• Zalo

PGĐ viện Nhi: Ngành y nên công nhận dịch sởi

Sức khỏeThứ Hai, 14/04/2014 04:42:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, ngành y tế nên công nhận có dịch sởi.

(VTC News) - Đã có 25 trẻ tử vong do sởi từ đầu năm đến nay, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, ngành y tế nên công nhận có dịch sởi.


Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 25 ca tử vong do sởi biến chứng, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, con số này bất thường.

Tính đến ngày 13/4, cả khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TW có 220 bệnh nhân bị sởi biến chứng nặng và 25 ca tử vong do sởi biến chứng, 8 ca đang phải thở máy.

sởi
 
Trước con số này, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, không thể dừng lại ở con số 25 trẻ tử vong do sởi. Thời điểm này, ngành y tế nên công nhận có dịch sởi.


“Đã đến lúc ngành y cần phải công bố dịch sởi và nhìn nhận đúng dịch bệnh để người dân cảnh giác trước căn bệnh dễ lây lan, nguy hiểm”, PGS.TS. Phạm Nhật An nói.

Ông An cho biết, dịch sởi hiện nay vẫn chưa lắng xuống do tốc độ lây lan nhanh chóng. Mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận gần 20 bệnh nhi bị sởi. Các bác sĩ đã phải di chuyển, nhường phòng cho bệnh nhân.

Chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đông như thời điểm hiện tại.

Dù bệnh viện đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi nhưng số giường bệnh vẫn không xuể. Bệnh viện còn sử dụng thêm 15-20 giường ở Khoa Cấp cứu cho bệnh nhi mắc sởi.

Năm nay, dịch sởi diễn biến khá đặc biệt, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng.  Khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, nhiều trẻ chưa xác định có bị sởi hay không đã biến chứng viêm phổi. Dù các bác sĩ đã dùng kháng sinh ngay từ đầu để điều trị cho trẻ mắc sởi nhưng trẻ vẫn tử vong.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều phụ huynh đưa trẻ ra hành lang nằm vì sợ lây sởi. Chị Nguyễn Thị Ngân (Sơn Tây) lo lắng vì con mắc sởi ngay tại bệnh viện.

Chị Ngân kể: Cách đây 1 tháng, bé Tuấn Anh khi đang điều trị bệnh tim. Lúc đó, chị nghe có dịch sởi nên đã rất cẩn thận. Chị Ngân không ngờ, ngày cháu Tuấn Anh ra viện cũng là ngày cháu nhiễm sởi. Sức khỏe cháu bé ngày càng xấu, toàn bộ phim chụp phổi trắng xóa. Bé thở máy cả tuần nhưng vẫn không tiến triển.

Bên cạnh giường bệnh của bé Tuấn Anh, chị Nguyễn Thị Lan cũng không giấu được nỗi lo lắng khi đứa con trai 6 tháng tuổi mắc sởi đang phải thở oxy.

Chị Lan kể, cách đây 5 ngày, con chị bị sốt, viêm phế quản. Chị cho con nhập viện điều trị được 1 ngày đã lây bệnh. Xót con, chị Lan biết tự trách mình để con lây bệnh từ bệnh viện.

Ông  Phạm Nhật An cho biết,  trẻ đã từng điều trị hoặc đến khám tại Viện Nhi Trung ương bị lây sởi là điều không tránh khỏi.

Bệnh sởi có tốc độ lan rất nhanh, khoảng 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là những trẻ có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vắcxin phòng ngừa đầy đủ. Người lớn cũng có thể bị sởi nếu cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh.


PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh trong bệnh viện có thể xảy ra. Tại Khoa, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang, trước phòng bác sĩ vì sợ lây sởi.

Để hạn chế bệnh lây lan, bác sỹ khuyến cáo nên hạn chế vào thăm người bệnh, nếu ra về cần khử trùng bằng cách tắm giặt sạch sẽ, thay quần áo mặc vào viện, nhỏ nước muối sinh lý vào họng, mũi, … để sát khuẩn. Virus sởi có thể sống trong môi trường bình thường từ 3-4 giờ đồng hồ.

» 200.000 trẻ sẽ được tiêm vaccine sởi
» Đã 3 trẻ tử vong, Hà Nội quyết dập nhanh dịch sởi
» 'Trời độc', bệnh hiểm phát tác
» 3 người chết vì sởi, làm sao phòng tránh?
» Dịch sởi tấn công người Hà Nội
» Nhiều trẻ bỏ tiêm vaccine, bệnh sởi bùng phát

Kiến Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn