Tuy nhiên, dường như công luận chưa đồng tình với những giãi bày của ông về dự án này. Hãy cùng Tiền Phong ngược dòng thời gian về Hà Tĩnh 2 năm về trước để nghe ông Cự ca ngợi hết lời dự án Formosa ra sao.
Formosa cứu cánh cho Hà Tĩnh và cả nước
Ngay từ khi Formosa có ý định vào Việt Nam, báo Tiền Phong đã có hàng loạt bài viết kéo dài trong nhiều năm đề cập tới tác hại của nó tới môi trường tự nhiên và xã hội, về những ưu đãi chưa từng thấy… Ngay cả cuộc gặp bất đắc dĩ của các PV báo Tiền Phong hồi năm 2014 với ông Võ Kim Cự cũng xuất phát từ loạt bài từng đăng tải trên Tiền Phong: “Được, mất ở siêu dự án Formosa”.
Cuộc gặp gỡ đó có đủ lãnh đạo ban bệ tỉnh Hà Tĩnh, có cả một nhân vật khá đặc biệt là nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng (sau này bị khởi tố vì làm “xiếc” với đất công liên quan dự án Formosa gây thiệt hại cả chục tỷ đồng). Tuy có đủ thành phần quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh dự, nhưng chủ yếu mình ông Cự “thuyết trình” về Formosa.
Giọng ông Cự lúc khoan, lúc nhặt, nhưng rành rọt: “Thế mạnh của Formosa là lọc hóa dầu, và cầu cảng. Họ từng bỏ ra 15 tỷ đô la Mỹ để lấp 1 khu vực 2.300 ha trên biển làm nhà máy. Cho nên họ mới dám vào Vũng Áng (Kỳ Anh-Hà Tĩnh). Câu chuyện này không hề đơn giản. Cá nhân chúng ta cũng như các đồng chí thấy đấy, các cảng khác như cảng Đà Nẵng, Cái Lân... chỉ là cảng cạn.
Còn đây là cảng nước sâu, tàu từ 10-20 vạn tấn vẫn vào được. Cảng này cũng là điều kiện tốt để giao lưu quốc tế, cải thiện thu nhập. Không chỉ có ý nghĩa riêng với Hà Tĩnh mà còn có ý nghĩa với nước bạn Lào để phát triển công nghiệp nặng, sắt thép. Trong lúc khó khăn như thế mà Formosa dám nhảy vào”.
Ông Cự tất nhiên nhắc tới Formosa như một sự hàm ơn: “Nếu không có công nghiệp nặng thì các dịch vụ không phát triển, không có công ăn việc làm cho nhiều lao động. Nhà nhà đua nhau mở quán cà phê, karaoke... Nhiều nhà còn mua được 2 ô tô. Như vậy, Formosa tác động cực lớn. Formosa rất có ý thức tự giác, kể cả khai báo thuế”. Thời điểm diễn ra cuộc gặp với đại diện báo Tiền Phong (năm 2014), ông Cự đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông nói về sự hỗ trợ của tỉnh với người dân liên quan tới Formosa: “Chúng tôi còn hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân độ tuổi trung niên (1 tháng 15kg gạo, hỗ trợ 5 triệu đồng/người để chuyển đổi nghề), hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các trang trại lợn,... Ngay trong vùng quy hoạch, các nhà tranh rách nát, mái tôn tạm bợ đều được hỗ trợ bồi thường; di dân tái định cư vào các khu vực đẹp hơn thuộc thị trấn Kỳ Anh. Nhiều xã lên thành phường”.
“Một anh trải thảm đỏ mời chào, một anh vác sào để đuổi”
Sự tâm huyết vào cuộc của bộ máy lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng được Chủ tịch Cự thông tin: “Thứ 2 hàng tuần, chúng tôi đều họp giao ban về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, an ninh trật tự; đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Chưa có nơi nào như tỉnh như Hà Tĩnh ở dịp đại hội năm ngoái, các ban ngành và Đảng bộ Hà Tĩnh họp cả 2 ngày, chuyên bàn về 1 trang nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông các dự án trọng điểm. Chúng tôi nhận thức sâu sắc sự quan trọng của dự án, tăng cường mọi nguồn lực để đảm bảo an toàn cho nhà máy hoạt động”.
