Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, nhân vật nổi tiếng với vai trò giữ ổn định bên trong chính quyền Trump, đã gửi thư từ chức sau khi tranh cãi với tổng thống về chính sách đối ngoại trong một cuộc họp ở Nhà Trắng.
Ông Mattis sau đó tiết lộ một bức thư cho thấy sự khác biệt cơ bản về quan điểm giữa ông và tổng thống, ngầm chỉ trích ông Trump không coi trọng các đồng minh ở nước ngoài.
Cũng trong ngày 20/12, bất chấp chỉ trích từ nội các và đồng minh sau khi quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria, ông Trump lại tiếp tục đưa ra kế hoạch rút lực lượng rời khỏi Afghanistan và chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do vượt ngân sách cho bức tường biên giới.
Cùng lúc đó, giá các cổ phiếu ở Mỹ giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về việc chính phủ có khả năng đóng cửa, kinh tế tăng trưởng chậm lại và các dự án tăng lãi suất vào năm 2019 của Ngân hàng dự trữ liên bang.
Tình hình khiến ngay cả những người tin tưởng ông Trump cũng lo lắng sâu sắc về con đường chính quyền ông đang đi ở thời điểm giữa nhiệm kỳ, theo Reuters.
Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, một quan chức thân cận và thường chơi golf với tổng thống, ngày 20/12 ca ngợi ông Mattis và công khai kêu gọi Tổng thống Mỹ xem xét lại việc rút quân khỏi Syria. Ông đồng thời cảnh báo việc rút quân khỏi Afghanistan có thể dẫn đến một cuộc tấn công khác vào Mỹ tương tự như thảm họa ngày 11/9/2001. “Tôi tin rằng ngài đang trên con đường phạm phải sai lầm tương tự như Tổng thống Obama phạm phải ở Iraq. Kết quả sẽ không tốt đẹp hơn đối với ngài” - Graham đăng trên Twitter về động thái Syria.
Thượng nghị sỹ Mỹ cho rằng các điều kiện ở Afghanistan sẽ khiến việc rút quân trở thành một chiến lược đầy rủi ro. “Nếu chúng ta tiếp tục kế hoạch hiện tại, có khả năng chúng ta sẽ mất tất cả những gì đã đạt được và mở đường cho một ngày 11/9 thứ hai.”
Thượng nghị sỹ Mitch McConnel, lãnh đạo phe đa số thượng viện cũng đưa ra tuyên bố thể hiện sự nghi ngại về nguyên nhân ông Mattis rời đi. “Tôi đặc biệt thất vọng khi ông ấy từ chức vì những khác biệt sâu sắc với tổng thống về những vấn đề chủ chốt trong chính sách toàn cầu của Mỹ” – ông nói.
Theo Reuters, tình cảnh khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “dứt áo ra đi” gợi nhớ đến diễn biến quen thuộc trong những tháng đầu của ông Trump tại Nhà Trắng, khi ông sa thải cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên Michael Flynn, sau đó là giám đốc FBI James Comey và khởi động lệnh cấm du lịch chống lại các quốc gia Hồi giáo.
Một năm mới khó khăn phía trước
Năm 2019 chưa đến nhưng đã cho thấy sẽ là một năm khó khăn với ông Trump. Những gì sẽ xảy ra trong năm này có khả năng lớn bị chi phối bởi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông thông đồng với Nga. Bên cạnh đó Quốc hội mới với đảng Dân chủ chiếm ưu thế ở Hạ viện được dự báo sẽ "tích cực" điều tra các doanh nghiệp của Tập đoàn Trump, các thành viên gia đình ông và một số thành viên nội các.
Đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ vào tháng 1 và đã lên kế hoạch sử dụng quyền lực của họ vào việc đào sâu vào quá khứ của ông Trump cũng như chính quyền hiện tại. Các thành viên Dân chủ đang có mong muốn làm ông Trump suy yếu trước chiến dịch tái tranh cử dự định diễn ra năm 2020 không bỏ qua cơ hội tận dụng những rắc rối xảy ra ngày 20/12.
"Thật là xấu hổ khi tổng thống đang khiến cả đất nước rơi vào hỗn loạn, đang ném ra một cơn giận dữ khác và sẽ làm tổn thương rất nhiều người dân vô tội" - Thượng nghị sĩ New York Chuck Schumer, đại diện Dân chủ tại Thượng viện nói. "Dù Trump giận dữ sẽ đóng cửa chính phủ, nhưng điều đó cũng sẽ không giúp ông ta có được bức tường".
Không có sự hỗn loạn ngày 20/12, Tổng thống Trump có thể đã có một tuần tốt đẹp.
Ông đã được ăn mừng thành công khi luật cải cách nhà tù - một sáng kiến được thúc đẩy bởi con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner được Thượng viện thông qua. Ông cũng ký được một dự luật trang trại lớn: Buổi lễ được quảng bá với video có hình ảnh ông từ chương trình giải thưởng Emmys nhiều năm trước mặc trang phục nông trại - đội mũ rơm, quần yếm denim và vẫy đinh ba.
Các trợ lý nói rằng ông Trump đã có tâm trạng tốt trong hầu hết tuần qua, dành một số tuần trước kỳ nghỉ kết nối lại với những người bạn cũ. Ông họp với các đồng minh trong Phòng Bầu dục và tham dự các buổi gặp mặt với bạn bè.
Dù vậy, đằng sau hậu trường, đội nhân viên Nhà Trắng khó lòng theo kịp ông. Chánh văn phòng mới Mick Mulvaney phải đối mặt với các cuộc họp chồng chất. John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia cũng tương tự. Ông Bolton là một người có chính sách cứng rắn với Iran, đã muốn giữ quân đội Mỹ ở Syria làm đối trọng với Tehran.
Kể từ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sau khi không còn tin tưởng họ, theo Reuters. Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cũng "nối gót" hai người kia không lâu sau đó.
Tuy nhiên, những quan chức trước đây từng được coi là sắp ra đi có thể sẽ ở lại lâu hơn. Theo các trợ lý, ông Trump hài lòng với Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen vì đã cứng rắn hơn trong lối tiếp cận các chính sách biên giới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross có thể sẽ không phải ra đi trừ khi ông tự muốn rời đi.
Nhưng việc ông James Mattis từ chức thực sự là một "tiếng sét ngang tai" với các quan chức Mỹ. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với các phóng viên rằng bà không tin ông Trump đã yêu cầu ông Mattis từ chức. "Tổng thống có mối quan hệ tốt (với ông Mattis), nhưng đôi khi họ có những bất đồng. Tổng thống luôn lắng nghe các thành viên đội an ninh quốc gia của mình, nhưng cuối cùng thì tổng thống là người ra quyết định" - bà nói.
Bình luận