(VTC News) – Không phải Vingroup của người giàu nhất Việt Nam mà một đại gia ít được biết đến hơn làm “trùm” sàn chứng khoán Việt.
Một nửa quãng đường của năm 2014 đã đi qua nhưng danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam chưa có sự thay đổi đáng kể. Đứng đầu danh sách này không phải những doanh nghiệp được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông như Vingroup của người giàu nhất Việt Nam hay Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. “Đại gia” này chính là Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS).
GAS là một trong số ít các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam luôn luôn công bố những khoản doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng và lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỷ đồng trong mỗi quý. Trong quý 1/2014, GAS thu về 16.366 ngàn tỷ đồng và lãi 3.156,5 tỷ đồng.
Hiện tại, GAS có gần 1,9 tỷ cổ phiếu lưu hành. Đó cũng là số cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Với mức giá cao ngất ngưởng, thường xuyên cao hơn 100.000 đồng/CP, thị giá của GAS xấp xỉ 212,8 ngàn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).
Tổng Công ty Khí Việt Nam có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán |
Vốn hóa thị trường của GAS hoàn toàn áp đảo các doanh nghiệp trong Top 10 doanh nghiệp có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) đứng thứ hai nhưng vốn hóa thị trường của VNM “chỉ” đạt 102,58 ngàn tỷ đồng, chưa bằng nửa GAS.
Hàng quý, lợi nhuận sau thuế của VNM dao động từ hơn 1.300 tỷ đồng tới 1.900 tỷ đồng. VNM là một trong những cổ phiếu được đánh giá cao trên thị trường nên mệnh giá của VNM thường xuyên dao động trên 120.000 đồng/CP.
Nằm trong nhóm tứ đại gia ngân hàng, Vietcombank nhận được sự quan tâm không nhỏ từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, do thị giá cổ phiếu VCB không cao, chỉ đạt khoảng 26.000 đồng/CP nên dù khối lượng cổ phiếu lưu hành rất cao, lên tới hơn 2,66 tỷ đơn vị, Vietcombank vẫn có vốn hóa thị trường thấp hơn GAS rất nhiều.
Cụ thể, vốn hóa thị trường của Vietcombank đạt 69.820 tỷ đồng. Vốn hóa thấp hơn nhiều so với GAS và VNM nhưng lợi nhuận hàng quý của Vietcombank vẫn khá cường, thường xuyên trên 1.000 tỷ đồng, không thua kém VNM nhiều.
Khối lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN) thấp hơn nhiều so với Vietcombank, “chỉ” đạt hơn 735 triệu cổ phiếu. Thế nhưng do thị giá cổ phiếu MSN khá cao, đạt hơn 90.000 đồng/CP nên thị giá Tập đoàn MaSan chỉ thua kém Vietcombank chút ít. Trên thị trường chứng khoán, Tập đoàn MaSan có giá 67,24 ngàn tỷ đồng.
MaSan là một trong những Tập đoàn nổi tiếng nhất Việt Nam. Masan được biết đến nhiều hơn GAS, “ông trùm” trên sàn chứng khoán vì cung cấp ra thị trường những mặt hàng thiết yếu với người tiêu dùng như nước mắm, mỳ ăn liền, gia vị,….
Trong khi đó, đứng ở thứ hạng thấp hơn Masan, Vingroup lại có phần nổi tiếng hơn vì Vingroup gắn liền với ông Phạm Nhật Vượng, đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. “Danh hiệu” của ông Vượng góp phần không nhỏ giúp Vingroup “rực rỡ” hơn.
Hiên tại, Vingroup đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt. Vingroup có giá trị khoảng 60 ngàn tỷ đồng. Hiện Vingroup đang lưu hành gần 930 triệu cổ phiếu VIC. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6, VIC dừng ở mức 64.000 đồng/CP.
Trong nhóm tứ đại gia ngân hàng, bên cạnh Vietcombank, chỉ mình Vietinbank lọt vào Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất. So với 6 doanh nghiệp kể trên, Vietinbank là đơn vị có khối lượng cổ phiếu lưu hành lớn nhất lên tới hơn 3,7 tỷ cổ phiếu. Tuy nhiên, do thị giá thấp nhất, chỉ đạt 14.500 đồng/CP nên giá trị của Vietinbank khiêm tốn hơn, đạt 54 ngàn tỷ đồng.
Đứng ngay sau Vietinbank nhưng giá trị của Tập đoàn Bảo Việt lại thấp hơn hẳn. Vốn hóa thị trường của Bảo Việt “khiêm tốn” vì cả khối lượng cổ phiếu lưu hành và thị giá của Bảo Việt đều thấp hơn, lần lượt đạt 680 triệu cổ phiếu và 41.000 đồng/CP. Tính theo thị giá, Tập đoàn Bảo Việt trị giá 28 ngàn tỷ đồng.
Là ngân hàng thương mại cổ phiếu nhưng Sacombank không hề thua kém các ngân hàng trong nhóm tứ đại gia. Vốn hóa thị trường của Sacombank đạt 26 ngàn tỷ đồng. Hàng năm, lợi nhuận sau thuế của Sacombank thường đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát cũng là một trong những doanh nghiệp rất nổi tiếng. Hòa Phát nổi tiếng vì thương hiệu tốt và vì ông chủ Trần Đình Long, vốn là một ông bầu bóng đá năng nổ. Hòa Phát có vốn hóa thị trường lên tới 26 ngàn tỷ đồng.
Điều đáng nói, Hoàng Anh Gia Lai lại không góp mặt trong Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Với việc cổ phiếu HAG chỉ dao động dưới mức 25.000 đồng/CP, Hoàng Anh Gia Lai có giá hơn 17 ngàn tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai không có thứ hạng cao trong khi bầu Đức vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bảo Linh
Bình luận