• Zalo

PGS Hà Đình Đức: Bảo quản xác 'cụ' rùa Hồ Gươm đang là vấn đề nan giải

Thời sựChủ Nhật, 06/03/2016 06:38:00 +07:00Google News

PGS.TS Hà Đình Đức nói về phương pháp bảo quản xác "cụ" rùa Hồ Gươm mà theo ông là tối ưu nhất.

(VTC News) – PGS Hà Đình Đức nói về phương pháp bảo quản xác "cụ" rùa Hồ Gươm. 

Gần 2 tháng sau khi rùa Hồ Gươm chết, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là xác rùa sẽ được bảo quản ở đâu và phương pháp bảo quản như thế nào.

Sau nhiều cuộc họp UBND TP Hà Nội cùng các ban ngành liên quan vẫn chưa thể thống nhất vị trí trưng bày, phương pháp bảo quản.
Hình ảnh rùa hồ Gươm trong một lần nổi lên phơi nắng. Ảnh do PGS Hà Đình Đức cung cấp.
Hình ảnh rùa hồ Gươm trong một lần nổi lên -  Ảnh do PGS Hà Đình Đức cung cấp. 

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PGS Hà Đình Đức, người hơn 20 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm.

Theo GS Đức, xác cụ rùa Hồ Gươm hiện đang được bảo quản trong nhà lạnh ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, tuy nhiên đây chỉ là phương án tạm thời.

“Rùa Hồ Gươm là di sản của Việt Nam, gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Chính vì vậy, cần phải được bảo quản ở địa điểm hợp lý để người dân tham quan. Tuy nhiên, làm thế nào để xác "cụ" rùa được bảo quản lâu dài là vấn đề nan giải vì chưa thể thống nhất được phương pháp nào là tối ưu nhất”, nhà "rùa học" cho biết.
PGS - TS Hà Đình Đức trao đổi cùng phóng viên
PGS  Hà Đình Đức trao đổi cùng phóng viên 
Về phương pháp bảo quản xác cụ rùa, bản thân ông đã từng đề xuất lên lãnh đạo TP Hà Nội nên để ở đền Ngọc Sơn, bảo quản bằng phương pháp làm tiêu bản khô. Đề xuất của ông được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, lãnh đạo thành phố.

"Nên được lưu giữ ở đền Ngọc Sơn là hợp lý nhất. Vì đền Ngọc Sơn là một phần của Hồ Gươm, đây là nơi ở của "cụ rùa" nên khi đưa xác về đây sẽ phát huy được những giá trị văn hóa, lịch sử, niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Video: Xác rùa Hồ Gươm được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên


"Còn phương án bảo quản theo cá nhân tôi nên làm tiêu bản khô giống như "cụ" rùa đang được bảo quản ở đền Ngọc Sơn. Bởi vì trước đây "cụ" rùa đền Ngọc Sơn được bảo quản bằng phương tiêu bản khô. Mặc dù làm bằng phương pháp thủ công, kỹ thuật chưa được tiên tiến như bây giờ nhưng đến nay đã hơn 50 năm vẫn nguyên dạng. Mặt khác, phương pháp này vừa không quá phức tạp, vấn đề chi phí không đáng lo", PGS Hà Đình Đức cho hay.

Ông Đức cho rằng, việc bảo quản khô là rất khó bởi vì kích thước của "cụ" rùa quá lớn, mặt khác hiện nay Việt Nam chưa có công nghệ để làm.

Còn phương pháp bảo quản ướt (hóa chất) dù giữ nguyên được hình thái ban đầu, không bị biến dạng nhưng không được nhiều sự chấp thuận.

Theo PGS Hà Đình Đức, việc sử dụng phương án nào trong ba phương án trên còn nhiều tranh luận. Việc quyết định phương án cuối cùng sẽ được chốt vào cuộc họp diễn ra thời gian tới.

Trước đó, "cụ rùa" được phát hiện chết vào khoảng 16h30 ngày 19/1/2016 ở phía gần đường Lê Thái Tổ. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp ngay sau đó và thống nhất phương án chuyển xác cụ rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để chờ thống nhất vị trí trưng bày, phương án bảo quản hợp lý nhất.

Quang Hải – Ngọc Thắng
Bình luận
vtcnews.vn