• Zalo

Ông Vũ Mão: Đảng cần phải có chương trình hành động

Thời sựThứ Ba, 06/10/2015 09:21:00 +07:00Google News

Ông Vũ Mão, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội đề nghị Đảng phải có chương trình hành động cụ thể

(VTC News) - Ông Vũ Mão đề nghị Đảng cần có chương trình hành động cụ thể được Đại hội thông qua để sau Đại hội có cơ sở triển khai ngay các công việc.

Ông Vũ Mão, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội  đã chia sẻ với VTC News những góp ý chân thành cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12.
 Ông Vũ Mão, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội  góp ý chân thành cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12
 Ông Vũ Mão, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội  góp ý chân thành cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12
Điểm mới của dự thảo

Sau khi nghiên cứu, tôi cho rằng Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng 12 đã được chuẩn bị khá công phu và có nhiều kinh nghiệm trong soạn thảo Báo cáo. Điều đó cũng dễ hiểu vì đây đã là Đại hội Đảng lần thứ 12 rồi.

Dự thảo Báo cáo chính trị lần này đã xuất phát từ đòi hỏi của chính cuộc sống và phân tích sâu sắc nhiều vấn đề, đồng thời đặt ra những yêu cầu thiết thực cho hướng đi trong tương lai.

Nhiều vấn đề trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội 12 đặt ra có tính thuyết phục. Trong phần đánh giá chung, Báo cáo chính trị Đại hội 12 đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Điều này có phần khác hơn so với Đại hội trước, nhiều vấn đề không dám nói hết, không dám nhìn thẳng vào những khó khăn của đời sống nhân dân.

Nhớ lại cách đây hơn 30 năm, trước đổi mới, chúng ta có sự ngộ nhận, tự cao tự đại, tỏ ra lạc quan quá mức với chiến thắng nên nhiều vấn đề thực tiễn của cách mạng đã không nhận thức kịp.

Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta tiếp quản một gia tài của miền Nam với nền tảng của nền kinh tế thị trường rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, từ sau năm 1975 đến trước 1986 thì nhận thức của chúng ta không đầy đủ nên không phát huy được nền tảng đó, thậm chí làm cho nó bị mai một, không được phát huy. Đó chính là bài học kinh nghiệm quý báu.

Việc dám nhìn thẳng vào sự thật đã đem đến thành công cho Đại hội lần thứ 6.

Nhắc lại về Đại hội 6 ngày ấy để thấy rằng thời điểm này, đất nước có nhiều thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhận thức được sáng tỏ hơn. Tình hình trong nước và thế giới cũng đã mở ra nhiều triển vọng mới.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng 12 chính là sản phẩm của quá trình cách mạng trong 30 năm. Tôi nghĩ đó là điều tốt và cần thiết để chúng ta tổng kết lại một cách đầy đủ.

Những điểm hạn chế

Tuy nhiên, trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng 12 cũng có nhiều khía cạnh chưa đạt, cần nghiên cứu bổ sung.

Tuy Dự thảo Báo cáo có định hướng tốt nhưng giải pháp để thực hiện chủ trương đề ra lại chung chung.

Trước đây, Bác Hồ đã nói: “Chủ trương (Nghị quyết) là 1, kế hoạch triển khai là 5, tổ chức thực hiện là 10”. Ở đây cần phải hiểu đó là mức độ quan trọng của từng vấn đề. Tư tưởng đó rất sâu sắc. Vì nhiều khi chúng ta có chủ trương, có Nghị quyết đúng đắn nhưng việc kế hoạch triển khai lại không cụ thể và đến khâu tổ chức thực hiện lại không chi tiết thì không thể có hiệu quả.

Đây là một bài học cho chúng ta hiện nay.

Dự thảo Báo cáo chính trị lần này đưa ra lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và của nhân dân là tốt, nhưng đòi hỏi tinh thần cầu thị, tiếp thu nghiêm túc để bổ sung vào Báo cáo để trình ra Đại hội 12.
Niềm tin son sắt, kiên định của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng (Ảnh: ANTĐ)
Niềm tin son sắt, kiên định của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng
(Ảnh: ANTĐ)
 

Vấn đề xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Đảng

Trong những nội dung chưa đạt, nổi lên vấn đề làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng. Đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 85 năm qua đã đạt rất nhiều thắng lợi vẻ vang.

V
ai trò lãnh đạo của Đảng là quyết định. Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò động lực cách mạng của toàn dân.

Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định Đảng lãnh đạo đất nước, xã hội. Đảng phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, chịu sự giám sát của nhân dân. Nhưng đến nay đã hơn 2 năm rồi mà vẫn chưa có những quy định cụ thể để triển khai nội dung này.

Nói về sự lãnh đạo của Đảng, tôi đề xuất phải có Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là một việc làm thiết thực trong lộ trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

Cần phải làm rõ Đảng lãnh đạo như thế nào, những nội dung gì, phương thức ra sao thì cần phải có Luật quy định minh bạch, rõ ràng chứ không nên chung chung.

