• Zalo

Parkson và chuyện kinh doanh buồn ở các nước châu Á

Kinh tếThứ Bảy, 10/01/2015 01:14:00 +07:00Google News

Lợi nhuận của Parkson liên tục sụt giảm bởi những khó khăn trong hoạt động tại thị trường Malaysia và Việt Nam.

Lợi nhuận của Parkson liên tục sụt giảm bởi những khó khăn trong hoạt động tại thị trường Malaysia và Việt Nam, trong khi hãng tiếp tục phải chi quá nhiều tiền để mở cửa hàng mới.

Đêm ngày 2/1, TTTM Parkson Landmark đã bất ngờ đóng cửa và các gian hàng trong trung tâm này được yêu cầu dọn dẹp ngay trong đêm.

Trong công văn lý giải cho quyết định đột ngột ngày, Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho biết kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra, thậm chí thua lỗ, khiến đơn vị này buộc phải đóng cửa các quầy hàng tại tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Parkson và chuyện kinh doanh buồn ở các nước châu Á
Parkson và chuyện kinh doanh buồn ở các nước châu Á  
Thực tế, việc Parkson không có kết quả kinh doanh khả quan tại thị trường Việt Nam đã không còn là chuyện mới lạ, bởi môi trường bán lẻ không khởi sắc dù nền kinh tế nói chung đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể trong năm 2013 và 2014.

Theo các báo cáo quý gần đây của Parkson, cụm từ "kinh doanh thua lỗ tại thị trường Malaysia và Việt Nam" liên tục được nhắc đi nhắc lại. Cần phải nói thêm rằng dù việc kinh doanh của Parkson Group trải dài tại 6 thị trường chính là Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Sri Lanka, nhưng dường như việc kinh doanh chỉ hiệu quả tại Myanmar và Indonesia, những thị trường có niềm tin tiêu dùng tăng mạnh trong suốt một năm qua.

Website của Parkson tại Malaysia cho biết, hãng đang phục vụ khoảng 100 triệu lượt khách hàng mỗi năm, tạo việc làm cho 90.000 lao động trực tiếp và gián tiếp tại 6 khu vực kinh doanh. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Parkson với khoảng 60 điểm kinh doanh, tiếp theo là Malaysia (với 39 điểm), Sri Lanka (20 điểm), Indonesia (với 14 điểm), Việt Nam (với khoảng 10 điểm) và Myanmar.

Tờ The Sunday Times của Singapore cho biết, trong quý IV của năm tài chính 2014, lợi nhuận ròng của Parkson Group đã giảm khoảng 35,9% so với cùng kì năm 2013. Tính chung trong cả năm 2014, lợi nhuận ròng của tập đoàn giảm khoảng 12,5%, chỉ đạt 34,6 triệu USD, trong khi doanh thu giảm 3%, xuống còn 432 triệu USD. Khi đó, ông Toh Peng Koon - CEO của Parkson - từng nhận định rằng Việt Nam là thị trường khó khăn nhất của tập đoàn này.

3 tháng sau, nhận định này vẫn không thay đổi, khi năm tài chính 2015 của Parkson bắt đầu. Dù hãng vẫn cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách khai thác tốt hơn những thị trường mang lại hiệu suất lợi nhuận cao như Indonesia hay Myanmar, nhưng lợi nhuận ròng của Parkson tiếp tục giảm tới 2 con số, khoảng 33,1%. Mức giảm thực tế trên mỗi cửa hàng là 8,2%, và nếu loại bỏ yếu tố ngoại tệ, thì con số sẽ là 7%.

"Lỗ phát sinh từ việc đầu tư cửa hàng mới, thị trường bán lẻ chưa khởi sắc ở Việt Nam và đồng tiền yếu tại Malaysia là những nhân tố chính dẫn tới kết quả hoạt động yếu kém của Parkson. Lợi nhuận của thị trường Malaysia giảm khoảng 4,4%, trong khi ở Việt Nam là 5,5%", CEO Parkson cho hay.

Thực tế, hoạt động của Parkson không chỉ gặp khó tại Việt Nam hay Malaysia, mà ngay tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, hãng cũng có bức tranh tài chính không mấy tươi sáng.

Lợi nhuận ròng năm 2013 chưa bằng một nửa so với năm 2012, và chỉ bằng 30% so với năm 2011, dù doanh số bán hàng lên cao nhất trong giai đoạn 2009-2013. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của thị trường Trung Quốc, lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 75% so với năm 2013, cho thấy tình hình tài chính không mấy khả quan của tập đoàn này.

Theo zing news
Bình luận
vtcnews.vn