• Zalo

PGS Bùi Mạnh Nhị, tác giả của nhiều cuốn sách Ngữ văn qua đời

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 05/04/2023 12:32:24 +07:00Google News

PGS Bùi Mạnh Nhị từng là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM xác nhận với VietNamNet, PGS Bùi Mạnh Nhị, nguyên hiệu trưởng nhà trường, qua đời sáng nay, sau thời gian chống chọi với bệnh nặng. 

PGS Bùi Mạnh Nhị sinh ngày 21/2/1955, quê ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, ngành Văn học, ông công tác tại Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

PGS Bùi Mạnh Nhị, tác giả của nhiều cuốn sách Ngữ văn qua đời  - 1

PGS Bùi Mạnh Nhị.

Sau đó, ông tiếp tục học cao học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, chuyên ngành Văn từ năm 1978 - 1980. Từ năm 1985, ông làm Phó Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Nga vào năm 1992. Từ năm 1996 - 1999, ông đảm nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP.HCM và đảm nhiệm chức hiệu trưởng của trường này từ năm 1999-2007. 

Từ 2007 – 2015, PGS Bùi Mạnh Nhị làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT. Từ 2015 đến 2019, ông làm Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước...

Trong sự nghiệp giáo dục của mình, PGS Bùi Mạnh Nhị đã có nhiều tác phẩm xuất bản như: Sen Tháp Mười, Giáo trình Văn học dân gian, tập 2, Ca dao Dân ca Nam Bộ, Truyện cười dân gian Nam Bộ...

Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh như: Văn học dân gian Những tác phẩm chọn lọc; Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 từ năm 2006 đến năm 2020; Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 7 từ năm 2006 đến năm 2020;  Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 10 nâng cao từ năm 2006 đến năm 2020.

Nhận xét về PGS Bùi Mạnh Nhị, GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết ông là một người thầy đáng kính, có tư duy định hướng thể hiện rõ tầm nhìn và chiến lược của một nhà sư phạm. Ông có phong thái làm việc nho nhã; quyết liệt nhưng mềm mại…

"Những ý tưởng, định hướng, kế hoạch phát triển trường, ngành của PGS Nhị cho thấy tính dự báo và điểm rơi khá phù hợp. Sự gắn kết và tâm huyết của ông luôn là điểm tựa quan trọng cũng như là trách nhiệm ngầm mà mỗi thế hệ của trường Đại học Sư phạm TP.HCM đều trân quý và thực hiện", GS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn