• Zalo

Ông Vũ Mão: 'Một quốc gia thu không đủ chi thì rất nguy hiểm'

Thời sựThứ Ba, 12/04/2016 05:33:00 +07:00Google News

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ về kỳ vọng đối với Chính phủ nhiệm kỳ mới.

(VTC News) - Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có rất nhiều thách thức đang đón đợi Chính phủ mới.

Sáng 12/4, Quốc hội khóa XIII bế mạc kỳ họp cuối cùng. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã kiện toàn các chức danh trong bộ máy Nhà nước.

Trong đó, Quốc hội đã phê chuẩn các chức danh Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và người đứng đầu cơ quan ngang Bộ. Như vậy, Chính phủ đã mang một “diện mạo” mới khi có khoảng 20 vị trí thay đổi so với nhiệm kỳ trước với nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn.


Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Vũ Mão - Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.

Ông Vũ Mão cho rằng, một trong những việc đầu tiên chính phủ phải ngăn chặn và đẩy lùi là tham nhũng, lợi ích nhóm.

"Mà muốn đẩy lùi vấn nạn này thì trước hết các vị lãnh đạo phải trong sáng đã. Chính phủ cũng phải đề ra những biện pháp quyết liệt hơn nữa. Thời gian vừa qua nói nhiều rồi nhưng hiệu quả thực hiện thì chưa được bao nhiêu" - ông Vũ Mão nói.

Ông Vũ Mão kỳ vọng Chính phụ nhiệm kỳ mới đẩy lùi tham nhũng và lợi ích nhóm, giải quyết được những vấn đề dân sinh bức xúc.

- Thưa ông, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã làm được gì nổi bật và còn những hạn chế nào?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã có những cố gắng rất lớn. Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn rất khó khăn nhưng chúng ta vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế, năm sau cao hơn năm trước. 

Chính phủ đã chấp hành, lắng nghe ý kiến của Quốc hội, lắng nghe ý kiến của nhân dân để sửa đổi kịp thời những vấn đề còn bất cập trong cuộc sống, lo toan cho đời sống nhân dân.

Đó là một số thành tích đáng ghi nhận của Chính phủ. Tuy nhiên, cái được thì có nhiều, nhưng cái còn tồn tại cũng không ít.

Video: Giây phút ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức Thủ tướng


(Nguồn: Quốc hội TV)

Trước hết, nhìn trên tổng thể, so sánh với thế giới thì nền kinh tế chúng ta còn thấp. Ngân sách của đất nước còn vô cùng khó khăn, thu không đủ chi, vay nợ thì nhiều. Một quốc gia mà thu không đủ chi là rất nguy hiểm. Trong khi đó, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm còn tràn lan trong xã hội.

Ngoài ra, một số chính sách cụ thể còn yếu. Một số vấn đề vẫn còn tồn tại dai dẳng từ năm này qua năm khác chưa được giải quyết. Đời sống của nhân dân ở vùng sâu vùng xa vô cùng khó khăn, khoảng cách giàu nghèo vẫn còn cao.

Bộ máy tổ chức của Chính phủ, cụ thể là các Bộ chưa hợp lý, chức năng nhiệm vụ còn chưa rõ ràng, có chỗ còn chồng chéo và lại có chỗ còn khoảng trống. Ví dụ, toàn bộ nhân lực của ngành thủy lợi đều nằm ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng chức năng quản lý tài nguyên nước lại nằm ở Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự thiếu thốn về nhân lực và trình độ. Như thế là không ổn trong công tác quản lý.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các Bộ trưởng chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo tôi, trong nhiệm kỳ vừa qua, các Bộ trưởng chỉ hoàn thành từ 50 đến 60% nhiệm vụ, người cao thì hoàn thành 70%, còn người thấp chỉ đạt 40%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

- Cơ quan hành pháp cao nhất có diện mạo mới với việc thay đổi khoảng 20 nhân sự từ Thủ tướng tới các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và cơ quan ngang Bộ. Nhìn vào danh sách này, ông đánh giá thế nào về các nhân lực thay thế, bổ sung?

Việc bổ sung, thay thế nhân lực sau mỗi nhiệm kỳ là quy luật tất yếu. Có người chuyển sang đảm nhiệm vị trí quan trọng khác, nhiều vị đến tuổi thì sẽ được nghỉ hưu.

 

Thế mạnh của ông Nguyễn Xuân Phúc là người trưởng thành từ cơ sở, thấu hiểu nỗi khổ của người dân, là người có bản lĩnh, có lối sống chân thành, khiêm tốn, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Ông Vũ Mão
 
Với những nhân sự chủ chốt mới, tôi hy vọng Chính phủ sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân. Trong tình hình còn nhiều khó khăn, nhân dân cũng cần phải chia sẻ, giúp đỡ để Chính phủ làm tốt nhiệm vụ.


Riêng về Thủ tướng, vị trí này đòi hỏi rất nhiều tố chất, rất nhiều yêu cầu. Thế mạnh của ông Nguyễn Xuân Phúc là người trưởng thành từ cơ sở, thấu hiểu nỗi khổ của người dân; là người có bản lĩnh, có lối sống chân thành, khiêm tốn, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
 

Tuy nhiên, ở trên đời cũng không ai hiểu biết được tất cả mọi điều, ông Phúc là người có thế mạnh ở một số lĩnh vực và còn nhiều lĩnh vực khác chưa có được hiểu biết sâu sắc.

Điều đó đòi hỏi phải phấn đấu học hỏi toàn diện để đáp ứng cho công tác quản lý, điều hành. Tóm lại, tôi có niềm tin vào ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tạo thành sức mạnh toàn dân để thực thi nhiệm vụ của Thủ tướng.

