• Zalo

Parkson Paragon đóng cửa: ‘Cái chết’ được báo trước?

Kinh tếThứ Ba, 17/05/2016 06:41:00 +07:00Google News

Trung tâm thương mại Parkson Paragon đóng cửa là “cái chết” được báo trước sau chuỗi ngày vắng bóng khách.

(VTC News) - Trung tâm thương mại Parkson Paragon đóng cửa là “cái chết” được báo trước sau chuỗi ngày vắng bóng khách.

Parkson Paragon đóng cửa

Năm 2009, Trung tâm thương mại Saigon Paragon khai trương trên “đất vàng” ở quận 7, Tp.HCM. Chủ đầu tư tòa nhà là Công ty cổ phần Kim Cương (Paragon Corporation). Paragon Corporation được thành lập bởi hai nhà đầu tư trong ngành thời trang, ẩm thực, mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp hàng đầu Việt Nam - Tập đoàn Khaisilk và Thủy Lộc.

Saigon Paragon được kỳ vọng sẽ mang tới trung tâm mua sắm đẳng cấp cho người dân Tp.HCM. Được đại gia Parkson chú ý, chỉ 2 năm sau ngày khai trương, Saigon Paragon được đổi tên thành Parkson Paragon. Ban đầu, Parkson muốn quảnlý trung tâm này trong 19 năm. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm hoạt động, nhà đầu tư này đã dời đi nơi khác.
Parkson Paragon đóng cửa sau 5 năm hoạt động
Parkson Paragon đóng cửa sau 5 năm hoạt động
Chiều 16/5, Parkson Paragon một lần nữa gây chú ý khi chính thức đóng cửa để các cửa hàng di dời. Công ty TNHH Thùy Dương, đơn vị quản lý trung tâm Parkson Pragon cho biết kế hoạch di dời đã được thông báo với các đối tác kinh doanh tại Parkson Paragon trước 2 tháng và nhận được sự đồng thuận.

Trước khi thông báo với đối tác, Parkson đã sớm có động thái “dọn đường” cho việc đóng cửa trung tâm thương mại từ khá lâu.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Hoàng Khải, chủ đầu tư tòa nhà Paragon, cho biết từ quý III/2015, phía Parkson đã thu hẹp kinh doanh thương mại tại tòa nhà từ 5 tầng xuống chỉ 3 tầng. Tại thời điểm này, phần diện tích trống ông đã ký hợp đồng cho thuê văn phòng.

“Cái chết” được báo trước

Ngay sau khi quản lý Parkson Paragon, Parkson Việt Nam đã rót khá nhiều vốn đầu tư để thiết kế lại hoàn toàn mới trung tâm thương mại này. Nhờ đó, Parkson Paragon thu hút hơn 130 nhãn hàng thời trang trong nước va thế giới. Đi kèm với nó là nhiều dịch vụ ăn uống giải trí chuyên nghiệp. Thời gian đầu, cùng với chuỗi Parkson ở Việt Nam, Parkson Paragon được đánh giá là khá thành công.

Thế nhưng chỉ khoảng 1 năm sau, Parkson Paragon không duy trì được sức hấp dẫn ban đầu. Năm 2012, Pháp Luật Tp.HCM đã phản ánh về tình trạng ế ẩm tại các trung tâm thương mại, trong đó có Parkson Paragon.

Chia sẻ với Pháp Luật Tp.HCM, chị Châu - nhân viên bán hàng của cửa hàng nữ trang C. thở dài: “Năm ngày nay em không bán được một món nào. Mỗi tuần chỉ có khách vào thứ Bảy, Chủ nhật thôi, bán được vài trăm ngàn là mừng. Mấy tháng liền như vậy, có tháng bán nhiều nhất khoảng 8 triệu đồng”.

Mặt bằng to mà doanh số kém khiến ông chủ cửa hàng này treo bảng cho thuê lại mặt bằng. Thế nhưng nhiều tháng ròng vẫn chưa có ai thuê. Chị Châu cho biết cũng có nhiều người đến xem gian hàng nhưng sau khi xem, họ đi vòng quanh xem tình hình khách, thấy vắng vẻ quá nên cũng không hỏi thuê gì nữa.

Kết quả là trong nhiều năm trở lại đây, Parkson Paragon thường xuyên nằm ở vị trí dẫn đầu trong danh sách những trung tâm thương mại ế ẩm nhất Tp.HCM dù sở hữu vị trí đẹp.

Giá thuê đắt đỏ không phải là nguyên nhân gây nên “cái chết” cho Parkson Paragon. Theo các chuyên gia, phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt trong khi Parkson Paragon không chịu đổi mới chính là nguyên nhân dẫn đến hệ quả này.

Doanh nhân Hoàng Khải đã có lý giải cụ thể. Theo ông Khải, người Việt Nam có thói quen mua sắm khác với các nơi khác. Người ta thích mua quần áo, mỹ phẩm tại nơi họ có thể mua cá thịt, dưa cà, mắm muối, hàng tiêu dùng, thậm chí sắm cả điện máy. Ở đó cũng phải có chỗ cho con họ chơi, chồng uống cà phê… Điều này các điểm mua sắm mới đáp ứng rất tốt, hàng hóa lại phong phú và giá cả phù hợp cho nhiều đối tượng tiêu dùng.

Nhưng Parkson Paragon không đáp ứng được thói quen của người tiêu dùng nên việc trung tâm thương mại vắng khách và sớm đóng cửa là điều có thể được dự báo.

Công ty TNHH Thùy Dương, đơn vị quản lý trung tâm Parkson Pragon cho biết việc di dời này của Parkson Paragon sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của các trung tâm mua sắm khác mang thương hiệu Parkson tại Việt Nam. Các trung tâm khác sẽ vẫn được phát triển trong kế hoạch mở rộng của nhà bán lẻ này và sẽ được thông báo vào thời gian tới.

Tuy nhiên, những người am hiểu ngành bán lẻ có lý do để lo lắng cho chuỗi Parkson. Đây không phải lần đầu tiên một trung tâm thương mại mang thương hiệu Parkson phải đóng cửa. Trước đó, ở Hà Nội, Công ty TNHH Parkson Việt Nam đã quyết định dừng hoạt động trung tâm thương mại tại Keangnam do không đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, nhiều trung tâm Parkson cũng rơi vào tình cảnh ế khách. Vì vậy, dư luận hoàn toàn có lý do đã dự báo có thể Parkson sẽ sớm có thêm trung tâm thứ 3 đóng cửa.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn