• Zalo

Osin nam và chuyện chui gầm giường bệnh viện

Sức khỏeThứ Năm, 04/07/2013 06:29:00 +07:00Google News

(VTC News) - Những osin nam chăm người ốm ở viện nếu kiếm được chỗ ‘đẹp’ là nằm ngay dưới gầm giường nếu không phải trải chiếu nằm ngoài hành lang, ghế đá.

(VTC News) - Những osin nam chăm người ốm ở viện nếu kiếm được chỗ ‘đẹp’ là nằm ngay dưới gầm giường nếu không phải trải chiếu nằm ngoài hành lang, ghế đá.



Nằm gầm giường ở viện

Cảnh đàn ông  đi chăm người ốm thôi thì muôn vàn vất vả. Mỗi người mỗi cảnh, họ lang thang vạ vật ở bệnh viện. Đêm đến, người nằm hành lang, người kiếm được chỗ ‘đẹp’ là nằm ngay dưới gầm giường vợ nằm.

Gặp ông Nguyễn Đức Tuấn (66 tuổi, Quỳ Châu, Nghệ An) bước đi thất thểu mệt mỏi dưới cái nắng như thiêu như đốt ở bệnh viện K (Hà Nội) nhiều người không khỏi ái ngại.

OSIN NAM
Người đàn ông này lễ mễ xách đồ trong bệnh viện
Khuôn mặt hốc hác bơ phờ, hai hốc mắt đen trũng sâu của ông không thể che giấu được những đêm mất ngủ triền miên. Ông kể rằng, năm 2006, trong lần đi khám định kỳ ở bệnh viện tỉnh Nghệ An, bác sĩ phát hiện vợ ông bị bệnh áp huyết cao. Sau đó, 2 năm bà mắc bệnh xơ vữa động mạch tim và rồi 3 năm gần đây lại mắc thêm bệnh ung thư vú.


Kể từ đó, cuộc sống của 2 vợ chồng gần như “định cư” trong bệnh viện.

“Cuộc sống trước đây của tôi cũng không đến nỗi nào, tôi được cái chăm làm, làm không hết việc. Ở nhà, tôi mở cửa hàng ảnh cưới, khách đông lắm, lúc rảnh rỗi thì trồng cây cảnh, bán qua bán lại nên cũng có chút của ăn của để. Những tưởng có chút của nả để dưỡng thân già, ai ngờ hơn 7 năm chữa chạy cho bà ấy, tiền bạc trong nhà lần lượt ra đi”.

Ông Tuấn có một cậu con trai nhưng đi làm ăn xa, năm mới về được một lần, cũng chẳng trông cậy được nhiều. Ông tính nhẩm, vợ ông đến nay nằm viện đã tròn 1 tháng. Lúc đầu, ông thuê được giường tự nguyện cho vợ nằm, nhưng chẳng được bao lâu, khi có bệnh nhân mới là bác sĩ lại chuyển vợ ông sang giường khác.

Một chiếc giường 0,8m x 1,2m đến 3 người nằm. Thế nên, ông thuê giường bạt để vợ nằm khu hành lang. Còn ông, ban ngày tranh thủ nghỉ trên ghế, tối nằm dưới sàn.

“Nói là ngủ chứ không thể chợp mắt được. Đèn chiếu sáng trưng, người kêu than, la lối, người ra vào vệ sinh. Trời nóng, lại không có quạt, lúc đông cả hành lang nay lên tới 150 người, nằm lẫn lộn cả nam nữ, làm sao ngủ nổi.

Vợ tôi yếu, nên đi đâu cũng phải dìu, nhiều lúc đi vệ sinh bà ấy cũng không thể tự làm được. Tắm giặt, chăm ăn uống đều đến tay tôi. Có những đêm, bà ấy lên cơn đau tim, tinh thần hoảng loạn, một mực đòi chết, tôi vừa phải an ủi, động viên, vừa phải xoa lưng, bóp tay cho bà ấy”. Ông buồn rầu kể, “ không có suất nằm trong phòng nên tắm gội cũng phải nhịn, 2-3 ngày mới dám tắm một lần, phòng vệ sinh bốc mùi mà còn phải xếp hàng đợi phòng vãn người mới dám xin cho bà ấy vệ sinh, tắm nhờ, còn tôi tranh thủ tắm ùm cho có nước dính người.

Số tiền còn lại giờ chỉ đủ để lo thuốc men, ăn uống chúng tôi cũng phải trông vào những suất ăn từ thiện, cứ  phải canh đúng giờ, xếp hàng trước, trễ là lại phải mua cơm ở ngoài. Cuộc sống ở quê đã khổ, sống ở giữa đất thủ đô lại khổ hơn nhiều. Cứ kiểu này, người bệnh chưa chết mà người chăm đã ốm rồi”.

Ông đưa tay quệt những giọt mồ hôi đang ướt đẫm trên khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn nhàu nhĩ, “Đời tôi cũng chịu rất nhiều khổ cực, nhưng chưa khi nào tôi phải ngửa tay đứng xếp hàng để nhận bố thí từ những bát cháo, những suất cơm từ thiện như thế này”.

