Sau khi hoàn thiện nghiên cứu cải tiến chữ viết "Tiếw Việt" và công bố phần 2, PGS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông - đã thử nghiệm thực tế công trình của mình với tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Những câu thơ mở đầu của tác phẩm được viết theo chữ mới như sau:
"Căm năm cow kõi wười ta,
Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau.
Cải kua một kuộk bể zâu,
Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw".
"Dịch" hơn 3.000 câu trong Truyện Kiều ra trong 99 trang giấy, ông Hiền cho biết đây là cách thử xem mình mất bao lâu để luyện kỹ năng thuần thục khi viết chữ.
Video: PGS Bùi Hiền công bố toàn bộ đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt
Mở đầu bản dịch, PGS Bùi Hiền giới thiệu rằng chỉ cần 10 đến 15 phút học thuộc các chữ cái mới của 10 âm vị sau là đọc được Truyện Kiều phiên bản cải tiến.
Đó là: Ch, tr = c /chờ/; đ = d /đờ/; ph = f /phờ/; c,k,q = k /cờ/; nh = nh /nhờ/ (tạm thời); th = q /thờ/; s, x = s /sờ/; ng, ngh = w /ngờ/; kh = x /khờ/; d, gi, r = z /dờ.
PGS Bùi Hiền chia sẻ Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam, ông cũng như rất nhiều thế hệ người dân đều tâm đắc và yêu thích tác phẩm này.
Ông không muốn phổ biến Truyện Kiều theo chữ cải tiến, mà chỉ coi đây là cách luyện tập, chứng tỏ việc chuyển thể sang chữ viết mới không hề gặp khó khăn nào cả.
“Kỹ năng được viết bằng tay khác với gõ máy nên tôi cần đến ngày thứ hai mới quen được chữ viết do chính mình sáng tạo ra", PGS Hiền nói.
Ông khẳng định chữ viết mới truyền tải chính xác nội dung Truyện Kiều, không phá vỡ giá trị nguyên bản, tư tưởng thẩm mỹ của truyện.
“Truyện Kiều ban đầu được viết bằng chữ nôm, sau đó mới chuyển sang chữ quốc ngữ như hiện nay. Tôi muốn chuyển sang chữ cải tiến, các giá trị về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi”, PGS Hiền nói.
Ông cho biết sẽ in 20 bản Truyện Kiều để gửi người thân, bạn bè, lấy ý kiến xem văn bản có giá trị thực tế để đưa vào sử dụng hay không?
Để thực hiện văn bản này, ông viết liên tiếp trong 10 ngày, mỗi ngày 10 giờ.
Trước đó, cuối năm 2017, PGS.TS Bùi Hiền công bố 2 phần nghiên cứu về cải tiến chữ quốc ngữ.
Phần một nêu đề xuất cải tiến phụ âm, bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.
Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n' để biểu đạt.
Phần thứ hai về nguyên âm, bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
Nghiên cứu của ông đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều gay gắt trên mạng xã hội.
PSG.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho hay việc cải tiến chữ viết tiếng Việt là ý kiến của một nhà ngôn ngữ học, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học.
Nghiên cứu của PGS Bùi Hiền có luận cứ riêng, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt. Đó là nhà giáo, nhà khoa học nghiêm túc, tâm huyết.
Bình luận