Sự tự tin của một người đàn ông nhỏ nhắn, đứng đầu một tỉnh, cho đến tận giờ, tôi vẫn nhớ như in. Ông Cự lúc đó khẳng định: “Một dự án cực kỳ lớn, nhưng chúng tôi vẫn kiểm soát được rất tốt. Chúng ta có cơm ăn, có việc làm, có đường sá, có điện, cảng nước sâu, có hạ tầng, thậm chí có cả dầu, không thua kém nơi nào…
Đây là dự án cực lớn của đất nước, dự án trọng điểm của quốc gia, chỉ số cạnh tranh của nước ta đang thấp mà có dự án này, chúng ta mời vào”. Chủ tịch Cự lúc đó còn dùng một câu ý nói báo chí như người “vác sào” đuổi nhà đầu tư: “Một anh mặc áo dài để trải thảm đỏ mời chào, một anh thì vác sào để đuổi”.
Ông Cự cũng nói đại ý nếu một dự án bình thường khác thì sao được nhiều nhân vật quan trọng vào đây thăm. Ông dùng từ “cực kỳ sôi động”. Theo đó, “một năm nữa (tức 2015) thôi mọi chuyện sẽ khác xa. Nó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Hà Tĩnh và khu vực”.
Đâu như gần cuối buổi gặp (vì ông Cự nói là chính, chúng tôi hầu như ngồi lắng nghe), ông Võ Kim Cự nói có một đoạn: “Tôi đây cũng vậy, nếu phát hiện các vụ việc tiêu cực, sai phạm như quan chức đánh bạc, xe chở quá tải, nhà thầu sai phạm... sẽ cho xử lý nghiêm khắc. Bản thân tôi nếu tham ô thì kể cả người Kỳ Anh ở bên Mỹ, bên Úc cũng sẽ lên án, sẽ bị đập tan luôn”.
Video: Ông Võ Kim Cự trả lời về việc né tránh báo chí
Ông quan “ăn” đất
Trong suốt buổi làm việc giữa đại diện báo Tiền Phong với Hà Tĩnh về dự án Formosa, tôi để ý thấy một người đàn ông thấp đậm đến muộn, nhưng hay nói chuyện riêng với một người phụ nữ trẻ phía góc hội trường. Với vai trò trưởng đoàn công tác báo Tiền Phong, tôi có ý nhắc giữa cuộc họp rằng ông ấy là ai mà thiếu nghiêm túc. Lập tức ông Võ Kim Cự cho biết đó là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng địa bàn đặt Nhà máy Formosa).
Ổng Bổng lúc đó rất được để ý vì có công lớn trong việc giải phóng mặt bằng cho siêu dự án. Trước thời điểm cuộc làm việc này vài ngày, vị lãnh đạo huyện này bị một số người dân của một xã bao vây đánh vỡ đầu do bức xúc về giải phóng mặt bằng. Trong cuộc làm việc, ông Cự cũng nhắc tới chuyện này và cho biết đang điều tra những nghi can đánh Chủ tịch Bổng.
Một năm sau đó, tin tức về ông Bổng loan trên khắp mặt báo. Người đàn ông thấp đậm ấy đã bị khởi tố với tội danh cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Người ta gọi ông Bổng bằng một cái tên dễ nhớ: Ông quan “ăn đất”. Liên quan đến vụ án “ăn đất”, hàng loạt cán bộ tại huyện này cũng bị khởi tố, bắt giam. Trên mạng vẫn còn lưu clip quay cảnh khi công an áp giải ông quan huyện “ăn đất”, nhiều người dân có mặt đã reo hò.
Formosa giờ không chỉ là từ khóa liên quan đến xả thải bẩn gây hủy hoại môi trường biển, mà còn ám ảnh không nhỏ tới lương tâm nhiều quan chức liên quan.
Bộ KH&ĐT từ chối trả lời việc cấp phép 70 năm cho Formosa
Chiều 26/7, trao đổi với Tiền Phong về trách nhiệm xử lý việc cấp phép 70 năm cho dự án Formosa, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từ chối trả lời với lý do bận họp. Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ KH&ĐT cũng từ chối trả lời vì không thuộc thẩm quyền phát ngôn.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ cuối tháng 6, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, thời điểm thẩm định dự án Fomosa (năm 2008) đã phân cấp cho UBND tỉnh. Các bộ, ngành liên quan của Trung ương có vai trò đóng góp ý kiến thẩm định.
Khi nhận được ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỏi về dự án này, theo chức năng nhiệm vụ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 3871 ngày 29/5/2008 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh góp ý và có cảnh báo về tác động môi trường.
Bình luận