(VTC News) - Sau khi rà soát bước đầu về kết quả kinh doanh của Petrolimex, Bộ Tài chính xét thấy nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc Tổng Công ty chi trả thù lao cho đại lý, Tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định và nguyên nhân khách quan là tỷ giá ngoại tệ tăng thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn.
Theo công văn số 16086 phát đi tối hôm nay (25/11), Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo kết quả kiểm toán của Deloitte thì kết quả kinh doanh phản ánh trên báo cáo tài chính của Petrolimex qua các năm 2008, 2009, 2010 đều có lãi.
Phần lỗ do chi hoa hồng “quá tay” cho Tổng đại lý, đại lý trong 6 tháng đầu năm 2011 của Petrolimex là 516.168.061.612 đồng.(Ảnh minh họa internet)
Cụ thể, năm 2008: kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 1.018 tỷ đồng; Năm 2009: kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 557 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 3.217 tỷ đồng; Năm 2010: kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 486 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 81 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo quyết toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (gồm văn phòng Tổng công ty và 42 công ty công ty thành viên) kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả kiểm toán này cho thấy, thực chất ngành xăng dầu không lỗ triền miên như các lãnh đạo Petrolimex vẫn than. Thực chất, việc kinh doanh xăng dầu mới chỉ lỗ nhiều vào nửa đầu năm 2011.
Thêm vào đó, trong công văn 16086 Bộ Tài chính đã khẳng định: “Bộ Tài chính xét thấy nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc Tổng Công ty chi trả thù lao cho đại lý, Tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định và nguyên nhân khách quan là tỷ giá ngoại tệ tăng thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn”.
Trong đó, phần lỗ do chi hoa hồng “quá tay” cho Tổng đại lý, đại lý trong 6 tháng đầu năm 2011 là 516.168.061.612 đồng.
Phần lỗ do chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm 2011 là 1.425 tỷ đồng.
Nguồn xăng dầu Tổng công ty cung ứng cho thị trường nội địa từ đầu năm đến 15/9/2011 chủ yếu là nhập khẩu chiếm 75,81% tổng khối lượng nhập khẩu và mua trong nước.
Hiếu Anh
Bình luận