Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) khẳng định không hề có ý định dừng nghiên cứu cải cách chữ viết tiếng Việt như một số thông tin trước đó.
PGS Bùi Hiền cũng cho biết sau khi chuyển thể xong “Truyện Kiều” sang chữ cải cách, hiện ông sẽ tiếp tục chuyển thể nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác của Việt Nam sang chữ cải cách.
Cụ thể hiện nay ông Hiền đang chuyển thể tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và sẽ công bố trong thời gian gần đây.
'Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu chữ viết'
- Có thông tin cho rằng ông tuyên bố dừng nghiên cứu cải cách chữ viết tiếng Việt, thực hư chuyện này thế nào?
Tôi khẳng định là tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu chứ không dừng đâu. Tin họ đưa ra trên mạng là tin bịa đấy. Hiện nay tôi vẫn tiếp tục làm đây, cho nên cái tin đấy là không đúng đâu.
Qua đây tôi cũng nhờ báo chí giúp tôi đăng tin cải chính, đó là tôi vẫn đang nghiên cứu chứ không dừng lại.
Cho đến giờ phút này, công trình nghiên cứu của tôi đã tương đối hoàn chỉnh. Công việc còn lại hiện nay là tôi phải đi xử lý những chuyện góp ý của người này người khác, đại ý là chỗ nào mà mình có thể tiếp thu được, sửa được hoặc bổ sung thì mình sửa và bổ sung vào cho hoàn chỉnh thêm.
Tôi còn đợi bao giờ xong thì sẽ gửi hội đồng khoa học nhà nước hoặc là cơ quan khoa học chính thức nào đó, rồi tôi sẽ tiếp tục phát biểu chính thức, vì bây giờ cũng chưa có gì mới cả. Tôi cũng đang cân nhắc chuyện sẽ gửi công trình đi đâu.
Cho nên khi người nào đó nói rằng tôi không cải chính tiếng Việt nữa thì đó là thông tin không chính xác.
- Khi thực hiện công việc của mình, ông có cảm thấy phải chịu quá nhiều áp lực từ dư luận?
Tôi chịu áp lực nhiều chứ. Trên mạng người ta còn viết cáo phó tôi. Trên mạng thì các bạn biết rồi, phần nhiều là ý kiến nhố nhăng, họ a dua thôi. Họ lăng mạ, xúc phạm tôi rất nhiều.
Thực ra không phải chỉ riêng cá nhân tôi đâu, mà từ trước đến nay đã có nhiều người bị xúc phạm, lăng mạ như tôi rồi. Họ làm thế là vi phạm pháp luật đấy.
Cá nhân tôi có thể khởi kiện họ nhưng mà tôi không làm, hãy để báo chí lên tiếng thay tôi. Nhưng dù sao, hành vi xúc phạm người khác như thế tôi cho rằng phải xử lý nghiêm.
Những lời lẽ không hay ho trên mạng xã hội như thế đã làm cho môi trường không gian mạng bị xấu đi rất nhiều. Tôi thì chẳng có thời gian để mà lên mạng xã hội, nhưng mà các con các cháu, rồi bạn bè tôi xem rồi có nói lại với tôi và các con các cháu, bạn bè tôi cũng đã lên tiếng thay tôi rồi. Tôi nghĩ báo chí cũng cần phải lên tiếng về việc này.
- Được biết vừa qua ông đã chuyển thể tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang chữ cải cách, việc chuyển thể này có đem lại lợi ích gì không?
Thực ra giá trị của công trình nghiên cứu của tôi rất lớn đấy, có điều nhiều người không chịu tìm hiểu nên cứ phê phán tôi. Các bạn cứ nghiên cứu thử xem tôi nói có đúng không.
Bây giờ tôi chỉ tính lại cái chuyện chuyển đổi “Truyện Kiều” từ chữ quốc ngữ sang chữ cải cách, tính ra lợi được 15% chứ không phải là 8% như lần trước tôi công bố đâu.
Tức là nó đã rút ngắn được 15% về không gian hay là về góc độ vật lý, cụ thể tức là về ký tự và cả giấy nữa.
Ví dụ, khi tôi chuyển thể sang chữ cải cách, tôi chỉ cần dùng phụ âm “z”, rất nhanh gọn, tiện lợi. Trong khi đó, nếu viết theo chữ quốc ngữ, phải lựa chọn xem trước nguyên âm đó phải là phụ âm “d” hay ‘r” hay “gi”, nghĩa là rất lâu và loằng ngoằng. Đôi khi lại còn phải tra từ điển nữa, mất rất nhiều thời gian.
