

Hiện tại nhiều học sinh, thậm chí là giáo viên còn chưa nắm được thông tin này dù kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã sắp đến gần.

Thầy Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD-ĐT nên để sang năm đổi mới sẽ hợp lý hơn. Như vậy, giáo viên và học sinh đều thoải mái tâm lý và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần. Từ đó, học sinh lớp 10, 11 cũng phải sẽ thay đổi cách học và tập làm đề theo hướng mới.

Nhiều học sinh khi gửi ý kiến về báo điện tử VTC News cũng tỏ ra hoang mang, lo lắng với cách ra đề mới của Bộ GD-ĐT. Những học sinh này mong muốn những thay đổi trong cách ra đề thi môn Văn nên được thực hiện từ năm sau để các em có thời gian để chuẩn bị tâm lý.

“12 năm chúng em học Văn theo cách cũ thì tạo sao chỉ còn hơn 1 tháng là đến kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT lại bắt chúng em phải đổi mới. Như vậy là không công bằng với chúng em”, bạn đọc Khánh Huyền tâm sự.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn