• Zalo

'Oscar Việt' 2012: Bước đường cùng của một giải thưởng

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 08/03/2013 07:11:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nếu ở mùa diều năm nay, Hội Điện ảnh và ban giám khảo không thể vượt qua được chính mình thì có lẽ đây sẽ là “bước đường cùng” của một giải thưởng.

(VTC News) – Nếu ở mùa diều năm nay, Hội Điện ảnh và ban giám khảo không thể vượt qua được chính mình thì có lẽ đây sẽ là “bước đường cùng” của một giải thưởng.

“Vơ bèo gạt tép”

Giải Cánh diều (sẽ trao vào ngày mai 9/3) đang ở giai đoạn nước rút. Giám khảo đã xem  và cho điểm 11 phim tranh giải ở hạng mục Phim truyện nhựa năm nay từ ngày 4 – 7/3. Thế nhưng nhiều ý kiến lo ngại về việc không biết ban giám khảo sẽ dựa vào tiêu chí nào để chấm giải.

Lạc lối (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) lại không gửi bản phim tới dự thi mà gửi bản DVD cho ban giám khảo 
Thứ nhất năm nay có khá nhiều phim tranh giải không đạt chuẩn của một phim truyện nhựa. Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng được quay bằng máy quay truyền hình. Dành cho tháng Sáu của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn được quay bằng máy ảnh. Thêm vào đó đạo diễn Phạm Nhuệ Giang không gửi bản phim nhựa Lạc lối tới dự thi mà gửi bản DVD cho ban giám khảo.

Phim truyện nhựa là một tác phẩm tổng hòa của những sáng tạo từ âm thanh tới hình ảnh, diễn xuất, cách kể chuyện tới âm nhạc. Thế nên không có gì có thể biện hộ được cho sự cẩu thả của chính các tác giả có phim muốn dự giải cũng như sự dễ dãi đến quá mức của ban tổ chức giải thưởng.

Một giải thưởng điện ảnh của hội nghề nghiệp lại chấp nhận chấm giải cho những phim không được làm theo đúng chuẩn của một bộ phim truyện nhựa. Dễ dãi đến mức đánh mất cả cái chuẩn nghề nghiệp của mình như thế, có lẽ Hội Điện ảnh cũng nên xem xét lại.

Thứ hai, Cánh diều là giải thưởng điện ảnh nên để thưởng thức được trọn vẹn những sáng tạo của các nghệ sĩ thì phim cần được trình chiếu ở một hệ thống chiếu phim hiện đại và hoàn chỉnh.

Nhưng năm nay các buổi chiếu phim dành cho giám khảo đều được đặt tại rạp A - Fafilm (Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM). Đây là một cụm rạp cũ với chất lượng âm thanh không đủ chuẩn Dolby® Surround 7.1 như các rạp chiếu thương mại khác. Chưa kể máy chiếu cũng đã là đời cũ nên phim chắc chắn sẽ có chất lượng hình ảnh kém.

Phim Cát nóng được quay bằng máy quay truyền hình 
Nghịch lý là trong giải thưởng Cánh diều, ngoài các hạng mục đạo diễn, biên kịch, còn có còn có những hạng mục tthuần chuyên môn về kỹ thuật được trao như: quay phim, hình ảnh, âm thanh xuất sắc nhất.

Với bản phim dự thi thiếu chuẩn, với hệ thống rạp chiếu cũ nát như trên ai dám đảm bảo các giảm khảo sẽ thưởng thức được hết những chăm chút về âm thanh, hình ảnh và các kỹ xảo trong phim. Vậy các giải thưởng được trao tới đây liệu còn chính xác?

Việc ban tổ chức giải thưởng Cánh diều quá dễ dãi trong tiêu chí chọn phim và chấm phim như trên phần nào làm người ta thấy sự “úi xùi” của một giải thưởng điện ảnh.

Bước đường cùng của Cánh diều

Giải thưởng Cánh diều hàng năm được tổ chức bởi Hội Điện ảnh Việt Nam. Theo như lời ông Nguyễn Văn Tân – Chánh văn phòng Hội thì đây là giải thưởng được tổ chức cho những hội viên. 

Có lẽ tiêu chí giải thưởng quá rõ như thế nên trong tất cả các lần trao giải, Cánh diều vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa xuất sắc nhất, chưa bao giờ có một phim tư nhân nào được xướng tên.

Phim Nhà có 5 nàng tiên 
Lý do đơn giản bởi, hầu hết các phim tư nhân vốn đã bị thiệt thòi về mặt định kiến khi cho rằng đó là những phim thương mại. Thêm vào đó, lý do rất chính đáng mà không ai dám nói ra đó là hầu hết các phim tư nhân đều được làm bởi các đạo diễn không phải thành viên Hội Điện ảnh Việt Nam.

Vậy hà cớ gì mà giải thưởng nội bộ của Hội lại trao cho một “khách mời”? Đó là hiện thực. Tuy rằng những năm gần đây luôn có ý kiến kêu gọi không nên phân biệt phim tư nhân, phim nhà nước. Nhưng tư tưởng trên đã ăn sâu bám rễ vào khá nhiều người.

Cũng chính vì tiêu chí giải thưởng “lưỡng lự nhị nguyên” nên các mùa gần đây diều không bay vút được. Thực tế là càng ngày lượng phim nhà nước làm ra càng ít đi. Năm 2011 chỉ có một phim duy nhất là Mùi cỏ cháy, giành giải Cánh diều vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa xuất sắc nhất. Năm 2012 này có 3 phim là Cát nóng (Lê Hoàng), Đam mê (Phi Tiến Sơn) và Lạc lối (Nhuệ Giang).

Nhưng cả ba phim đến thời điểm này đều được đánh giá là không có gì xuất sắc. Ngoài việc Cát nóngĐam mê bị gắn mác “thảm họa” ngay từ khi chiếu ra mắt ở LHP Quốc tế Hà Nội 2013 thì ẩn số duy nhất của mùa diều năm nay, Lạc lối cũng chẳng nhận được đánh giá khá khẩm hơn nhiều.

Phim Đam mê 
Dù cuộc đua Cánh diều có kết quả thế nào thì bộ mặt của điện ảnh Việt cũng đã hiện ra. Điện ảnh thương mại đang đóng vai trò chủ đạo. Đội ngũ các làm phim tư nhân hiện chính là những người đang nắm giữ thị phần lớn của thị trường điện ảnh.

Nếu ở mùa diều năm nay, Hội Điện ảnh và ban giám khảo không thể vượt qua được chính mình thì có lẽ đây sẽ là “bước đường cùng” của một giải thưởng. Bởi nếu Cánh diều còn xác định sinh ra để tôn vinh dòng phim Nhà nước thì không còn bước lùi nào nữa. Bởi dòng phim ấy đã chết. Liệu Cánh diều còn?

Đàm Mộng Hoài 

Bình luận
vtcnews.vn