Hiện tại, việc sửa đổi Điều lệ Đảng cũng đang bị coi nhẹ. Tôi cho là việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng là điều vô cùng quan trọng, là điều kiện tiên quyết để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong đó, cần quy định rõ Ban chấp hành Trung ương có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào. Bộ Chính trị có chức năng, quyền hạn gì.

Vì vậy, Báo cáo chính trị lần này thiếu hẳn tư tưởng chỉ đạo cho việc sửa đổi Điều lệ Đảng.

Tôi đề nghị, cùng với các Báo cáo trình Đại hội như thông lệ, cần có Chương trình hành động cụ thể của Đảng được Đại hội thông qua để sau Đại hội có cơ sở triển khai ngay các công việc, tránh tình trạng phải chờ đợi như trước đây.

Công tác chống tham nhũng

Chúng ta vẫn coi việc chống tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đối với Đảng và đất nước nhưng chưa tìm ra nguyên nhân nên chưa có giải pháp thiết thực để chống tham nhũng.

Nếu chúng ta có cơ chế đúng, chính sách đúng, pháp luật đúng thì sẽ cải tạo được con người, phải làm cho cán bộ, công chức thực sự là đầy tớ của nhân dân như lời dạy của Bác Hồ. Mỗi người đều phải sống trong khuôn khổ của pháp luật.

Trong khi đó, Luật phòng chống tham nhũng còn quá chung chung. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng ở những quốc gia xung quanh chúng ta như Singapore.

Việc chống tham nhũng hiện tại vẫn chưa đạt kết quả. Trong đó, vấn đề kê khai tài sản của cán bộ vẫn chưa minh bạch, rõ ràng. Nhân dân còn nhiều băn khoăn lắm, bởi vì thực trạng thì nặng nề nhưng phát hiện và xử lý thì không đáng kể..

Người ta cứ khai thôi nhưng không có cơ chế để kiểm tra, giám sát, đi đến cùng để kết luận. Vì vậy, cần phải đưa ra các giải pháp rất cụ thể để sau Đại hội thì có kế hoạch triển khai luôn.

Nội hàm của Đổi mới cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ

Tôi còn nhớ vào đầu năm 1987, tôi có đến thăm đồng chí Trường Chinh. Lúc đó, đồng chí Trường Chinh đã thôi làm Tổng bí thư. Tôi muốn xin ý kiến đồng chí Trường Chinh về công tác thanh niên.

Nhân dịp này, tôi đã hỏi đồng chí Trường Chinh rất nhiều vấn đề và ông cũng rất chân tình trả lời. Sau khi nghe câu hỏi của tôi về nội hàm của đổi mới, ông trả lời rất nhẹ nhàng, khiêm tốn, ngắn gọn: Tình hình đất nước vừa qua đã xuống tận đáy rồi. Không còn con đường nào khác là phải thay đổi, đó là tiếng gọi, là chỉ thị của trái tim. Tinh thần cách mạng là vừa làm vừa tìm tòi sáng tạo. Đổi mới chưa có sẵn một khuôn mẫu nào cả.

Vì vậy, chúng ta đã đưa ra phương châm : Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, để từ đó đề ra phương hướng tiến lên.

Trong không khí thời đó, chúng ta thường nói “Đổi mới hay là chết”. Tinh thần cách mạng là quan trọng. Niềm tin là chúng ta phải tiến lên.

Đổi mới ở đây là cởi trói, không bị gò bó, phải đổi mới trong tất cả các lĩnh vực.

Đổi mới trong kinh tế


Kinh tế thị trường đã được chủ nghĩa Tư bản sử dụng có hiệu quả. Kinh tế thị trường là sản phẩm trí tuệ của loài người chứ không riêng gì của Chủ nghĩa tư bản. Vì thế đổi mới cũng là việc chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường với những vận dụng sáng tạo.

Trong cơ chế thị trường có cạnh tranh nhưng chúng ta không hiểu hết điều đó nên đưa ra một danh từ rất mỹ miều là cạnh tranh lành mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta lại không giải thích được rõ cạnh tranh lành mạnh là như thế nào. Chúng ta có thiếu sót khi không đi sâu nghiên cứu để thấy cơ chế thị trường tác động đến xã hội và đến con ngườ như thế nào.

Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế chưa coi trọng nông nghiệp là thế mạnh để kinh tế Việt Nam phát triển. Chúng ta chưa coi nông nghiệp là động lực, chủ lực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Đây phải là sản phẩm chủ lực, quan trọng của đất nước.

Nếu như công nghiệp, chúng ta có thể sử dụng các thành tựu của thế giới thì phải coi nông nghiệp là đặc điểm riêng có của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần phải hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Tuy nhiên, giải pháp hiện đại hóa trong nông nghiệp trong nội dung báo cáo chính trị không được làm rõ.
                                                                  *
Tóm lại, tôi cho rằng, Đại hội 6 là Đại hội của Đổi mới thì Đại hội 12 là Đại hội của Đổi mới và hành động.

Phạm Thịnh (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn