Trong bài viết gửi VTC News nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2018), ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Thanh niên khát khao được sống trong bầu không khí dân chủ. Bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới của đất nước cho thấy: Càng dân chủ thì càng phát huy trí tuệ của nhân dân, trong đó có thanh niên. Với Đoàn ta, việc phát huy dân chủ trong các hoạt động của thanh niên là vô cùng quan trọng".
Nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh với công tác Đoàn
Từ năm 1982 đến 1987, tôi được tham gia sinh hoạt trong Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V cùng đồng chí Trường Chinh nên đã học hỏi được nhiều điều từ đồng chí.
Với cương vị là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam, tôi thường xuyên được gặp gỡ và trao đổi với đồng chí.
Có lần đồng chí Trường Chinh nói với tôi: "Ngoài xã hội, người ta kêu ca, phàn nàn về thanh niên nhiều quá. Đồng chí thấy nhận xét này có đúng không?".
Đặt câu hỏi là thế nhưng rồi chính đồng chí lại tự mình trả lời. Bằng thái độ cởi mở, đồng chí đã giảng giải cặn kẽ về phương pháp thuyết phục thanh niên, về cách thức chỉ đạo triển khai phong trào. Đồng chí đã tạo cho tôi một niềm tin son sắt vào thế hệ sẽ làm chủ nhân tương lai của đất nước.
Sau một hồi giảng giải, đồng chí Trường Chinh hỏi tiếp: "Thế theo cậu lý tưởng của thanh niên ngày nay là gì?" rồi: "Trước thực trạng tình hình đất nước hiện nay, thanh niên phải làm gì?". Và đồng chí hỏi tiếp: "Thanh niên có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng không? Đoàn Thanh niên có kiến nghị gì với Đảng không?".
Tôi nhớ mùa hè năm 1983, Đoàn đại biểu thanh niên của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia tổ chức Festival tại Hà Nội. Tổng Bí thư Trường Chinh đã đến nói chuyện với thanh niên ba nước anh em.
Sau buổi nói chuyện, các bạn trẻ ba nước đã đề nghị Tổng Bí thư cùng nhảy múa và hát cùng. Đồng chí Trường Chinh đã nhận lời và tham gia rất nhiệt tình.
Khi tiễn đại biểu là các bạn thanh niên của 2 nước ra về, đồng chí Trường Chinh quay vào nói với tôi: "Nhảy múa với các bạn thanh niên vui lắm. Được ca hát cùng các bạn trẻ mình cũng như thấy được trẻ lại. Nhưng đồng chí nhớ đưa tôi xem mấy tấm ảnh để chọn tấm nào phù hợp nhất trước khi gửi đăng báo nhé".
Câu nói của đồng chí Trường Chinh khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ, học ở lãnh tụ chính là học những điều bình dị nhất.
Ngày 9/2/1987, nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của đồng chí Trường Chinh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đến mừng thọ đồng chí. Lúc này đã được nghỉ ngơi nên đồng chí dành nhiều thời gian để trò chuyện với chúng tôi.
Tôi đề nghị với đồng chí Trường Chinh: "Thưa bác, chúng cháu muốn được nghe phân tích sâu thêm về nội dung Đổi mới của Đại hội VI mà bác là người chủ trì".
Đồng chí Trường Chinh vui vẻ nói: Từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước ta đã trải qua nhiều thăng trầm. Nền kinh tế hiện nay đã xuống tới đáy bởi những khó khăn khách quan và nhất là do nguyên nhân chủ quan nữa.
Chính thực tiễn sinh động từ các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng như phong trào khoán hội trong nông nghiệp đã cho ta những bài học quý giá, tinh thần đổi mới của Đại hội VI xuất phát từ đấy.
Đảng ta chủ trương Đổi mới thì đúng rồi, nhưng về nội dung Đổi mới thì chúng ta chưa nghiên cứu được sâu, chưa hiểu biết nhiều nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta phải khiêm tốn và kiên trì học hỏi thì mới tổng kết nâng lên thành lý luận được.
Tôi đã rất thấm thía và khắc sâu bài học ấy. Bài học mà tôi đã rút ra được từ những cuộc gặp gỡ, và được nghe đồng chí Trường Chính nói chuyện đó chính là: Một người đã trải qua những bước thăng trầm trong đấu tranh và lãnh đạo cách mạng, đã gặt hái được những hào quang nhưng vẫn luôn khiêm tốn, tự rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích, chịu khó đi sâu vào thực tiễn, học hỏi tính sáng tạo của quần chúng, lắng nghe ý kiến của mọi người, từ đó tổng kết và đưa ra đường lối đổi mới.
Sự nghiệp đổi mới của đất nước bản chất cốt lõi là vấn đề dân chủ. Sự đổi mới của Đoàn cũng phải bắt nguồn từ dân chủ.
Ông Vũ Mão
Đồng chí Trường Chinh được đánh giá là một nhà chính trị lỗi lạc, nhà tư tưởng, nhà hoạch định chiến lược tài ba, là nhà văn hóa lớn, nhà giáo nhân hậu, nhà báo sắc sảo. Dường như ở cương vị nào, đồng chí cũng là người mở đường cho các thế hệ kế tiếp.
Cần phải phát huy dân chủ
Ngày nay, công tác Đoàn vẫn được Đảng ta đặc biệt chú trọng. Người cán bộ Đoàn phải thực sự hiểu tâm lý thanh niên thích cái mới, luôn năng động sáng tạo; thích được giới thiệu hình ảnh và được biểu dương.
Muốn đạt được yêu cầu đó, cán bộ Đoàn phải năng động nhạy bén, sáng tạo, kiên quyết không để cơ chế hành chính quan liêu bao cấp chi phối, vì điều đó làm nản lòng thanh niên.
Ngày nay, công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh và là xu hướng của thời đại. Vì thế, đòi hỏi cán bộ Đoàn phải là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Đất nước đang hội nhập sâu vào các hoạt động quốc tế trong tất cả các lĩnh vực.
Thanh niên cần đi tiên phong, chủ động mở ra các mối quan hệ với bạn bè quốc tế. Cán bộ Đoàn ngày nay cần giỏi công nghệ thông tin, giỏi ngoại ngữ và có năng khiếu văn hóa nghệ thuật, thể thao.
Sự nghiệp đổi mới của đất nước bản chất cốt lõi là vấn đề dân chủ. Sự đổi mới của Đoàn cũng phải bắt nguồn từ dân chủ. Vậy Đoàn đã dân chủ với chính đối tượng đoàn viên thanh niên của mình chưa. Theo tôi, chúng ta chưa nhận thức được sâu sắc vấn đề cốt lõi này.
Thanh niên khát khao được sống trong bầu không khí dân chủ. Bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới của đất nước cho thấy: Càng dân chủ thì càng phát huy trí tuệ của nhân dân, trong đó có thanh niên. Với Đoàn ta, việc phát huy dân chủ trong các hoạt động của thanh niên là vô cùng quan trọng.
Đoàn chưa từng lấy ý kiến của thanh niên một cách đích thực. Đoàn cần đưa ra chương trình, nội dung, kế hoạch tỉ mỉ để thanh niên trả lời những vấn đề của Đoàn, của thanh niên.
Bây giờ lùi xa công tác Đoàn, tôi mới thấy điều đó vô cùng quan trọng mà thời kỳ tôi làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng chưa tự làm được vì chưa có được tầm suy nghĩ ấy. Nếu phê phán, tôi tự phê phán chính tôi.
Bình luận