Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức, phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Để thống nhất nhận thức về ý nghĩa, nội dung và tổ chức thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư, ngày 21/8 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW.
Tham dự Hội nghị có hơn 400 đại biểu đến từ các ban, Bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng ủy và các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu bật sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với ngành dầu khí. Hiện nay, bối cảnh và tình hình mới có nhiều thay đổi đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho phát triển ngành dầu khí.
Trước những yêu cầu phát triển mới, trên cơ sở báo cáo Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan xây dựng, ngày 24/4, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới (Kết luận số 76-KL/TW).
Kết luận cũng đưa ra những chủ trương, quyết sách lớn phát huy những tiềm năng, thế mạnh của đất nước nói chung và của ngành dầu khí nói riêng, là những định hướng chỉ đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển ngành dầu khí Việt Nam; tạo động lực mới và mở ra không gian phát triển mới cho ngành dầu khí để ngành dầu khí vượt qua các thách thức, phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - phổ biến và quán triệt những nội dung trọng tâm của Kết luận số 76-KL/TW.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, để tạo thuận lợi cho ngành dầu khí phát triển trong giai đoạn mới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các tập đoàn dầu khí nhà nước.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần quan tâm đến phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, nhất là hạ tầng số gắn với thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ,…
Cuối cùng, ông nhấn mạnh, để các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển ngành dầu khí đi vào cuộc sống, cần đến sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng cần nghiên cứu, nghiêm túc quát triệt đầy đủ, thực hiện triển khai đồng bộ từ thể chế hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan, đồng thời với công tác giám sát, kiểm tra thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận số 76-KL/TW của Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 38/NQ-CP với mục đích thống nhất công tác chỉ đạo các cấp, các ngành trong tổ chức quán triệt các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW và Nghị quyết số 41-NQ/TW, tạo liên thông, đồng bộ và gắn kết với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của của Bộ, ngành và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trình bày Chương trình/Kế hoạch hành động của Đảng ủy Tập đoàn thực hiện Kết luận số 76-KL/TW.
Theo đó, để thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam nhận diện, xác định tác động từ môi trường thế giới và khu vực, những khó khăn, thách thức, đánh giá nguồn lực, từ đó, xác định mục tiêu phát triển, định hướng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành Dầu khí đã được Bộ Chính trị phê duyệt tại Kết luận số 76-KL/TW và Nghị quyết số 41-NQ/TW.
Ông Lê Mạnh Hùng khẳng định, các văn bản, chủ trương, định hướng chiến lược phát triển, đồng thời với hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tạo điều kiện cho ngành Dầu khí Việt Nam/Petrovietnam phát triển chính là cơ hội, điểm tựa để Petrovietnam vượt qua những khó khăn khách quan/chủ quan từ bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước, từ nguồn lực tài chính hiện tại để tự tin thực hiện mục tiêu phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành Tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Đại diện một số Bộ, ngành: Tài chính, Quốc phòng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu trình bày các tham luận về yêu cầu đặt ra và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các cơ quan, đơn vị cần tập trung tổ chức thực hiện những chủ trương, định hướng phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu đánh giá một số thành tựu nổi bật của ngành Dầu khí và các tập đoàn dầu khí Nhà nước, đồng thời phân tích bối cảnh quốc tế và một số tác động chính đến ngành Dầu khí trong thời gian tới, đặc biệt là bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, chúng ta đi sau nhưng đang dẫn trước trên lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu bật những đóng góp to lớn của ngành Dầu khí trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời nhấn mạnh, vai trò của ngành Dầu khí ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bình luận