Với các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, tôi có niềm tin và cũng là mong muốn tới đây có sự quyết liệt đi đến cùng của nhiệm vụ và phối hợp tốt hơn nữa trong các lĩnh vực công tác của Chính phủ.

- Vậy theo ông, có những thách thức nào đang đón đợi Chính phủ nhiệm kỳ mới?

Trước hết, Chính phủ phải ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm. Mà muốn đẩy lùi vấn nạn này thì trước hết các vị lãnh đạo phải trong sáng đã. Chính phủ cũng phải đề ra những biện pháp quyết liệt hơn nữa. Thời gian vừa qua nói nhiều rồi nhưng hiệu quả thực hiện thì chưa được bao nhiêu.

Hiện nay, các giải pháp chống tham nhũng chưa hiệu quả. Việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức.

 

Trước hết, Chính phủ phải ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm. Mà muốn đẩy lùi vấn nạn này thì trước hết các vị lãnh đạo phải trong sáng đã.
Ông Vũ Mão
 
Dư luận ở ngoài xã hội thì rất nhiều, thậm chí còn kinh khủng lắm. Dư luận thì có cái đúng, có cái sai. Điều quan trọng là phải làm cho rõ, sai chỗ nào để thông tin đầy đủ cho nhân dân biết, cùng với Đảng, Nhà nước phê phán những người có động cơ không đúng, muốn hạ uy tín của lãnh đạo.

Đồng thời cũng làm rõ đơn vị nào và nhất là cá nhân nào tham nhũng và kiên quyết xử lý, công bố cho dân biết. Chuyện đó phải  làm tới cùng, phải minh bạch, công khai.

Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc. Muốn làm được điều này có hiệu quả, Chính phủ cần phải có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và thống nhất từ trên xuống dưới.

Giữa các Phó Thủ tướng, giữa các cơ quan của Chính phủ với nhau phải có sự phối hợp tốt hơn nữa. Bởi vì, để giải quyết một vấn đề xảy ra trong xã hội, nhiều khi đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, một bộ ngành không thể làm được.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi cho rằng sự chỉ đạo và phối hợp của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, giữa các Bộ là chưa thực sự tốt.

Tôi lấy ví dụ về vấn đề an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn là việc đại sự hiện nay. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn nói rằng đã phối hợp tốt với  Bộ Y tế trong vấn đề này. Trong khi đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đặt câu hỏi rằng: Các Bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng dân vẫn phải ăn thực phẩm bẩn thì tốt cái gì?

Tôi ủng hộ ý kiến của ông Thăng. Rõ ràng, nếu các Bộ phối hợp với nhau tốt thì người dân không phải khiếp sợ thực phẩm bẩn như hiện nay.

Tôi cũng nói thêm, để bộ máy của Chính phủ hoạt động có hiệu quả thì công tác quản lý nhân sự cũng phải được thực hiện chặt chẽ.

Có một tâm lý khá phổ biến hiện nay là việc các Bộ trưởng “ngại” kỷ luật cán bộ cấp dưới khi mắc sai phạm. Lý do thì có nhiều lắm, nào là muốn lấy lòng, nào là sợ bị cấp dưới thù, nào là khi bỏ phiếu tín nhiệm thì cấp dưới sẽ không bỏ phiếu cho...

Đây là điều rất không hay, nhân dân không hài lòng. Là người lãnh đạo phải có tâm, có bản lĩnh, có nhiệt huyết với công việc. Khi chúng ta làm trong sạch bộ máy thì bộ máy của chúng ta sẽ hoạt động hiểu quả và được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Video: Ông Nguyễn Tấn Dũng nói lời chia tay Chính phủ


 - Theo nhận định của ông thì tổ chức bộ máy của Chính phủ hiện nay đã hợp lý chưa và cần có những cải tiến như thế nào?

Như tôi đã nói, vừa qua nhiều Bộ trưởng chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Điều này có nhiều lý do, trong đó có việc tổ chức bộ máy của các Bộ hiện nay chưa hợp lý.

Ở thời điểm Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về việc sáp nhập các Bộ thì lập luận rằng: Một là, thu gọn đầu mối cho dễ quản lý. Hai là, phải tổ chức Bộ đa ngành để tăng thêm sự hỗ trợ lẫn nhau. Ba là, sẽ không để các Bộ quản lý doanh nghiệp mà tập trung vào vai trò quản lý Nhà nước.

Lập luận thì như vậy nhưng trong thực tiễn đã không diễn ra như thế. Đáng lẽ, qua vận hành của mỗi nhiệm kỳ cần tổng kết để rút kinh nghiệm bổ khuyết kịp thời, nhưng việc này đã không diễn ra.

Thực tế, khi nhập lại thấy không ổn nên đã lập ra các Tổng cục trong Bộ. Có người cho rằng, đang có tình trạng “Bộ” trong Bộ.

Hiện nay, ở nhiều Bộ, khối lượng công việc đang quá tải so với khả năng quản lý của Bộ trưởng. Điển hình là các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá - Du lịch và Thể thao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ và nguồn nhân lực đang triệt tiêu năng lực quản lý Nhà nước của các Bộ. Vấn đề Tài nguyên nước giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường là một điển hình.

Chính những tồn tại ấy đã làm cho các Bộ trưởng “đau đầu” vì sự “tranh chấp” không đáng có và cũng là một nguyên nhân quan trọng trong việc Bộ trưởng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Đã là tồn tại thì cần khắc phục, sắp xếp lại cho hợp lý. Tôi đề nghị, trong chương trình nghị sự của Quốc hội khoá XIV, ngay từ đầu cần có nội dung này trước khi phê chuẩn các thành viên Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!


Minh Quyết

Bình luận
vtcnews.vn