Chung cảnh ngộ với ông Tuấn, là ông Hoàng Thanh Trương (Hải Phòng). Vợ ông mắc bệnh ung thư vú, bản thân ông lại mắc bệnh áp huyết cao nhưng cứ dăm bữa nửa tháng, ông lại bắt xe đưa bà vào viện K xạ trị mà không nhờ đến bất cứ đứa con nào giúp đỡ.

Nhiều người trong viện thấy thương cho hoàn cảnh của ông bà nên nhường giường cho bà nằm, còn ông nằm vạ vật bất cứ chỗ nào có thể. Tối đến, ông nằm tráo đầu đuôi ngay bên giường bà, lúc bà mệt, hay cáu gắt, ông lại trải manh chiếu nằm dưới gầm giường bệnh của bà.

Khi bà cần giúp đỡ, chỉ việc đập chân vào thành giường báo hiệu cho ông. “Từ hồi bà mắc bệnh, tính tình thay đổi thất thường, có lúc suy nghĩ tiêu cực, tôi lại phải vỗ về, lúc ngọt lúc nhạt, động viên bà ấy cố gắng chạy chữa.


Tiền bạc cũng không có, đều phải vay mượn từ họ hàng, cũng may những đợt điều trị hóa chất ở viện không kéo dài, chứ nếu chiến đấu trường kỳ ở đây, tôi không trụ nổi”, ông thở dài.

Và làm osin cho người

osin nam
Có chỗ nằm ở ghế thế này là tốt lắm rồi.
Ông Hoàng Văn Bách (55 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) sau những ngày lang thang vất vưởng tìm việc ở Hà Nội không được lại tìm đến nghề chăm nuôi bệnh nhân để sinh sống qua ngày.


Người bệnh ông chăm sóc là một người đàn ông quê ở Nam Định bị ung thư phổi di căn lên não, thuê ông chăm sóc với giá 300 nghìn đồng/ngày.

Việc của ông là chăm sóc tắm rửa, giặt, thay bỉm, dìu người bệnh đi lại và thông báo với người nhà hàng ngày về bệnh tình của bệnh nhân. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bước vào nghề “ăn cơm bệnh nhân, ngủ giường bệnh viện” ông mới thấy hết tủi nhục.

Cứ đều đặn 6 tiếng ông lại thay tã, vệ sinh, cắm cháo xông, xoa lưng, bóp tay chân cho người đàn ông không hề có máu mủ ruột già với mình.

Nếu không được vừa ý, người nhà bệnh nhân lại nhiếc móc, tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Đó còn chưa kể những lúc ông buộc phải ngồi nghe những câu chuyện không đầu không cuối của người bệnh và nhẫn nhịn chịu đựng cả những tính cách “trái nắng trở giời” của người bệnh.

Ăn đứng, ngủ gật, sinh hoạt thiếu thốn, khiến sức khỏe của ông ngày càng suy kiệt. Có khi vì mệt quá, ông mới dám móc hầu bao mua thức ăn có chất dinh dưỡng, để tăng sức khỏe thì bị chủ nói bóng nói gió, nhiếc móc.
Tiết kiệm chi tiêu lắm một ngày cũng mất đến 50 nghìn đồng, số tiền còn lại ông gửi về gia đình để lo cho con ăn học. “2 năm nay tôi không dám về nhà, chi phí đi lại đã tốn đến mấy trăm nghìn đồng, chỉ mong con cái được học hành tử tế, sau có công việc đàng hoàng, không phải chịu cảnh như tôi thế này”, ông chua chát kể.

Còn ông Nguyễn Văn Nam (Phú Thọ) qua một người quen giới thiệu, ông đi trông 1 người đàn ông bị ung thư phổi ở bệnh viện Hữu nghị.

Chăm chán ở viện, khi người bệnh về nhà, ông đi theo. Như vậy là tươm cho ông, đỡ phải vạ vật nơi bệnh viện.

Được về nhà, ông thấy thoải mái hơn vì được gia chủ sắp xếp cho một chiếc giường cạnh người bệnh. Hàng ngày, việc của ông là vệ sinh, bón cơm, giặt giũ cho người bệnh. Công việc vốn là của phụ nữ, giờ đây ông làm hết. Từng loại thuốc nào ông đều phải thuộc.

Cũng chỉ vì đồng tiền, nhiều khi ông phải cố, việc đã vất nhưng thỉnh thoảng, điều ông buồn nhất là khi bữa cơm đến, họ ăn xong mới để ông ăn.

Nửa đêm, nếu ông chót ngủ say, người bệnh kêu không được thì người nhà sẽ mắng ông.
“Cái cảnh đi làm osin thế này vất vả lắm cô à. Nhưng nghĩ đến mấy đứa con đang học, tôi tự bảo mình cho qua”, ông Nam chia sẻ trước khi chia tay.






Thiên An




Bình luận