Quá trình mở rộng điều tra vụ án Vũ “nhôm”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm của ông Trương Duy Nhất, nguyên Trưởng Đại diện Văn phòng Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết.
Theo đó kết quả điều tra, nhà đất số 82 Trần Quốc Toản (số cũ là 68, diện tích 101,2m2), nằm vị trí ngã năm (Trần Quốc Toản-Phan Châu Trinh-Hoàng Diệu, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng) là nhà công sản được bố trí cho Ngân hàng Công Thương thuê sử dụng kinh doanh.
Năm 1997, Ngân hàng Công Thương ngăn chia bố trí phần diện tích phía sau 74m2 cho bà Trần Thị Hạnh (mẹ ruột ông Hoàng Quang Tuyến, cán bộ ngành) sử dụng.
Sau đó, ông Tuyến có đề nghị xin mua lại đất, nhà trên thì ngày 4/3/2002, Công ty quản lý và khai thác nhà đất (QLKTNĐ) Đà Nẵng có văn bản đề nghị UBND thành phố và Sở Địa chính-nhà đất không giải quyết việc đề nghị xin mua căn nhà trên của ông Tuyến.
Văn bản của Công ty QLKTNĐ Đà Nẵng đề nghị thành phố giao toàn bộ khu đất trên cho Công ty đưa vào sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của thành phố.
Đến ngày 17/9/2003, Báo Đại Đoàn Kết (Văn phòng đại diện Trung Trung Bộ) có công văn gửi Công ty QLKTNĐ Đà Nẵng xin mua một căn nhà rộng rãi, riêng biệt tại khu trung tâm thành phố theo diện công sản Nhà nước không tính hệ số sinh lợi để làm văn phòng đại diện.
Trên cơ sở này, ngày 5/2/2004, Công ty QLKTNĐ có tờ trình gửi UBND thành phố, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) về việc cho phép bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất tại 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết làm văn phòng đại diện tại Đà Nẵng.
Ngày 2/3/2004, UBND TP. Đà Nẵng có công văn yêu cầu thu hồi nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản, yêu cầu sở, ngành liên quan lập thủ tục trình UBND thành phố giải quyết bán cho văn phòng báo Đại Đoàn Kết theo quy định.
Ngày 18/6/2004, sau khi hoàn tất thu hồi, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính - Vật giá TP. Đà Nẵng và các ngành liên quan đã đo vẽ, xác định diện tích, chất lượng, cấp nhà và vị trí khu nhà đất số 82 Trần Quốc Toản.
Cùng ngày, Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tiếp tục có công văn kính đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng lập thủ tục bán nhà theo diện công sản không tính hệ số sinh lợi theo ý kiến phê duyệt trước đó của lãnh đạo Đà Nẵng.
Ngày 26/1/2004, Công ty QLKTNĐ có công văn gửi Sở Tài chính về việc tính giá nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản. Theo đó, công ty này tính toán giá trị nhà đất ở đây với tổng số tiền là 459.376.200 đồng.
Ngày 19/7/2004, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại 82 Trần Quốc Toản cho Văn phòng báo Đại Đoàn Kết.
Sau đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của căn nhà này được chuyển giao cho Công ty TNHH xây dựng 79 của Vũ “nhôm”.
Đến nay, nhà đất công sản 82 Trần Quốc Toản là căn biệt thự lớn, được Vũ ‘nhôm’ sử dụng làm nhà ở và trụ sở công ty.
Liên quan đến sai phạm của Vũ "nhôm", tại buổi họp báo chiều 25/3 của Bộ Công an, Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đến nay, đã khởi tối 6 vụ án liên quan đến Vũ "nhôm", trong đó 2 vụ đã xét xử.
Đặc biệt, riêng sai phạm về quản lý đất đai thì cơ quan CSĐT đã khởi tố 21 cá nhân, trong đó có 17 người ở Đà Nẵng và tiếp tục điều tra nhóm người ở TP.HCM.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quá trình mở rộng điều tra vụ án Vũ "nhôm", cơ quan chức năng xác định ông Trương Duy Nhất có liên quan trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn".
Trước đó, ông Nhất là Trưởng đại diện báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng đã lợi dụng giấy tờ của báo mua bán nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí.
Bình luận