Mà trong thời đại công nghệ 4.0 này thì tiết kiệm dung lượng, công sức, giấy mực, thời gian có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong công việc, chỉ cần thiết kiệm được 1% thôi đã là quý lắm rồi mà bây giờ lại còn tiết kiệm đến tận 15% thì phải nói là lợi rất là lớn. Và tôi cũng khẳng định luôn là cái này chưa có một cái nơi nào, một ai đó làm được như tôi mà có năng suất lao động trong một ngày mà đạt được 15% như thế cả.
Video: PGS Bùi Hiền chuyển Truyện Kiều sang 'Tiếq Việt' cải tiến
- Sau “Truyện Kiều”, ông có ý định chuyển thể những tác phẩm văn học nào của Việt Nam từ chữ quốc ngữ sang chữ cải cách nữa không?
“Truyện Kiều” thì tôi đã chuyển thể xong rồi, bây giờ tôi chỉ xem xét xử lý một số tác phẩm khác nữa. Cụ thể là xem giá trị trước và sau chuyển thể nó như thế nào, có vướng mắc gì về mặt chuyển đổi hay không. Đến nay thì tôi chưa thấy có cái gì vướng mắc cả, tỷ lệ ký tự được giảm xuống rất nhiều.
Sau “Truyện Kiều”, tôi sẽ tiếp tục chuyển thể các tác phẩm khác. Vừa rồi tôi cũng đã chuyển thể xong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn sang chữ cải cách rồi.
Sắp tới tôi sẽ đăng tải toàn bộ tác phẩm đã chuyển thể lên trang cá nhân của tôi, lúc đó ai muốn đọc thì vào đọc. Tôi làm công khai, minh bạch chứ tôi không có gì giấu cả.
'Nên bỏ chữ quốc ngữ hiện nay'
- Có thể thấy, liên quan đến công trình nghiên cứu của ông, có những ý kiến phản đối từ chính những người có chuyên môn sâu về ngôn ngữ chứ không chỉ thuần túy là “cư dân mạng”. Ý kiến của ông thế nào về việc này?
Nghiên cứu về cải cách tiếng Việt thì phải nói từ trước nay là có nhiều lắm rồi, nhưng vấn đề là phải có phương pháp tiếp cận như thế nào đó để giải quyết vấn đề.
Cũng có nhiều người từng đưa ra các quan điểm, đề xuất cải cách, rồi thì cách này cách kia, nhưng tôi cho rằng cách của tôi đang làm hiện nay là hiệu quả, chỉ thế thôi.
Còn nói về trình độ trình độ chuyên môn thì cũng rất vô cùng. Tôi lấy ví dụ như ý kiến phê phán tôi của nhiều người trên mạng hiện nay, thì họ rất là kém. Kém vì họ không có trình độ chuyên môn sâu về ngôn ngữ để có thể hiểu và có thể tìm kiếm cái mới.
Họ phê phán, họ chửi mắng, họ mạt sát là họ a dua thôi, kiểu nói theo phong trào để cho vui thôi.
PGS Bùi Hiền
Họ phê phán, họ chửi mắng, họ mạt sát là họ a dua thôi, kiểu nói theo phong trào để cho vui thôi.
Một số nữa thì thực ra là những người thực sự có trình độ chuyên môn về ngôn ngữ. Nhưng họ lại e ngại, thêm vào đó nhiều khi họ cũng chưa đọc kỹ công trình của tôi mà họ chỉ đọc thoáng qua và họ nghĩ bây giờ chữ viết ổn định thế này rồi, còn nghiên cứu, còn gây thêm rắc rối làm gì nữa.
Bởi vì tôi không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng và thực hiện công trình nghiên cứu cải cách chữ quốc ngữ. Bởi thế mà giới nghiên cứu ngôn ngữ sẽ cho rằng bao nhiêu người đòi cải cách rồi song có làm được đâu, và tôi thì có lẽ cũng thế thôi.
Vì giữ quan điểm và góc tiếp cận như thế nên họ không biết đến giá trị thực sự từ công trình nghiên cứu của tôi đang làm.
- Ông vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng chữ quốc ngữ hiện nay cần phải cải cách?
Tất nhiên là phải cải cách. Không chỉ cải cách mà chữ quốc ngữ hiện nay còn cần phải thay đổi. Nên bỏ chữ quốc ngữ hiện nay, vì nó tồn tại rất nhiều những hạn chế.
Đương nhiên khi mà có một cái gì mới thì cái cũ phải thay đổi hoặc mất đi. Nhưng phải xem cái mất ấy là đem lại lợi ích hay là có hại. Tôi cho rằng cái mất ấy đem lại lợi nhiều hơn.
Giữ chữ quốc ngữ hiện nay làm gì khi mà chính bản thân nó mắc đầy lỗi. Đứng trước một nguyên âm có đến cả hàng chục phụ âm, rườm rà lê thê như thế thì giữ làm gì, nên bỏ.
Tôi cho rằng chúng ta cần phải mạnh dạn bỏ hệ thống chữ quốc ngữ hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Bình luận