Sau khi cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần tập đoàn FLC niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, vị trí của ông Quyết vẫn khá khiêm tốn. Đặc biệt, sau khi cổ phiếu FLC giảm giá mạnh và giao dịch dưới mệnh giá, vị trí của ông Quyết có xu hướng đi lùi.
Thế nhưng trong năm nay, ông Quyết đã khiến danh sách nhà giàu Việt bị xáo trộn mạnh sau khi cổ phiếu ROS của công ty cổ phần xây dựng Faros niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Không lâu sau khi ROS chào sàn, ông Quyết vượt qua nhiều đại gia Việt để đứng ở vị trí giàu thứ 2, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup.
Trong tuần này, một lần nữa, nhờ cổ phiếu ROS bứt phá, ông Quyết lại gây bão khi trở thành tỷ phú đô la thứ sau sau ông Phạm Nhật Vượng.
Cụ thể, sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu ROS tăng 16.800 đồng/CP, tương ứng 24,8% lên 84.600 đồng/CP. Trong tuần, ROS có tới 3 phiên tăng trần. Nhờ đó, vốn hóa thị trường ROS tăng 7.224 tỷ đồng lên 36.378 tỷ đồng. ROS trở thành một trong những cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
ROS tăng, là cổ đông lớn nhất, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và Chủ tịch Hội đồng quản trị ROS là người được hưởng lợi nhiều nhất. ROS giúp giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Quyết tăng 4.697 tỷ đồng lên 23.651 tỷ đồng (tương ứng 106 tỷ USD). Như vậy, chưa tính tới giá trị cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã trở thành tỷ phú đô la thứ 2 của Việt Nam trong tuần này.
Trong khi cổ phiếu ROS có nhiều bứt phá, cổ phiếu FLC tăng khá ì ạch. Sau 5 phiên giao dịch, FLC chỉ tăng 70 đồng/CP. Đà tăng này giúp giá trị cổ phiếu FLC do ông Quyết nắm giữ tăng 7,6 tỷ đồng lên 702 tỷ đồng.
Như vậy, tính tới cuối ngày 28/10, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Quyết đạt 24.353 tỷ đồng (khoảng 1,09 tỷ USD). Ông Quyết là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản người đứng ở vị trí thứ nhất là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup 6.673 tỷ đồng.
Tuần này, trong Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ có ông Trịnh Văn Quyết được may mắn chứng khoán khối tài sản bứt phá mạnh. 2 đại gia còn lại là ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát lại chứng kiến khối tài sản giảm nhẹ.
Cụ thể, VIC giảm 150 đồng/CP xuống 42.850 đồng/CP. VIC khiến tài sản của ông Vượng giảm 108,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu HPG giảm 200 đồng/CP xuống 40.800 đồng/CP. VIC khiến tài sản của ông Trần Đình Long giảm 36,9 tỷ đồng xuống 7.521 tỷ đồng. Mặc dù đứng ở vị trí thứ 3 nhưng tài sản của ông Long thấp hơn rất nhiều so với ông Quyết.
Gia đình ông Long thậm chí còn mất mát nhiều hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu HPG của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long. Trong tuần này, lượng cổ phiếu của bà Hiền giảm 10,7 tỷ đồng. Bà Hiền vẫn đứng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong năm nay, bên cạnh ông Trịnh Văn Quyết, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy gây ấn tượng khi có bước nhảy vọt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuần này, tài sản của ông Hạ cũng tăng trưởng khá tốt dù cổ phiếu HHS của công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy đi lùi. HHS giảm 460 đồng/CP khiến giá trị cổ phiếu HHS của ông Hạ giảm 221 triệu đồng xuống 27,4 tỷ đồng.
Tài sản của ông Hạ được bù đắp bởi cổ phiếu TCH của công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy. TCH tăng 1.200 đồng/CP. TCH giúp giá trị cổ phiếu TCH của ông Hạ tăng 164,8 tỷ đồng lên 4.147,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của ông Hạ đã đạt 4.175,3 tỷ đồng.
Bình luận