Chiều 22/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo khác trong trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phủ nhận đổ lỗi cho cấp dưới
Trả lời câu hỏi của HĐXX lý do có bút tích sửa văn bản do nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, Bộ Công Thương có quy chế làm việc, quy định rõ từng lĩnh vực, từng lãnh đạo phụ trách. Khi xử lý các vụ việc liên quan, những người phụ trách chịu trách nhiệm trực tiếp, trường hợp người phụ trách đi vắng, có thể trao đổi với lãnh đạo để xử lý thay.
"Mặc dù người được phân công chủ động trong lĩnh vực của mình nhưng nếu xét thấy cần tham khảo ý kiến thành viên ban lãnh đạo, người đứng đầu như tôi thì họ chủ động hỏi ý kiến tôi. Tôi chỉ được hỏi ý kiến khi người ta có yêu cầu tôi tham gia. Tương tự, những cuộc họp quan trọng, người phụ trách đi vắng có thể nhờ người khác họp thay", bị cáo Vũ Huy Hoàng lý giải.
Trước toà, cựu Bộ trưởng Công Thương cũng phủ nhận cáo buộc mình đổ lỗi cho cấp dưới. "Tôi xin lỗi VKS, sáng nay đọc cáo trạng có nói rằng tôi không nhận trách nhiệm trong phạm vi của mình, tôi xin khẳng định lại trước HĐXX, tôi không có ý kiến đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho cá nhân khác về những việc đang xảy ra nếu như tôi là người trực tiếp thụ lý. Tôi chịu trách nhiệm cá nhân về những việc mình phụ trách, chỉ đạo và được hỏi ý kiến. Tôi không có động thái nào, lời phát biểu nào trốn tránh trách nhiệm cho người khác, kể cả là cấp dưới", bị cáo Vũ Huy Hoàng phân trần.
Nói về trách nhiệm khi để xảy ra thiệt hại tài sản của Nhà nước, bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn khẳng định, theo quy định, người đứng đầu chịu trách nhiệm chung nhưng nhiệm vụ đã phân công rất rõ ràng cho từng lãnh đạo.
"Tôi và các thành viên khác quản lý chung, không có điều kiện tìm hiểu. Doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, Sabeco đã cổ phần hóa, việc quản lý thông qua bộ phận giúp việc. Hôm nay sau khi nghe các thông tin, tôi thấy dự án này không phải là công trình quan trọng của Bộ, chưa nói của Nhà nước, Bộ trưởng không thể nào nắm hết được", ông Hoàng trình bày.
"Đất vàng" rơi vào tay tư nhân là do Bộ Công Thương thúc ép?
Trong vụ án này, ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch HĐQT, Ban quản lý vốn nhà nước giai đoạn 2012-2015 đã ký một số văn bản báo cáo lựa chọn nhà đầu tư. Ông Tuất không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, vào năm 2007, Sabeco hợp tác với Sabeco Land để triển khai dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) nhưng không đủ tài chính vì số tiền nộp sử dụng đất là 1.236 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2012, Chính phủ có nghị quyết 26 về thoái vốn ngoài ngành nhưng ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, đang trốn nã) tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản.
Ngày 23/4/2014, Sabeco có công văn số 10 đề xuất để Sabeco thực hiện dự án với nhóm nhà đầu tư mới để thành lập Sabeco Pearl, Sabeco cũng chuyển giao quyền sử dụng đất trên cho Sabeco Pearl. Quá trình thực hiện xảy ra sai phạm, Sabeco thoái vốn giá rẻ, dẫn đến đất vàng rơi vào tay tư nhân, nhà nước bị thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng.
Trả lời HĐXX, ông Tuất khai nhận Sabeco là tổng công ty duy nhất được gọi là giàu có nhưng không có văn phòng và phải đi thuê. Tiền thuê cũng là tiền ngân sách. Sabeco coi trách nhiệm là phải nhanh chóng có văn phòng. Khi Sabeco Land rút lui khỏi dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, có các nhà đầu tư mới đến thì rất phấn khởi.
Ông Tuất khai ký công văn số 10 có tham khảo các công ty khác ngành công thương. Sau khi Bộ Công Thương chấp thuận, Sabeco gặp gỡ các nhà đầu tư, dự thảo hợp đồng.
"Tôi chỉ ngồi dự lần đầu khi các bên chào nhau, sau đó bàn thảo thực hiện hợp đồng, điều kiện, điều khoản… Việc thương thảo dự án dựa trên cơ sở dự án cũ", ông Tuấn nói.
Nhắc đến văn bản gửi UBND TP.HCM đồng ý cho Sabeco Pear thực hiện nghĩa vụ tài chính, ông Tuất cho biết, sau khi hoàn tất hồ sơ với nhà đầu tư thì Sabeco làm hợp đồng hợp tác liên doanh và nộp cho UBND xin triển khai dự án.
Ông Tuất thừa nhận việc ký công văn là không đúng thẩm quyền vì khi đó, người đại diện pháp luật đi vắng. “Sabeco nộp hồ sơ nhưng hơn 1 tháng sau vẫn chưa thấy hồi âm. Bộ Công Thương giục giã chúng tôi phải nhanh chóng thực hiện dự án…”, ông Tuất phân trần.
Ông Tuất nói thêm: “Ở Sabeco có thông lệ là cứ đi họp về đất đai thì gọi tôi. Tất cả công văn thành phố gửi Sabeco về đất đai đều gửi tôi, tôi đi dự”. Ông Tuất cũng cho biết, trước khi ban hành công văn để Sabeco Pear thực hiện nghĩa vụ tài chính, Sabeco có báo cáo Bộ Công thương.
Trả lời câu hỏi của thẩm phán về trách nhiệm của mình liên quan đến vụ án, ông Tuất đáp: “Tôi nghĩ trong quá trình làm việc, lỗi duy nhất là quá năng nổ, nhiệt tình. Lẽ ra phải chờ thời gian. Bởi vì Bộ Công Thương thúc ép. Bộ giục cũng phải vì tiền phạt chậm nộp mỗi năm là 18,5 tỷ đồng. Sau 1 tháng nộp hồ sơ không thấy hồi đáp chúng tôi nóng vội…”.
Có mặt tại toà, đại diện Công ty Cổ phần Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl) cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý khu "đất vàng" trên. Các cổ đông tham gia công ty từ tháng 4/2017 thì chưa được 1 năm có việc khởi tố vụ án, từ đó đến nay khu đất đó để trống, không được triển khai, thiệt hại lớn cho công ty.
“Chúng tôi xem xét hồ sơ, toàn bộ văn bản của nhà nước đều là thật, là đúng, chúng tôi tin tưởng vào các văn bản đó. Khi chúng tôi tham dự tòa mới phát hiện có nhiều tình tiết diễn ra giữa các cơ quan quản lý khác nhau, không liên quan đến chúng tôi. Đề nghị tòa án xem xét bảo vệ quyền lợi của chúng tôi”, vị này nói thêm.
Bình luận