• Zalo

PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra con số đáng sợ về trẻ mắc kháng kháng sinh

Sức khỏeThứ Năm, 21/09/2017 14:25:00 +07:00Google News

"Khám sàng lọc bệnh nhi nhập viện có được cấy phân thì có tới 30% các em có mang vi khuẩn kháng kháng sinh trong phân", PGS.TS Trần Minh Điền - PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

Kháng kháng sinh đang là một trong những vấn đề y tế nghiêm trọng trên toàn cầu, Việt Nam đã đưa ra Kế hoạch chương trình hành động Quốc gia về phòng chống kháng thuốc và đây vấn đề được Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan hết sức quan tâm.

"Khám sàng lọc bệnh nhi nhập viện có được cấy phân thì có tới 30% các em có mang vi khuẩn kháng kháng sinh trong phân", PGS.TS Trần Minh Điền – PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

Theo ông Điền, mỗi ngày, Bệnh viện Nhi tiếp nhận 30.00 đến 4.000 bệnh nhân, trong đó có tới hơn 100 ca nặng phải thở máy, hơn 200 ca phải thở oxy và 70 - 80 ca tăng tĩnh mạch trung tâm.

Những bệnh nhi này được chuyển tới từ khắp các bệnh viện và địa phương trên cả nước, nên tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại viện nhi đang ở mức cao.  

PGS_Vien_Nhi

PGS.TS Trần Minh Điền - PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương nói về tình trạng kháng kháng sinh ở bệnh nhi  

Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bởi vấn đề môi trường, thức ăn có nhiều vấn đề liên quan tới dư lượng kháng sinh. Ngoài ra, việc các bậc phụ huynh thường xuyên tự ý mua thuốc để điều trị cho con tại các cửa hiệu thuốc, trong đó có cả kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh như hiện nay.

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện được ghi nhận từ những bệnh nhi chuyển tới các viện khác và ngay cả với bệnh nhi cũng xuất hiện những trường hợp ghi nhận nhiễm khuẩn tại bệnh viện.

Việc nhiễm khuẩn này gây rất nhiều khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh cũng như nhà kiểm soát nhiễm khuẩn trong việc điều trị cho bệnh nhi. Mỗi ngày, các bác sĩ đều phải xác định những ca nhiễm khuẩn để đưa ra những chiến lược điều trị phù hợp.

Để giảm bớt tình trạng này, Viện Nhi liên tục họp bàn để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất đó là kiểm soát nhiễm khuẩn và chiến lược kháng kháng sinh, nhằm giúp gia đình người bệnh trong vấn để kiểm soát nhiễm khuẩn và các y bác sĩ trong chiến lược sử dụng kháng sinh thế nào cho phù hợp với người bệnh.

Video: Việt Nam xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả loại kháng sinh

Tại buổi hội nghị về thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc sáng nay, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các tổ chức quốc tế đã ký kết văn bản thỏa thuận đa ngành về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Trong đó, những mục tiêu được đặt ra bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; tăng cường hoàn thiện giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Cũng tại hội nghị, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong công cuộc phòng chống kháng thuốc trên toàn thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là một trong sáu nước đầu tiên thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành đồng quốc gia về phòng, chống kháng thuốc…

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn