Ớt chuông được dùng để chế biến thành nhiều món ngon, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Màu sắc đậm đà, tươi rói của ớt chuông cũng là dấu hiệu nó chứa nhiều vi chất dinh dưỡng quý giá, giúp loại quả này có mặt trong các thực đơn lành mạnh, chống lão hóa và ngăn bệnh tật.
Ớt chuông có 3 rãnh hay 4 rãnh ngon hơn?
Một số người gọi những quả ớt chuông có 3 thùy, tạo thành 3 rãnh theo chiều dọc là ớt chuông đực, loại có 4 rãnh là quả cái. Theo họ, quả ớt chuông cái có nhiều hạt nhưng ngọt hơn và ngon hơn khi ăn sống, còn quá ớt chuông đực thì ngon hơn khi nấu.
Thật ra, xét trên quan điểm khoa học thì quả ớt không có giới tính; sự phân biệt này nằm ở hoa. Trên Reuters, James Wong, nhà thực vật học người Anh, cho biết: "Hoa ớt chuông có cả bộ phận đực và cái nhưng quả ớt chuông lại không có giới tính”.
Còn Allen Van Deynze, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học hạt giống và Phó Giám đốc Trung tâm Nhân giống cây trồng tại Đại học California, Mỹ giải thích rằng: “Hoa ớt chuông được gọi là hoa lưỡng tính, có cả phần đực và cái trong cùng một bông hoa. Bản thân quả có nguồn gốc từ bầu nhụy cái (giống như tất cả các loại quả khác) nhưng có sự kết hợp di truyền của bố mẹ và mẹ (DNA) trong hạt của chúng".
Như vậy, ớt chuông đực và ớt chuông cái - phân biệt theo số rãnh trên quả - chỉ là cách gọi dân gian. Nhưng sự thật có phải ớt chuông cái - có 4 rãnh - ngon hơn hay không? Allen Van Deynze cho biết: “Số lượng thùy, rãnh trên quả ớt chuông liên quan đến giống, di truyền và điều kiện trồng trọt. Độ ngọt thường phụ thuộc vào độ chín của ớt, và ớt đỏ sẽ ngọt hơn ớt xanh”.
Theo ông, số thùy, rãnh có trên quả ớt chuông không quyết định mùi vị của nó. Các giống ớt chuông khác nhau sẽ tạo ra số lượng thùy, rãnh khác nhau. Một số giống có hai thùy, trong khi những giống khác có từ ba đến năm thùy. Giống ớt chuông phổ biến nhất ở Mỹ có 4 thùy.
Độ ngon, ngọt của ớt chuông không liên quan đến số lượng thùy có trên quả ớt. Ngoài độ chín, yếu tố này còn bị ảnh hưởng bởi giống cây trồng, đất trồng, thời tiết.
Bất kể ớt chuông có ba hay bốn rãnh, chúng sẽ ngọt hơn khi đủ chín để vỏ trở nên đậm màu, chẳng hạn như xanh đậm, vàng đậm hoặc đỏ đậm. Thế nên, khi chọn mua ớt chuông, bạn nên chọn những quả có chín đậm, lớp vỏ trơn nhẵn, căng bóng, màu sắc tươi tắn và đều.
Phần cuống của quả ớt chuông phải còn tươi mới và bám chắc vào quả, khi cầm quả ớt có cảm giác chắc tay. Không chọn những quả bị mềm nhũn, trên da xuất hiện các vết thâm, nứt nẻ hay mất cuống.
Lợi ích của ớt chuông
Trong bài viết của mình trên báo Sức khỏe & đời sống, TS.BS Lê Thanh Hải cho biết ớt chuông giàu vitamin A, vitamin C và chất dinh dưỡng khác
Ớt chuông xanh cung cấp 551 IU vitamin A cho mỗi 149gr, tương đương 1 chén nhỏ. Ớt chuông đỏ càng có nhiều vitamin này, giúp thị lực khỏe mạnh. Một chén ớt xắt nhỏ có màu bất kỳ cung cấp hơn 100% nhu cầu vitamin C hằng ngày, có tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe của mô tế bào và tăng khả năng miễn dịch.
Ớt chuông cũng cung cấp folate giúp hỗ trợ chức năng của các tế bào hồng cầu, ngăn ngừa một số loại khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi. Loại quả này là nguồn vitamin K rất cần thiết cho chức năng đông máu, và rất giàu kali, giúp tăng cường chức năng cơ bắp và điều hòa huyết áp. Một chén ớt xanh chứa 261mg kali, loại màu đỏ và vàng cung cấp hơn 300mg.
Ớt chuông đỏ giàu phytochemical và carotenoid, đặc biệt là beta-carotene, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.
Các capsaicin trong ớt chuông làm giảm cholesterol xấu, kiểm soát bệnh đái tháo đường, giảm đau và viêm. Chất xơ khá nhiều trong ớt chuông giúp điều chỉnh quá trình tiêu hóa và nồng độ cholesterol.
Lycopene, một loại carotenoid trong ớt chuông đỏ, giúp chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Ớt vàng và cam cũng rất giàu carotenoid, có thể bảo vệ tim mạch.
Các loại ớt chuông đều giàu vitamin E, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho làn da và mái tóc trẻ trung.
Vitamin B6 trong ớt chuông cần thiết cho sức khỏe của hệ thần kinh và giúp tái tạo tế bào. Một số enzyme như lutein bảo vệ mắt chống lại bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Bình luận